Xã Tân Hoà khuyến khích bà con cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả giá trị cao.
Từ đầu năm đến nay, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đã khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, cải tạo vườn tạp để trồng các loại nông sản chủ lực
Bà Huỳnh Thị Khe, được nhận vốn vay để nâng chất lượng vườn xoài.
Thành quả XDNTM ở xã Tân Hòa, là hạ tầng nông thôn khang trang, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu người dân khi vận chuyển hàng hóa, thương lái thu mua sản phẩm.
Tiếp đà thắng lợi trên, xã còn vận động bà con cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái chủ lực như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, nhãn Ido…
Hiện, tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn xã đạt trên 455ha, vượt kế hoạch 22ha, trong đó, xoài 260ha. Xã Tân Hòa có Tổ hợp tác trồng xoài ấp 1A, với 22 thành viên, trên 16ha.
Xác định đây là cây chủ lực, nguồn thu ổn định, lâu dài, vì vậy, xã định hướng nâng tổ hợp tác trồng xoài thành HTX, để đưa giá trị xoài cát đảm bảo chất lượng, đầu ra sản phẩm.
Ngoài ra, xã còn hỗ trợ vốn để bà con đầu tư, chăm sóc, nâng cao năng suất và chất lượng xoài sau mỗi vụ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa, thông tin: Dự án hỗ trợ chăm sóc, nâng chất lượng vườn xoài, qua 2 năm đã đạt hiệu quả nhất định.
Có 11 hộ được vay vốn từ 20-40 triệu đồng/hộ, để đầu tư phân bón, thuốc BVTV, túi bao trái, cây giống… Sau khi hoàn vốn, đầu tháng 5/2019, Hội tiếp tục cho bà con vay với mục đích tương tự, tổng số tiền khoảng 300 triệu đồng.
Ông Trần Văn Thương, Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp 2B, chia sẻ: “Nhiều hộ có vườn xoài lâu năm, già cỗi, năng suất kém, cần đầu tư chăm sóc hoặc trồng mới ngay từ bây giờ.
Cũng có hộ cần tiền mua cây giống để tăng diện tích xoài. Để nắm được nhu cầu từng hộ, là tổ trưởng, tôi thường xuyên tìm hiểu, thăm hỏi để hỗ trợ đúng mục đích, thời điểm, có vậy mới mang lại hiệu quả thực sự.
Cả 2 đợt hỗ trợ vừa qua, ấp 2B có 3 hộ được vay trước đều hoàn vốn đúng thời hạn”.
Là hộ vừa được hỗ trợ vay 30 triệu đồng, bà Huỳnh Thị Khe, ấp 2A, cho biết: “Phần tiền này vừa đủ mua phân bón, thuốc BVTV, túi bao trái… cho 5 công xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan.
Hiện, giá thương lái thu mua xoài không cao, khoảng 20-25.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc, nên tôi quyết định cho trái mùa nghịch, giá bán cao hơn”.
Chi phí mỗi vụ xoài khoảng 20-30 triệu đồng, nếu thuận lợi, chỉ cần một vụ thu hoạch, không chỉ trả đủ tiền vay mà còn có lãi. Được biết, bà Khe còn dành một phần tiền vốn, mua túi bao trái, tạo cho xoài Đài Loan có vỏ vàng, giá bán cao hơn xoài vỏ xanh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, khẳng định: Xoài cát Hòa Lộc là một trong những cây chủ lực, địa phương định hướng, sẽ phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu.
Hiện, diện tích xoài cát Hòa Lộc đạt 198ha, xã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân tham gia tổ hợp tác, phát triển HTX và hỗ trợ vốn, để nhà vườn gắn bó với cây trồng này.
Linh hoạt chuyển đổi cây trồng ở Liên Thủy
Nhờ tập trung chuyển đổi cây trồng, theo hướng hàng hoá xã Liên Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình) đã có sự phát triển tích cực, cải thiện cuộc sống cho người dân và đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều gia đình ở Liên Thuỷ thoát nghèo
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp chất đất tự nhiên của xã là một trong những yếu tố bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, xã đã đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, loại trừ dần các giống cây trồng bị nhiễm bệnh... sang trồng các loại giống có chất lượng, phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng.
Bên cạnh đó, xã huy động các nguồn vốn, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi trên 10ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng thanh long, hoa, rau màu…đem lại thu nhập cao cho mỗi hộ dân.
Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân xã Liên Thủy, đã khởi sắc, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và giảm nghèo cho người dân.
Điển hình, ông Hoàng Cảnh Nghĩa, thôn Uẩn Áo. Năm 2015, tại vườn nhà, ông Nghĩa đã mạnh dạn phá bỏ cây trồng kém hiệu quả để trồng hoa. Ông đầu tư hệ thống ống tưới phun sương, để giảm sức lao động.
Bên cạnh hoa cúc, ông còn trồng nhiều giống hoa như: ly, ngọc thảo, bát tiên... Theo ông Nghĩa, một sào hoa cúc sau 3 tháng sẽ thu nhập trên 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông có lãi gần 30 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các cây khác.
