Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 12 năm 2016 | 1:55

Hàm Yên, hứa hẹn mùa cam ngọt

Từ trồng cam sành, hàng trăm hộ dân ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã thoát nghèo, trở nên khá - giàu, nhiều hộ có thu hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn 1 tỷ đồng/năm, xây được nhà ở khang trang, mua sắm ô tô. Năm 2015, riêng xã Phù Lưu, người dân đã mua trên 40 xe ô tô. Một mùa cam sành nữa lại đến, hứa hẹn mang đến nhiều niềm vui cho người dân bởi vụ cam năm nay vừa trúng mùa, vừa được giá.

Năm 2016, sản lượng cam của huyện Hàm Yên ước đạt 53.000 tấn, tổng thu nhập 510 tỷ đồng.

Hàm Yên là vùng trồng cam sành có tiếng của tỉnh Tuyên Quang, thương hiệu cam sành Hàm Yên đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ khi cam sành Hàm Yên được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thị trường tiêu thụ ngày càng ổn định hơn, giá trị sản phẩm ngày một tăng, kéo theo đó là diện tích, sản lượng tăng lên đáng kể.

Nếu như năm 2011 toàn huyện mới có trên 2.000ha cam sành, sản lượng trên 20.000 tấn với trên 2.500 hộ trồng thì đến năm 2016, diện tích này tăng lên  5.000ha, tạo thành vùng sản xuất tập trung ở 13 xã với trên 5.000 hộ trồng. Trong đó, diện tích cam kinh doanh là 3.400ha, năng suất ước đạt 150 tạ/ha, sản lượng 53.000 tấn, tổng thu nhập trên dưới 510 tỷ đồng.

Một số đầu mối chuyên thu mua, phân phối cam cho biết, những năm trước, cam sành Hàm Yên chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh từ phía Bắc Trung Bộ trở ra, từ năm 2012 - 2013, thị trường tiêu thụ đã mở rộng vào tận Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Đầu vụ, cam sành tiêu thụ chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, từ tháng 12 đến tháng 1 thị trường có sự dịch chuyển ra miền Bắc và các tỉnh miền Trung. Cuối vụ, từ tháng 2 đến tháng 3 tiêu thụ chủ yếu ở thị trường miền Bắc. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là  thương lái trong và ngoài tỉnh đến trực tiếp thu mua tại vườn và cung ứng về các chợ đầu mối.

Ngoài ra, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu cũng ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn như Big C, Metro, Co.op Mart, Fivimart, năm 2015 tổ chức tiêu thụ được trên 600 tấn. Vùng cam sành cũng thu hút nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp thu mua cam của các tỉnh đến mua bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Từ trồng cam, nhiều hộ đã thoát nghèo, trở nên khá - giàu. Năm 2015, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Phù Lưu, người dân đã mua trên 40 ô tô. Hiện, trên địa bàn huyện có 142 trang trại trồng cam với tổng thu nhập hàng năm của các trang trại trên 120 tỷ đồng.

Ông Lương Đức Thọ, ở Tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên cho biết, hiện gia đình có 2ha cam, sản lượng ước đạt 50 - 60 tấn. Với giá bán tại vườn là 8.000 đồng/kg, năm 2015, trừ chi phí gia đình thu về hơn 100 triệu đồng.

Ông Vũ Mạnh Cường, Tổ trưởng Tổ dân phố Đồng Bàng, cho biết thêm, năm 2016, tổ dân phố có 120ha cam, trong đó, 115ha đang cho thu hoạch, sản lượng dự kiến 1.150 tấn, giá bán hiện tại đạt 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Cường, những năm gần đây, cam sành là cây mũi nhọn, tạo việc làm, mang lại thu nhập cao cho người dân. Năm 2015, tổ dân phố Đồng Bàng có 30 hộ đạt thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, 4 hộ thu nhập từ 200 - 600 triệu đồng. Hiện, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, sản lượng cam năm nay cao hơn năm 2015 khoảng 7.000 tấn. Giá cam sành đầu vụ đang dao động ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg; tuy nhiên, từ tháng 12 trở đi, giá cam sành tăng theo ngày, đến Tết Nguyên đán, giá bán bình quân có thể lên tới 18.000-20.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, huyện đã tiêu thụ được khoảng 20% sản lượng và sẽ thu hoạch rộ trong tháng 12 và tháng 1 năm 2017.

Ông Hưng cho biết thêm, năm nay, huyện Hàm Yên sẽ phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ hội cam sành Hàm Yên, Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại tỉnh Tuyên Quang năm 2017 vào đầu tháng 1/2017. Trong tháng 12, huyện tiến hành xúc tiến thương mại với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, miền Nam và tham gia các hội chợ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh; xây dựng kênh bán hàng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tại các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết đến cam sành Hàm Yên nhiều hơn.

Được biết, thời gian qua, UBND huyện Hàm Yên thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, thu mua, chế biến cam. Tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cam sành hiệu quả và bền vững.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top