Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 7 năm 2019 | 13:39

Hà Tĩnh nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp

Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) Hà Tĩnh từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

tr16.jpg
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm Hatimic xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón.

Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) Hà Tĩnh từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh.

Đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ KHCN

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KHCN Hà Tĩnh được thành lập năm 1991 với chức năng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Năm 2014, Trung tâm chuyển sang cơ chế tự chủ tự trang trải 100% kinh phí chi thường xuyên theo Nghị định 115/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 54/2016/NĐ - CP của Chính phủ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển giao ứng dụng và phát triển thị trường KHCN, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu,  làm chủ một số công nghệ và đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ KHCN gồm: sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học chứa các chủng vi sinh vật hữu ích vào xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, phế thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt làm phân bón hữu cơ vi sinh, công nghệ ứng dụng chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt. Công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp ổn nhiệt và náo đảo tự động trong sản xuất nước mắm; công nghệ xử lý nước phục vụ sinh hoạt; công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất cây giống, công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và các sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo; sản xuất các loại trà thảo dược và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng. Công nghệ phòng chống mối cho công trình xây dựng… 

Một số sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường như chế phẩm Hatimic xử lý phụ phẩm nông nghiệp, phế thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt làm phân bón, nhằm giảm phân bón hóa học, cải tạo đất. Chế phẩm Hatibio xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi và xử lý điểm tập kết rác thải sinh hoạt.

Đặc biệt, năm 2019, tại cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)  tổ chức, Bộ chế phẩm Hatimic và Hatibio cùng giải pháp kinh doanh của Trung tâm đã lọt qua hơn 700 ý tưởng sáng tạo và được vinh danh top 16 giải thưởng xuất sắc nhất.

Từng bước làm chủ công nghệ, nhiều ứng dụng đi vào thực tế

tr16a.jpg
Bộ chế phẩm sinh học của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh đã lọt qua hơn 700 đề xuất để được vinh danh top 16 giải thưởng xuất sắc nhất.

 

Sau 3 năm sử dụng chế phẩm sinh học của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Khe Giao (xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà) cho biết: “Sử dụng chế phẩm Hatimic làm được đệm lót chăn nuôi gà, phân gà; sau đó sử dụng bón cam, bưởi, trồng lúa tốt, giảm được sâu bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình”.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 270.000 gói chế phẩm Hatimic, giúp người dân tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp sản xuất được xấp xỉ 180.000 tấn phân hữu cơ vi sinh, tiết kiệm khoảng 130 tỷ đồng tiền mua phân bón cho người dân. Đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, đơn vị cũng cung ứng chế phẩm sinh học cho hơn 100 HTX môi trường xử lý mùi hôi từ điểm tập kết rác, chuồng trại chăn nuôi.

Việc sản xuất kinh doanh cung ứng chế phẩm sinh học ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần đưa sản phẩm KHCN ra thị trường, gắn với nhu cầu sử  dụng của người dân, mang lại ý nghĩa thực tiễn quan trọng, có tính bền vững cao, được duy trì nhân rộng khắp tỉnh, góp phần nâng cao ý thức, tập quán canh tác sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong xây dựng NTM.

Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đề tài đồng bộ hóa công tác quản lý và kỹ thuật trong thu gom, phân loại và xử lý nước thải, rác thải cho hộ gia đình và tổ nhóm hộ. Bước đầu đạt kết quả tích cực, không những khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn mà còn mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp, biến các vùng nông thôn trở thành khu dân cư xanh, những miền quê văn minh, hiện đại.

ThS. Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh, cho biết: “Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, với sự nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết hợp tác, Trung tâm đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế của mình, ngày càng nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị, đời sống người lao động được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cấp chế phẩm và mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như phong trào xây dựng NTM của Hà Tĩnh”.

 

 


 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top