Chủ động chăm sóc vườn cây ăn quả mùa nước nổi; trồng ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi; bảo tồn, phát triển vườn dược liệu là tin kinh tế VAC nổi bật tuần qua.
Năm nay, mùa nước nổi về sớm, nông dân huyện Phụng Hiệp chủ động khép kín đê bao, sẵn sàng bơm tiêu khi có mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, công tác phòng trừ dịch hại trên vườn cây ăn trái cũng được nhà vườn quan tâm thường xuyên.
Nhà vườn chủ động gia cố đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái.
Theo Trạm Thủy lợi huyện Phụng Hiệp, mực nước đo được ngày 12-9 tại tuyến kênh Lái Hiếu là 1,37m, cao hơn 28cm so với cùng kỳ năm trước. Với mực nước như hiện nay khả năng làm ảnh hưởng đến một số đê bao xung yếu của các nhà vườn là rất cao. Do đó, ngoài việc theo dõi diễn biến thời tiết thì các nhà vườn cần chủ động gia cố lại đê bao, kiểm tra cống bọng, máy bơm nước sẵn sàng bơm thoát nước khi cần thiết. Song song đó, tình hình dịch hại trên vườn cây ăn trái, như: bệnh grneeing, ghẻ, sâu đục trái non, loét do vi khuẩn và bệnh vàng lá, thối rễ cũng cần được nhà vườn quan tâm phòng trị thường xuyên, bởi thời tiết mưa nhiều làm ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển.
Quảng Bình: Khuyến khích trồng ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi
Thời gian qua, nhờ đưa các giống ngô mới, năng suất cao vào sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng thâm canh; đồng thời, hỗ trợ giá cho người trồng ngô, nên sản xuất ngô ở Bố Trạch đã có những bước cải thiện về năng suất và sản lượng.
Theo đó, huyện đã hỗ trợ giá cho người trồng ngô ở các địa phương trên địa bàn huyện tương đương 29,07 tấn giống ngô lai các loại với tổng kinh phí 290,7 triệu đồng. Tỷ lệ sử dụng giống ngô lai đạt 95% diện tích sản xuất trên toàn huyện; nhiều giống ngô mới có năng suất cao đã được đưa vào sử dụng, như: NK4300, NK6410, NK6326...
Vụ đông-xuân năm 2017-2018, diện tích sản xuất ngô toàn huyện đạt 921 ha, năng suất đạt 63 tạ/ha, tăng 7,5%; sản lượng trên 5.800 tấn, tăng 4,4% so với vụ đông-xuân năm 2014- 2015.
Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để sản sản xuất ngô làm thức ăn gia súc mang lại hiệu quả cao, như: Nam Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch.
Đặc biệt, xã Nam Trạch đã liên kết với Công ty Lê Dũng Linh (Quảng Trạch) trồng và bao tiêu sản phẩm trên 100 ha ngô lấy thân mang lại hiệu quả gấp 3 lần so với trồng sắn. Huyện Bố Trạch đang khuyến khích nhân rộng các mô hình này.
Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát triển vùng trồng cây dược liệu
Nhận thấy Trà hoa vàng là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Độ, Giám đốc Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo, thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan, (Tam Đảo) đã đưa vào trồng, nhân giống và phát triển cây Trà hoa vàng, góp phần bảo tồn và hình thành vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Tam Đảo.
Ông Nguyễn Đức Độ chăm sóc vườn trà hoa vàng tại xã Tam Quan (Tam Đảo)
Tốt nghiệp cử nhân khoa Kinh tế, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Độ, sinh năm 1993 được mọi người biết đến là một trong những tấm gương thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu của xã Tam Quan.
Chia sẻ với chúng tôi, Độ cho biết: Cây trà hoa vàng trên thế giới được xếp vào một trong những loại thực vật quý, có nhiều giá trị về y học. Để chinh phục được loài cây quý này, đầu năm 2017, tôi bàn với gia đình thành lập Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo, trên cơ sở đó, tiến hành điều tra, quy tập, lựa chọn và nhân giống những cây Trà hoa vàng có tính dược liệu cao, xây dựng hoàn chỉnh quy trình giâm, hom, trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ Trà hoa vàng mang thương hiệu Gold Tea Việt.
Để bắt tay vào trồng, nhân giống Trà hoa vàng, Độ đầu tư mua máy sấy, khoan giếng, lắp đặt hệ thống phun sương để chủ động tưới nước vào mùa khô, kiểm soát độ ẩm trong không khí nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau lần thu hoạch đầu tiên được hơn 10kg hoa tươi, do chưa nắm rõ quy trình sấy khô nên cả mẻ hoa trà đều bị hỏng, bao công sức như đổ sông, đổ bể. Đã có lúc Độ muốn buông xuôi nhưng nhờ được sự động viên từ gia đình, người thân, Độ lại bắt tay vào làm thử nghiệm, sấy khô hoa theo phương pháp riêng.
Đến nay, mọi nỗ lực của chàng cử nhân trẻ đã được đền đáp khi Độ hiện đang sở hữu 1ha trồng cây Trà hoa vàng với 13 loài để thực hiện việc bảo tồn gen; 300m2 vườn ươm với gần 2.000 gốc cây giống; khu nhà xưởng chế biến trà hoa vàng. Nhờ áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong quá trình trồng và chăm sóc, tỷ lệ cây sống sau nhân giống từ 30% thời điểm đầu lên đến 99% ở thời điểm hiện tại. Công ty của Độ hiện đang là đầu mối cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng, góp phần bảo tồn và phát triển loài cây dược liệu quý này.
Nói về đặc điểm của cây Trà hoa vàng, Độ cho biết thêm: Trà hoa vàng là một loài cây khó tính, chỉ thích hợp trồng trong bóng râm, độ ẩm của đất trồng cao, cây có tốc độ sinh trưởng chậm, nên người trồng phải rất kiên trì mới có thể chinh phục được loài cây này. Thời vụ thu hoạch trà hoa vàng là từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, cứ 10kg hoa tươi sẽ chế biến được 1kg hoa khô, với giá bán 300 nghìn đồng/kg trà lá khô và 15 triệu đồng/kg Trà hoa vàng sấy khô; 40 nghìn đồng/cây giống. Mỗi năm, trừ chi phí, Độ thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ bán cây giống và các sản phẩm chế biến từ cây Trà hoa vàng.
Trà hoa vàng được mệnh danh là "nữ hoàng của cây hoa trà" với nhiều công dụng có ích trong y học như: Kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u, giúp giảm hàm lượng cholesterol, làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường... Thời gian tới, Nguyễn Đức Độ, Giám đốc Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng và chăm sóc cây; mua thêm máy móc để chế biến sản phẩm trà túi lọc, phục vụ nhu cầu của thị trường. Tích cực xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm trên địa bàn nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm Trà hoa vàng đến với đông đảo người tiêu dùng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.