Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 7 năm 2017 | 8:46

Hà Nam đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chiều 26/7, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức gặp mặt, đối thoại để nghe ý kiến, kiến nghị và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại hội nghị, ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất như: công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn nhiều, gây phiền hà cho doanh nghiệp; việc cung cấp điện cho các doanh nghiệp hoạt động vẫn chưa đảm bảo yêu cầu; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…

Đại diện doanh nghiệp góp ý kiến tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đề nghị UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, trong đó rà soát, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy hoạch, phát triển hạ tầng, cấp, thoát nước, y tế, giáo dục, du lịch,... để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời đề nghị Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch, cơ cấu lại thị trường bất động sản, tăng quỹ đất cho các dịch vụ thương mạỉ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, có cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, phường giảm nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản và tập trung bố trí vốn đề trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành, giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp…

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp.

Sau khi nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, đề nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, nhấn mạnh, với mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Hà Nam tiếp tục thực hiện phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo đồng bộ, thuận lợi, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước sạch, thu gom và xử lý nước thải, rác thải; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng cảng ICD.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp tại buổi gặp mặt

Hà Nam tiếp tục vận hành có hiệu quả mô hình trung tâm hành chính công từ tỉnh đến huyện nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho doanh nghiệp; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo thời gian theo quy định; kiên quyết thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đất đối với dự án không triển khai đầu tư hoặc đầu tư không hiệu quả; tích cực tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; thường xuyên gặp mặt doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn giúp các dự án mới đang đầu tư sớm đi vào hoạt động để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, thu hồi vốn, tạo tăng trưởng kinh tế, thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ông Vũ Đại Thắng cũng đề nghị các doanh nghiệp rà soát, xác định chiến lược phát triển của mình, tập trung các nguồn lực và đa dạng hoá hình thức đầu tư để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng khối lượng sản phẩm hàng hoá, tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, đảm bảo duy trì tốc độ phát triển; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tiết kiệm vào sản xuất - kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế. Trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, thuế, lao động…

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư các dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Trường U1 Hà Nam của Trường Đại học U1 (Hàn Quốc) với quy mô đào tạo bậc đại học và sau đại học khoảng 4.200 sinh viên, tổng vốn đầu tư 45 triệu USD, tiến độ thực hiện dự án 2017-2023, trong đó năm 2020 hoàn thành đưa giai đoạn 1 vào hoạt động; Dự án tổ hợp chế biết thịt – Tập đoàn Masan tại Hà Nam, có công suất giết mổ là 600.000 con lợn/năm, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cảng ICD Tân Cảng – Đồng Văn III của Công ty cổ phần Tân Cảng – Đồng Văn Hà Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 181 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch sông Hồng của Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam có tổng vốn đầu tư 2.622 tỷ đồng./.

Trung Hiếu

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top