Dịch Covi-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo tháo gỡ rào cản, thúc đẩy sản xuất, cung ứng, kết nối tiêu thụ nông sản.
Tình hình sản xuất tương đối ổn định
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình, trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2021 của tỉnh tương đối ổn định. Duy trì trên 22 nghìn hecta lúa; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 61 nghìn tấn, trung bình trên 5 nghìn tấn/tháng; gia cầm trên 22,6 nghìn tấn; 2,7 nghìn hecta mặt nước nuôi trồng thủy sản với 4,7 nghìn lồng cá…
Sản phẩm lương thực và thực phẩm như: Gạo đáp ứng 127%; sản phẩm rau, củ đáp ứng 287%; sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đáp ứng 169% so với nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn tỉnh. Nguồn cung ứng thực phẩm không bị gián đoạn cùng với việc đẩy mạnh sản xuất đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng nông sản. Phổ biến các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch bệnh; vận chuyển, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ kết nối thu mua sản phẩm; chia sẻ thông tin về sản xuất, kinh doanh…
Một số huyện, thành phố đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử. Đến ngày 6/10, đã có 31 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia sàn thương mại Postmart thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; 53 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia sàn thương mại điện tử voso.vn.
Thúc đẩy, kết nối tiêu thụ nông sản
Kết quả đạt được là vậy, nhưng sản xuất hàng hoá nông sản ở Hòa Bình vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, thời gian tới, rất cần các cấp chính quyền triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản; hỗ trợ số hóa, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tránh để tồn đọng; có chính sách hỗ trợ việc vận chuyển, lưu thông sản phẩm trong tình hình dịch bệnh…
Về vấn đề này, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị, các sở, ngành phối hợp nghiên cứu, giải quyết nhanh, rõ ràng, thống nhất giải pháp triển khai trên toàn tỉnh. Thúc đẩy sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, kịp thời đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, với chất lượng đặt lên hàng đầu, hướng đến mục tiêu lâu dài là sản xuất bền vững, an toàn, hữu cơ. Thực hiện lồng ghép các sản phẩm để tạo ra sản phẩm mới với chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thời gian tới, đề nghị các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương cập nhật thông tin về các sản phẩm (dự kiến chủng loại, sản lượng, chất lượng…) trên địa bàn tỉnh để quảng bá, giới thiệu đến các tỉnh, thành trong cả nước cũng như ra nước ngoài. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; triển khai các giải pháp đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, rà soát các điều kiện phục vụ cho sản xuất, đảm bảo cung ứng tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2021. Kết nối giữa các vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản… thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm: sản phẩm chủ lực; đặc sản vùng miền; sản phẩm OCOP.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.