Hoa lan đem lại thu nhập cao cho người trồng, diện tích cây trồng xen ở Tây nguyên tăng mạnh.
Lâm Đồng: Lan hồ điệp thu tiền tỉ
Thôn Thái Sơn, xã N’Thol Hạ (Đức Trọng), có một trang trại lan hồ điệp lớn, mỗi năm bán ra thị trường hàng ngàn chậu lan hồ điệp, đem lại thu nhập cao cho trang trại.
Anh Quang trong vườn lan hồ điệp.
Anh Nguyễn Hữu Quang, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, cho biết, để đón Tết cổ truyền, anh đã chuẩn bị 70 ngàn chậu lan hồ điệp, và khách đã đặt hàng hết rồi, giờ chỉ còn chăm cho hoa đẹp, để khách tới mang đi.
Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều tới kinh tế cả thế giới nhưng đến Tết người dân vẫn sẵn sàng sắm một chậu hoa đẹp”.
Anh Quang chia sẻ, vốn là người T.p Hồ Chí Minh, vì yêu cây lan phải tìm kiếm nhiều nơi. Cuối cùng năm 2015, chọn được đất N’Thol Hạ và định cư nơi đây.
Anh cho biết: “Lan hồ điệp hợp với đất Đức Trọng, nắng, nhiệt độ vừa đủ, cây dễ sinh trưởng, phát triển”. Làm cây lan hồ điệp cần đầu tư rất lớn.
Trang trại anh có 5 sào nhà kính, đạt chuẩn với hệ thống lưới đen che mái, bộ điều khiển tự động đo ẩm độ, nhiệt độ, quang độ đảm bảo cây lan có điều kiện nhất để phát triển.
Hệ thống tường nước, quạt thông gió công suất lớn đảm bảo vườn thông thoáng, tăng hoặc giảm nhiệt dễ dàng. Lan hồ điệp “kị” nước rơi vào lá, dễ gây thối nhũn, nên phải tưới tận gốc, mỗi chậu một vòi tưới nhỏ cắm trực tiếp, tránh nước vung vãi. Anh đã đầu tư vào hệ thống nhà kính khoảng 2 tỷ đồng/sào.
Lan hồ điệp thuộc loài khó tính, cần chăm sóc đặc biệt, nhất là nhiệt độ. Anh Quang chia sẻ, trồng lan hồ điệp không khó, nhưng muốn ra hoa đúng kỳ, đúng hạn không dễ.
Có giai đoạn cây con cần nhiệt độ cao, tới 35OC, nếu thấp quá, cây chưa kịp lớn đã ra hoa. Khi kích cây ra hoa, cần nhiệt độ chênh lệch ngày - đêm lớn.
Kỹ thuật “kích” lan ra hoa gồm phân bón và nhiệt độ. Ban ngày để nhiệt độ thật cao, ban đêm hạ nhiệt đột ngột thật lạnh, tầm 17-18OC là cây nảy chồi hoa.
Giai đoạn dưỡng mầm hoa, cần duy trì 28-30OC. Vì vậy, người trồng cần nắm chu kỳ sinh trưởng của lan, nhà kính phải đo nhiệt độ tự động, và tự chuyển động theo cài đặt của người chăm sóc.
Nếu nóng quá, hệ thống tường nước tự chảy, quạt thông gió công suất lớn đưa hơi mát khắp vườn, hệ thống lưới đen tự kéo giúp giảm nhiệt ngay lập tức. Do vậy, đầu tư vào trang trại trồng lan hồ điệp rất lớn nhưng lợi nhuận mang lại cũng không nhỏ.
Hiện, trang trại của anh Quang trồng nhiều dòng lan hồ điệp khác nhau dòng cao, thấp, hoa lớn, nhỏ, các màu vàng đỏ, tím…, phục vụ đầy đủ nhu cầu khách hàng.
Hoa loại A giá 130 ngàn/chậu, hàng đặc biệt 400 ngàn/chậu. Lan hồ điệp có 2 loại giá thể, giá thể bằng rêu và vỏ thông. Rêu giữ ẩm rất tốt, 10 ngày mới tưới 1 lần, phù hợp khách không có nhiều thời gian.
Vỏ thông cần tưới 3 ngày/lần, nhưng giá thể vỏ thông dưỡng cây rất tốt, hoa đẹp nên được khách ưa chuộng.
Riêng giá thể rêu phù hợp lan ghép chậu, từ 3-5 gốc lan ghép thành một chậu lan lớn, gốc ghép đẹp, không ảnh hưởng thẩm mỹ, chất lượng.
Theo anh Quang: “Chăm lan hồ điệp không khác chăm trẻ con, phải theo dõi sát sao và phải yêu lan mới theo được lâu dài. Nhưng đã theo được thì thu nhập rất khả quan, xứng đáng sự đầu tư, công chăm sóc”.
Anh K’Beo, Phó Bí thư Đảng ủy xã N’Thol Hạ đánh giá, trang trại lan của anh Quang là mô hình công nghệ cao rất hiệu quả. Thành công của anh đã kéo theo trang trại lan hồ điệp mới của anh Nguyễn Hữu Ánh, cũng tại thôn Thái Sơn.
Anh Quang sẵn sàng chia sẻ thông tin, kỹ thuật, ủng hộ bà con trong xã thay đổi cách làm ăn. Trang trại lan hồ điệp của anh đã thực sự gắn bó với N’Thol Hạ, minh chứng cho việc có thể làm giàu từ chính mảnh đất xa xôi.
Di Linh: Diện tích cây ăn quả, cây trồng xen tăng mạnh
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh (Lâm Đồng) tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định, nhất là cây ăn quả, cây trồng xen như bơ, sầu riêng, mắc ca, hồ tiêu tăng mạnh.
