Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2016 | 1:59

Hiệu quả từ cây sở ở Bình Liêu

Những năm gần đây, rừng cây sở ở Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ thu hút khách thập phương tới tìm hiểu, tham quan mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong huyện. Quả của cây sở được chế biến thành sản phẩm dầu sở mang thương hiệu Bình Liêu, được thị trường ưa chuộng.

Công đoạn cuối cùng cho ra thành phẩm dầu sở.

Sở là cây sống lâu năm, có khả năng thích nghi với nhiều loại điều kiện lập địa, có biên độ sinh thái rộng nên trên 70% diện tích đất tự nhiên của huyện Bình Liêu có thể phát triển cây sở. Từ năm 1940, cây sở bắt đầu được trồng ở thôn Nặm Tút, xã Lục Hồn, đến giai đoạn 1980-1993 được trồng rộng rãi ra các xã trong huyện.

Năm 2014, huyện Bình Liêu xây dựng kế hoạch và thực hiện dự án “Khôi phục và phát triển cây sở giai đoạn 2014 - 2020”, trong đó, phục hồi 30ha rừng sở, xây dựng các vườn ươm cây sở. Đến năm 2015, huyện có 345ha sở cho khai thác và dự kiến đến năm 2020 diện tích này tăng lên 1.700ha với sản lượng 5.000 tấn hạt. Hiện, sản lượng hạt sở của huyện đạt khoảng 400 tấn.

Năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Phát Triển Xanh đã đầu tư dây chuyền sản xuất dầu sở với công suất chế biến 5 tấn/ngày, sản lượng dầu đạt trên 1.000 lít/năm. Ông Hoàng Tiến Thắng, Giám đốc HTX Phát Triển Xanh, cho biết, trước đây, cây sở chủ yếu xuất sang Trung Quốc ở dạng hạt với giá thấp, bấp bênh hoặc được người dân tự ép dầu để gia đình sử dụng, ít bán ra thị trường. Từ khi Quảng Ninh nói chung và huyện Bình Liêu nói riêng triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OCOP), nhận thấy giá trị kinh tế mà dầu sở mang lại, HTX đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc để chế biến dầu sở xuất ra thị trường.

“Hiện, mỗi ngày HTX bán ra thị trường gần 100 lít dầu sở với giá 300.000 đồng/lít. Năm nay, HTX dự kiến sản xuất khoảng 2.000 lít dầu sở để cung cấp cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu”, ông Thắng nói.

Để sản xuất ra dầu sở phải trải qua nhiều công đoạn. Vào khoảng tháng 10, khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nâu, người dân sẽ thu hoạch quả. Quả tươi thu hoạch về được ủ cho đến khi nứt, sau đó tách lấy hạt rồi đem phơi khô. Tiếp theo hạt sở được cho vào máy để tách riêng vỏ và phần lõi hạt bên trong. Sau đó, phần lõi hạt được đem rang khô bằng máy ở nhiệt độ 150 độ C trong 30 phút.

Hạt rang khô đủ độ sẽ được cho vào khuôn ép để lấy dầu thô. Sau đó, dầu thô tiếp tục được đưa vào máy lọc để gạn sạch phần bã còn sót lại và đóng vào chai hoặc can. Chính nhờ quy trình này mà sản phẩm dầu sở đạt chất lượng tốt nhất, có màu sắc bắt mắt và mùi thơm đặc trưng riêng. Dầu sở chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.

Sở là loài cây có nhiều công dụng như: quả dùng để ruốc cá, rễ cây dùng trị viêm hầu cấp, đau dạ dày, bong gân; rễ và vỏ dùng trị gãy xương, sái trẹo chân; hạt sở được ép làm dầu ăn, sử dụng để chiên nấu và làm nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp. Vỏ sở phơi khô được tận dụng làm chất đốt, than hoạt tính; phần bã thừa sau khi ép lấy dầu thô có tác dụng làm sạch đầm tôm, dùng sản xuất thuốc trừ sâu, làm phân bón với giá 10.000 đồng/kg…

 Tuy mới có mặt trên thị trường được 2 năm nhưng sản phẩm dầu sở Bình Liêu đã trở thành thương hiệu của địa phương, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.

 La Lành

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top