Đến nay, Agribank đã hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên tái canh 10.159ha cà phê. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án tái canh cây cà phê gặp một số khó khăn, Agribank đã và đang nỗ lực tháo gỡ.
Tín hiệu vui
Nhờ dòng vốn liên tục, dồi dào mà Công ty Cà phê 52 đã hoàn thành 211ha/230 ha cà phê cần tái canh.
Việc tái canh cây cà phê, phát triển sản xuất diễn ra thuận lợi, bởi công ty được vay 18 tỷ đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Ea Kar (Đắk Lắk), không phải trả lãi và gốc trong bốn năm đầu.
Gia đình ông Giang Văn Sử (thôn 7, xã Ea Kar, huyện Ea Kar) có gần 1ha cà phê trồng từ năm 1985, đã già cỗi, năng suất thấp. Năm 2017, quyết định tái canh 7.800m2 cà phê, may mắn ông được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank.
Ông Sử cho biết, Agribank cho gia đình vay 150 triệu đồng/ha để thực hiện tái canh. Với số vốn đó cùng với thời gian ưu đãi 8 năm là hoàn toàn chấp nhận được và đủ cho việc cải tạo diện tích cà phê trong vườn nhà.
Ngoài ông Sử và Công ty Cà phê 52, nhiều hộ dân và các doanh nghiệp tại Đắk Lắk, nhờ được vay vốn hỗ trợ tái canh cà phê của Agribank, đã tích cực triển khai việc tái canh, kết quả bước đầu là những vườn cà phê xanh tốt và sẵn sàng cho thu hoạch vào vụ mùa năm sau.
Đến cuối tháng 10/2018, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại 2 ngân hàng chủ lực là Agribank Đắk Lắk và Agribank Bắc Đắk Lắk đạt trên 117,6 tỷ đồng, với 221 khách hàng. Việc nhổ bỏ diện tích già cỗi, năng suất thấp, để thực hiện tái canh sẽ góp phần ổn định sản lượng cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mức sống của một bộ phận không nhỏ dân cư trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Vốn tái canh đã sẵn sàng
Chương trình cho vay tái canh cà phê bước đầu đem lại hiệu quả nhất định: Từ dư nợ 434 tỷ đồng với 4.023 khách hàng năm 2014, đến năm 2015, đạt 730 tỷ đồng với 5.410 khách hàng, góp phần thực hiện Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
Ông Nguyễn Khắc Thiện, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk), cho biết, hiện nay tỉnh đã tái canh được 26.000/41.000ha cà phê theo đề án tái canh, đạt 64,4%. Mặc dù chưa đạt kế hoạch nhưng nhận thức của người nông dân đã thay đổi, trong tương lai không xa, cây cà phê sẽ phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cũng cao hơn.
Theo ông Thiện, thuận lợi trong vấn đề tái canh cà phê hiện nay là ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã có một đề án phát triển bền vững. Người nông dân chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng được giống mới và được tiếp cận vay vốn ưu đãi hơn, lãi suất thấp hơn.
“Agribank với vai trò là ngân hàng duy nhất tham gia thực hiện chương trình này theo chỉ định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đang thực hiện giải ngân gói 3.000 tỷ đồng dành cho tái canh cà phê, giúp người dân, các hộ sản xuất, doanh nghiêp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ”, ông Thiện cho biết thêm.
Đến nay, Agribank đã hỗ trợ người trồng cà phê trên địa bàn Tây Nguyên tái canh được 10.159ha cà phê, đạt 81,8% tổng diện tích cà phê cam kết thực hiện. Tổng dư nợ 620.329 triệu đồng; doanh số cho vay 970.936 triệu đồng, đạt 79,6% tổng số tiền cam kết.
Ba năm qua, Agribank đã nghiêm túc chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn Tây Nguyên triển khai thực hiện cho vay tái canh cây cà phê với tinh thần “vốn tái canh đã sẵn sàng”.
Còn nhiều khó khăn
Từ đầu năm 2017, dư nợ cho vay tái canh cà phê có xu hướng giảm, từ 738 tỷ đồng với 5.716 khách hàng, đến tháng 02/2018, dư nợ còn 620 tỷ đồng với 4.525 khách hàng.
Mặc dù đã có sự ủng hộ tích cực của Đảng, Chính phủ, NHNN cũng như chính quyền địa phương nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Người trồng cà phê chưa mặn mà, tin tưởng vào chương trình tái canh.
