Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2019 | 14:14

Hiệu quả mô hình nuôi dê lấy sữa

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, cộng niềm đam mê và sự cần cù trong sản xuất, anh Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa (Châu Thành A - Hậu Giang) được nhiều người biết đến với mô hình nuôi dê lấy sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

nuoi-de-lay-sua.jpg
Gia đình anh Đua có thu nhập cao từ nuôi dê lấy sữa và nuôi dê thịt.

 

Sữa dê thanh trùng an toàn thực phẩm

Chia sẻ cơ duyên đến với nghề nuôi dê lấy sữa, anh Đua cho biết: “Tôi xuất thân trong gia đình nông dân nghèo,  đông anh em nhưng ruộng đất lại ít. Khi lập gia đình và ra ở riêng, tôi cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, tôi đã thử nuôi ba ba, nhím, chim bồ câu, gà… Tuy có hiệu quả kinh tế nhưng thu nhập không cao. Tình cờ một lần được người quen giới thiệu và tìm tòi trên mạng nên sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu thử nghiệm, thấy mô hình nuôi dê lấy sữa, thịt phù hợp nên tôi bàn với gia đình, rồi quyết định làm theo mô hình này cho đến nay”.

Với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, cùng 6.500m2 đất ruộng, anh Đua lên liếp cao để trồng cỏ cao sản làm thức ăn cho dê, đồng thời cất chuồng trại mua dê giống về nuôi. Do vốn ít nên lúc đầu đàn dê của anh chỉ có 12 con dê cái chuyên lấy sữa và 3 con dê đực, đây là giống dê mua từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, thuộc Trung tâm Giống quốc gia. Sau gần 10 năm nuôi, hiện đàn dê của gia đình anh có  200 con, trong đó có 100 con chuyên lấy sữa, đồng thời phát triển diện tích nuôi gần 1,8ha.

Với số lượng đàn dê trên, gia đình lấy được 40-60 lít sữa tươi/ngày; tháng cao điểm 80 lít sữa/ngày, với giá bán 45.000-50.000 đồng/lít sữa tươi chưa thanh trùng.

Để nâng cao giá bán, anh Đua đã đầu tư máy thanh trùng tại nhà và sữa sau khi được thanh trùng thì giá bán được nâng lên 80.000 đồng/lít. Hiện sữa dê thanh trùng của gia đình anh đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sữa dê thanh trùng của anh được nhiều khách hàng biết đến và hiện có mặt tại một số thành phố lớn như: Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ngoài sữa dê thì hàng năm anh Đua còn xuất chuồng trên 1 tấn dê thịt (dê đực), giá bán 85.000-100.000 đồng/kg, giúp gia đình tăng thêm nguồn thu.

Nhân rộng mô hình

Nói về cách chăm sóc đàn dê, anh Đua cho biết: “Dê là động vật nhai lại và ăn được nhiều loại cỏ, lá cây, các phụ phẩm từ nông nghiệp như: bắp (ngô), rơm, cây chuối, cám gạo…, trong khi đây là nguồn thức ăn khá dồi dào tại địa phương. Do đó, nuôi dê  nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập nhanh. Mặt khác, dê đẻ nhiều (2 năm 3 lứa), ít bị bệnh, cho nhiều thịt và sữa. Vì vậy, chỉ cần tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp là có thể nuôi dê cho thu nhập cao, nhất là phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất”.

Điều khá thú vị khi chúng tôi đến thăm chuồng dê nhà anh Đua là lúc nào cũng có tiếng nhạc phát ra và theo anh Đua thì đây là một trong những bí quyết để nuôi dê thành công.

Hiện tại, ngoài cung cấp cho thị trường sữa dê thanh trùng thì dự kiến tới đây anh Đua còn cho ra thị trường một số sản phẩm từ dê như: sữa dê - ca cao, sữa dê - cà phê, yaourt sữa dê, pho mát sữa dê… Các sản phẩm này sẽ được anh đưa đi tiêu thụ tại các trường mẫu giáo, tiểu học để các cháu được tiếp cận nguồn sữa tốt nhất trên quê hương mình.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho hay: Từ hiệu quả của mô hình nuôi dê lấy thịt và sữa của anh Đua, dự kiến trong năm 2019 này, xã sẽ phối hợp với UBND huyện Châu Thành A và các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mượn dê giống và sẽ thu mua sữa dê, qua đây giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, việc nhân rộng mô hình sẽ tạo được nguồn sữa dê dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu của những đơn đặt hàng lớn…

 

 

 

Hữu Phước
Ý kiến bạn đọc
Top