Anh Nguyễn Văn Bổng, thôn Quy Hậu đã chuyển diện tích đất phèn hoang hóa, trồng lúa năng suất thấp sang trồng sen, thả cá. Anh cho biết, sen là cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chỉ mất chi phí đầu tiên khi xuống giống.
Sen trồng 1 vụ/năm, sau 4 -6 tháng có thể thu hoạch. Hiện, đang được mùa sen, thương lái đến thu mua tận nơi. Anh Bổng ước tính, trồng sen, thả cá thu nhập cao gấp 5 - 7 lần trồng lúa và nhiều lần so cây trồng khác.
70ha lúa hè-thu xã Tân Ninh bị chết do nhiễm phèn
Vụ hè-thu năm nay, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) gieo cấy 417ha lúa, đạt hơn 100% kế hoạch.
Tuy nhiên, tại một số chân ruộng sâu, do thời tiết nắng nóng, và có lượng mưa kèm theo, khiến cho phèn trong đất bốc lên, làm nhiều diện tích lúa bị chết.
Theo thống kê, toàn xã có gần 70ha lúa bị chết do nhiễm phèn; trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Hữu Tân, với 45ha, Hòa Bình 13ha, Nguyệt Áng 4,5ha, Quảng Xá 3,7ha.
Trước tình hình đó, xã Tân Ninh tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành gieo lại phần diện tích đã chết hoàn toàn, tỉa dặm diện tích đã chết theo tỷ lệ và hỗ trợ 100.000 đồng/sào gieo lại.
Xã cũng đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ giống lúa cho bà con, đồng thời đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, cung cấp một phần nguồn nước hồ Rào Đá, để cứu diện tích lúa còn lại.
Gạo sạch Đức Lan - cung không đủ cầu
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, Tánh Linh (Bình Thuận), cho biết.
Mấy năm trước, xã viên đã gieo sạ vụ hè thu, trong khoảng thời gian lúa chín, cuối tháng 6, gặp trời nắng hanh, hạt lúa vàng ruộm mới cho gạo ngon.
Năm nay hạn hán kéo dài, thiếu nước, sạ trễ, khi thu hoạch sẽ gặp mưa nhiều, tháng 7 “nước chảy qua bờ”, cây lúa đổ rạp, hạt gạo không ngon.
Bởi thế, tôi quyết định ngưng vụ này, đầu tư cho vụ mùa tới; thà làm ít chất lượng, còn hơn nhiều giảm sút chất, cái cốt giữ thương hiệu gạo Đức Lan; sản xuất theo quy trình thâm canh chất lượng cao, chúng tôi đã tạo dựng mấy năm nay…
Theo đó, HTX Đức Bình, đang trong giai đoạn định hình, chỉ với 9 thành viên cùng “dồn điền” đưa 17 ha vào sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP.
Từ khâu sản xuất, lai tạo 5 loại lúa giống trong và ngoài tỉnh, đưa vào gieo sạ. Họ tuân thủ nghiêm ngặt khâu chăm bón, chỉ dùng phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng, nuôi heo, bò, hoặc mua về ủ hoai, rồi bón theo từng thời gian thích hợp khi lúa đang sinh trưởng làm đòng, ngậm hạt.
Ngoài ra, HTX cũng cấp thêm phân bón hữu cơ vi sinh cho xã viên bón lót. Cả hai nguồn phân hữu cơ và vi sinh, được chia đều bón 5 lần cho đến khi lúa chín.
Chăm bón theo cách truyền thống, lúa phát triển chậm, nhưng kết tinh hạt chắc, căng đầy, hạt thóc vàng ruộm, chế biến gạo trắng như sữa, có mùi thơm.
Nấu cơm dẻo, thơm ngon để được thời gian lâu trong ngày. Chính vì vậy, không chỉ người dân Đức Bình mà trong huyện Tánh Linh đều ưa thích gạo Đức Lan.
Loại gạo sạch này, đóng gói 5 kg, giá 17.000 đồng/kg đến 25 - 30.000 đồng/kg tùy loại, thơm dẻo khác nhau, nhưng đều được khách hàng chọn lựa.
Hội chợ 2019 vừa qua, tại TP. Phan Thiết, nhiều khách hàng đã mua sạch 40 bịch gạo Đức Lan, trưng bày ở gian hàng HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, Tánh Linh.
Hiện, với năng suất 3 - 4 tạ/sào, mỗi mùa HTX thu 40 tấn lúa, chế biến được 20 tấn gạo sạch, tiêu thụ hết ở Tánh Linh và TP. Phan Thiết. Sản phẩm của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Gạo Đức Lan” nằm trong chỉ dẫn địa lý “Gạo Tánh Linh”…
Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm, hướng tới HTX huy động xã viên, mở rộng diện tích, đề xuất Ngân hàng Nông nghiệp cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất sạch.
Kết hợp cải tiến mẫu mã, từ bao đóng gói bằng nilon, sang bao giấy thân thiện môi trường, đưa gạo sạch vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đây là cách nâng cao thu nhập cho xã viên, đã gắn bó với HTX hơn 3 năm nay…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.