Cùng với mục tiêu quảng bá, giới thiệu về sản phẩm vải thiều, thúc đẩy giao lưu, mở rộng việc tiêu thụ, xuất khẩu vải và các nông sản khác của Hải Dương, lễ hội vải thiều Thanh Hà sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong mùa vải 2018.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Thanh Hà hiện có 1.000ha vải trồng theo quy trình VietGAP (chiếm 1/3 tổng diện tích vải thiều của toàn huyện), tập trung chủ yếu ở xã Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Sơn… Cây vải không những là loại cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở nhiều huyện của tỉnh Hải Dương đặc biệt là huyện Thanh Hà, mà nó còn trở thành một loại hình du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Vải Thanh Hà nổi tiếng nhờ có thổ nhưỡng phù sa đặc thù. Quả vải to, mọng, vỏ mỏng, đỏ đều, ngọt nhưng không ngọt sắc, hạt nhỏ, vị thơm đọng lại sau ăn. Vải ít bị sâu, lâu bị hỏng.
Trong khoảng tháng 5/2018, thời điểm vải Thanh Hà chín, cùng với mục tiêu quảng bá, giới thiệu về sản phẩm vải thiều, thúc đẩy giao lưu, mở rộng việc tiêu thụ, xuất khẩu vải và các nông sản khác của Hải Dương, từ đó nâng cao giá trị nông sản, thu nhập của nông dân. Sở Công Thương tỉnh phối hợp với UBND huyện Thanh Hà và các đơn vị liên quan sẽ lần đầu tiến hành tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà 2018.
Tổng kinh phí dự toán là 1,474 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại đã giao dự toán theo Quyết định 4139/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh cho Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và cấp bổ sung từ nguồn ngân sách tỉnh.
Tại buổi giao ban báo chí diễn ra vào ngày 4/5, bà Vũ Thị Kim Phượng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, đây là cơ hội giao lưu, kết nối nông dân sản xuất, kinh doanh vải thiều và nông sản với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chế biến, thu mua, xuất khẩu, tiêu thụ vải, nông sản; ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản, sản phẩm du lịch giữa các đối tác.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành trong bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Đây cũng là dịp để Hải Dương giới thiệu các tiềm năng, lợi thế về và các chính sách của tỉnh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Qua khảo sát, ước tính năm 2018 sản lượng vải của Hải Dương sẽ cao gấp đôi năm trước, đạt 55.000 - 60.000 tấn.
Được biết, năm 2007 vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt top 50 sản phẩm uy tín chất lượng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và năm 2014, sản phẩm lọt Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”.
Cùng với đó, tại buổi giao ban báo chí đề cập tới việc dự kiến sẽ công bố, giới thiệu quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương, huyện Thanh Hà, tham quan cây Vải Tổ, thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vải xuất khẩu đi Mỹ, trải nghiệm hái vải và đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.