Theo thống kê, 10 tháng qua, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hoá từ các tỉnh, thành phố với khối lượng trên 220.000 tấn.
Kết nối cung - cầu, giao thương nông sản với 3 miền
Hôm nay, 23/10, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông lâm thuỷ sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Chương trình nằm trong chuỗi Diễn đàn kết nối nông sản 970 do Bộ NN&PTNT khởi xướng.
Có khoảng 600 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại… của 41 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT; các nhà mua nông sản: Hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, doanh nghiệp chế biến – bán lẻ - xuất khẩu; các nhà cung nông sản: Các chuỗi sản xuất nông sản, doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân…
Thông tin tại Diễn đàn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000ha. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30 - 65% nhu cầu phục vụ cho khoảng 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thủ đô.
Nhu cầu và khả năng tự cung ứng của Hà Nội đối với một số nhóm ngành hàng chính trong một tháng cụ thể là: Gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi: 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn); thủy hải sản tươi, đông lạnh 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng10.350 tấn)…
Lượng hàng hóa còn thiếu, theo bà Phương Lan, hiện đang được các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... khai thác từ các tỉnh như Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai… Đặc biệt là kết nối sản phẩm thuộc chuỗi rau, thịt an toàn của 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng của 45 tỉnh, thành trên cả nước.
Thống kê trong 10 tháng năm 2021, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hoá từ các tỉnh, thành phố với khối lượng trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết thêm, thành phố đã xây dựng phương án, bảo đảm cung ứng 11 nhóm hàng hoá chính phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản chỉ ở mức cầm chừng. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá từ các tỉnh, thành phố trên cả nước của Hà Nội là rất lớn.
Do nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản của Hà Nội trong giai đoạn cuối năm, cận Tết Nguyên đán rất lớn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mong muốn các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, kết nối với các sở ngành của thành phố nhằm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, có chất lượng cao cho người dân Thủ đô.
Nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid- 19. Một số chương trình dự kiến như: Tổ chức các Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh tại Hà Nội; Điểm bán sản phẩm các tỉnh tại các quận nội thành…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, đơn vị các tỉnh, thành phố tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông sản trên địa bàn; các hoạt động giới thiệu nguồn cung sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn đến các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội...
Loại bỏ những chuỗi cung ứng không đảm bảo yêu cầu
Đánh giá cao những kết quả mà tổ công tác đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, Diễn đàn 970 đã khẳng định được vị trí trong việc kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là nguồn thông tin cho các cơ quan, cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của các bộ ngành cũng như các địa phương.
“Diễn đàn ngày hôm nay có 350 điểm cầu kết nối với hơn 1.000 người tham gia và đã kết nối được hơn 30 giao dịch ngay trong Diễn đàn. Ngoài ra, ngay sau Diễn đàn, Bộ NN&PTNT và TP. Hà Nội sẽ kí kết đưa ra những thỏa thuận, phối hợp triển khai những mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản”, Thứ trưởng thông tin.
Theo đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.