Trong khi chi phí cho tái canh là rất lớn (100 - 150 triệu đồng/ha), phần tín dụng ngân hàng tham gia tối đa 80%, còn lại là vốn tự có của hộ sản xuất.
Việc áp dụng quy trình trồng tái canh vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Từ trước tới nay, việc thay thế cây cà phê già cỗi, năng suất thấp chỉ thực hiện một cách tự phát ở hộ sản xuất, theo các hình thức trồng dặm, phá bỏ, trồng mới ở diện tích nhỏ lẻ và chỉ 1 - 2 năm sau cây cà phê bị bệnh do việc cải tạo đất chưa thực hiện đúng quy trình. Việc thực hiện tái canh cà phê trên diện rộng, quy mô lớn đối với hộ sản xuất là chưa có tiền lệ, nên còn tâm lý đắn đo, cân nhắc…
Bên cạnh đó, công tác thu hoạch chưa gắn với chế biến, người trồng cà phê còn bị thương lái, doanh nghiệp thu mua trong nước ép giá khi vào vụ thu hoạch. Lãi suất cho vay đầu tư tái canh cây cà phê còn cao so với tính chất của đối tượng đầu tư (hiện đang áp dụng 6,5%/năm). Hiện tại, Agribank đang tự cân đối nguồn vốn để cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, cũng như chính sách cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách.
Tái canh cà phê ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân hàng, còn là tổng thể các giải pháp, bao gồm cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch và cả sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp. Trong đó, hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình. Nếu tái canh theo lộ trình đặt ra thì sản lượng cà phê sẽ giảm đáng kể do diện tích tái canh là rất lớn. Điều này cũng cần được cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Nỗ lực gỡ khó
Tại các tỉnh Tây Nguyên, Agribank đẩy mạnh cho vay tái canh cà phê theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, bên cạnh hưởng lãi suất ưu đãi và mức cho vay không có tài sản bảo đảm, người trồng tái canh không bị hạn chế định mức vay trên 1ha như quy định tại văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015.
Tuy nhiên, cho vay theo Văn bản số 3227/NHNN-TD là chương trình cho vay xây dựng hướng tới đặc thù của tái canh cà phê, với thời gian ân hạn gốc và lãi dài phù hợp với thời gian kiến thiết của cây cà phê, 04 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 02 năm đối với phương pháp canh tác.
Trong khi, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP không có quy định này, do đó, trường hợp kết thúc chương trình cho vay tái canh cà phê theo Văn bản 3227/NHNN-TD, người trồng cà phê không được hưởng thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với thời gian kiến thiết của cây trồng, tạo thêm tâm lý e dè khi tham gia chương trình tái canh cà phê.
Vì vậy, Agribank đã đề nghị NHNN nghiên cứu, xem xét, trình Chính phủ bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP quy định thực hiện ân hạn gốc và lãi phù hợp với thời gian kiến thiết của cây trồng.
Để đảm bảo quyền lợi của người trồng tái canh cà phê tham gia chương trình, Agribank cũng đề nghị NHNN tiếp tục thực hiện ưu đãi về lãi suất và các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng theo quy định tại Văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015. Đồng thời, để giảm gánh nặng về tài chính cho ngân hàng nơi cho vay, đề nghị NHNN thực hiện tái cấp vốn theo đúng quy định.
Ngày 07/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55 với nhiều đột phá trong tình hình mới như nâng mức cho vay không có tài sản sản bảo đảm; cơ chế xử lý tháo gỡ khi gặp khó khăn, rủi ro; hành lang pháp lý cho vay theo chuỗi liên kết, nông nghiệp sạch….
Kể từ 01/01/2019, Agribank chuyển cho vay tái canh cà phê sang áp dụng cơ chế cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cân đối đủ nguồn vốn cho vay tái canh cà phê theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.
Thực tế, đa phần người dân và doanh nghiệp đều tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào tính hiệu quả của chương trình này, nhất là khi những nút thắt được gỡ bỏ, việc hiện thực hóa kỳ vọng từ chương trình tái canh cây cà phê là hoàn toàn có cơ sở, được minh chứng bởi hình ảnh của chính những vườn cà phê tái canh trên cao nguyên đất đỏ đang từng ngày vươn lên xanh tốt và hứa hẹn những mùa vàng bội thu...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.