Diện tích cây ăn quả, cây trồng xen tại Di Linh tăng mạnh năm 2020
Cụ thể, năm 2020, cây trồng xen như sầu riêng có diện tích 3.056 ha (trong đó 900 ha cho quả); bơ có diện tích 1.971,1 ha (800 ha cho quả); mắc ca 1.100 ha (cho thu hoạch 139 ha) và hồ tiêu cây trồng xen 670,47 ha (cho thu hoạch 666 ha).
Năm 2021, địa phương tiếp tục tăng diện tích cây bơ 2.500 ha, sầu riêng 3.000 ha, mắc ca1.500 ha và hồ tiêu ổn định 695,32 ha. Cùng với đó, Phòng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả các loại cây trồng xen, để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tang diện tích cây ăn quả như bơ, sầu riêng... theo hướng VietGAP.
Phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả gắn truy xuất nguồn gốc theo hướng bền vững, từ đó thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân. Đồng thời, liên kết tổ hợp tác, HTX thành chuỗi giá trị sản xuất, nhằm giảm chi chí đầu vào, ổn định giá và đầu ra cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, có giải pháp định hướng cho nông dân phát triển cây ăn quả có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kon Tum: Tiềm năng OCOP 3- 4 sao từ mô hình sâm dây
Hợp tác xã cộng đồng phụ nữ Đăk Viên ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông có những lợi thế nhất định khi tiếp cận thị trường. Nếu có sự đầu tư hợp lý, sâm giây có thể đạt hạng 3 sao và phát triển lên hạng 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, Tiến sĩ Trần Văn Ơn, cố vấn cao cấp Chương trình OCOP quốc gia đánh giá.
Các thành viên HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên phấn khởi trồng sâm dây. Ảnh: T.T
Xuất phát từ lợi thế, tiềm năng của địa phương, HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên được thành lập với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ sâm dây.
Sau khi đi vào hoạt động, HTX thu hút 30 được thành viên thôn Đăk Viên tham gia với vốn điều lệ 671 triệu đồng.
Thông qua cây dược liệu này, HTX tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ, tăng thu nhập và góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn nhìn nhận: “Đối với một HTX vùng đồng bào DTTS, vốn điều lệ lên tới 671 triệu đồng là một con số không hề nhỏ, chưa kể đa phần thành viên HTX đều là phụ nữ.
Điều này có thể hiểu, mỗi thành viên HTX đều rất nghiêm túc, ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân với mô hình. Từ nguồn vốn này, HTX có thể xây dựng một nhà xưởng quy mô phù hợp.
Qua đó, có thể sản xuất, chế biến dược liệu đáp ứng quy chuẩn Chương trình OCOP Quốc gia, cho ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Trong vai trò là cố vấn kỹ thuật của dự án HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, tôi sẽ tiếp tục tư vấn, định hướng về đầu ra của sản phẩm, cũng như kế hoạch kinh doanh dài hơi, để tận dụng hết thế mạnh của địa phương
Được biết, để chuẩn bị cho HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên đi vào hoạt động, năm 2017, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, xây dựng thương hiệu cho sâm dây và tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ tại thôn Đăk Viên.
Nhờ vậy, đến nay, đa số hội viên phụ nữ trên địa bàn thôn đã nắm vững kiến thức, hiểu rõ về mô hình và yêu cầu về quy cách, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, còn được hỗ trợ giống và các điều kiện cơ bản để thực hiện mô hình.
Chị Trần Thị Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Việc phát triển kinh tế tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đa phần mang tính chất nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Điều này đem lại những khó khăn nhất định, khi những cá nhân này không đủ tiềm năng và sức lực để sản xuất quy mô lớn. Bởi vậy, họ khó có thể vươn xa, mà đa phần đều chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, trong tầm địa phương...
Vì vậy, việc thành lập các HTX là điều kiện cần thiết, bởi có thể huy động được sức lực và nguồn vốn của tập thể để đưa mô hình, sản phẩm đi xa hơn.
Thông qua HTX, chúng tôi mong muốn góp phần thay đổi cách nghĩ, nếp sống của đồng bào DTTS trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế; loại bỏ suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Sâm dây là cây dược liệu có tác dụng bồi bổ cơ thể, với hàm lượng chất saponin có thể phòng được một số loại bệnh, do vậy được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là sản phẩm có chất lượng đảm bảo và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.
Thông qua mô hình HTX, các hội viên phụ nữ thôn Đăk Viên có thể liên kết để sản xuất được lượng sâm dây vừa nhiều, vừa có chất lượng nhằm đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
Chị Y Gian, thành viên HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên phấn khởi khoe: So với mì, bời lời, thì sâm dây trồng dễ hơn. Ai cũng hài lòng khi tham gia HTX, bởi giá trị của các sản phẩm từ sâm dây cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn với những loại cây trồng khác.
Nhờ các lớp tập huấn, mình đã biết cách trồng, chăm sóc sâm dây sao cho hiệu quả. Thay vì đào củ sớm và bán dần ít một như trước đây, bây giờ trồng sâm dây mình sẽ đợi củ từ 1 – 2 năm mới thu hoạch. Lúc đó sâm dây sẽ cho củ to, đồng thời nguồn lá thu hoạch cũng chất lượng hơn”.
Việc khai thác tiềm năng cây sâm dây ở HTX cộng đồng phụ nữ thôn Đăk Viên đã có hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, HTX đang cần sự hỗ trợ của chính quyền về nguồn lực để đứng vững và phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.