Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 14:41

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân bám biển

Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được kỳ vọng là cơ hội để ngư dân đổi đời.

tr2.jpg
“Tàu 67” số hiệu NT 91142 TS hành nghề dịch vụ hậu cần của ngư dân Ninh Thuận cập cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành.

 

Thế nhưng, việc thực thi chính sách này trên thực tế lại không mấy khả quan, khi nhiều con tàu được đóng mới theo nghị định này sau thời gian ngắn hạ thủy buộc phải “nằm bờ”, còn ngư dân thì vỡ mộng làm giàu...

Đề xuất phương án xử lý nợ để hỗ trợ ngư dân

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, quá trình thực hiện Nghị định 67, có nhiều chủ tàu cá “vỡ trận” phương án trả nợ ngân hàng. Tới đây, chính sách này sẽ được điều chỉnh, trong đó có đề xuất phương án xử lý nợ để hỗ trợ ngư dân.

Theo ông Trung, thực tế, khoảng thời gian đầu, các tàu hoạt động hiệu quả, tương đối ổn định, trả nợ ngân hàng đầy đủ theo hợp đồng vay đã ký, thậm chí một số chủ tàu còn trả nợ trước hạn.

Ngoài tàu đóng theo Nghị định 67,  nhiều ngư dân tự bỏ tiền đóng gần 2.000 tàu xa bờ, công suất 600 - 800 CV, khiến lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh.

Tuy nhiên, qua khảo sát, có khoảng 50 tàu hiện nay không hoạt động. Ngoài ra, có 69 tàu hết hạn đăng kiểm, nhưng chủ tàu không đăng kiểm lại, trên 60% tàu vỏ thép không được duy tu bảo dưỡng theo quy định. Qua tìm hiểu, đa số chủ tàu không đi sản xuất là do không đủ năng lực quản lý với tàu lớn, thao tác, vận hành thiết bị không đúng quy trình dẫn tới nhiều máy hỏng… Cùng đó, nhiều người làm trái nghề, từ nghề lưới rê ven bờ ra khai thác ngoài khơi; từ nghề lưới kéo sang lưới chụp…, việc không thông thuộc ngư trường, không đủ kinh nghiệm nghề nghiệp dẫn đến hiệu quả không cao.

“Có thể thấy, việc thẩm định, lựa chọn, ra quyết định phê duyệt chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn đóng tàu 67 ở nhiều địa phương chưa đảm bảo. Các chủ tàu xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, trình ngân hàng thương mại thẩm định để vay vốn cũng chưa sát thực tế.

Một số chủ tàu, nhất là tàu hậu cần, phương án của họ chưa tính kỹ. Chẳng hạn, khi đóng tàu to cần mua cá từ nhiều tàu đánh bắt hơn, nhưng thực tế không có bạn hàng mới nên phương án đề xuất không thực hiện được… Chưa kể, việc mất mùa, nguồn lợi thay đổi, giá cả thị trường biến động. Khi tiền thu không bù được tiền dầu máy, tàu nằm bờ và phương án trả nợ “vỡ trận””, ông Trung cho hay

Ông Trung nhận định, phải nói rằng, nhiều ngư dân nghĩ vốn vay đóng tàu Nhà nước hỗ trợ, nên có tâm lý ỷ lại. Thực tế, ngư dân là chủ tàu, người đứng tên vay vốn, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất (6%/năm), còn 1% lãi suất và vốn vay ngân hàng thì ngư dân phải trả cho ngân hàng.

Tới đây, sẽ chuyển đổi các chủ tàu không đủ năng lực sản xuất cho người khác sử dụng để phát huy hiệu quả vốn. Cùng đó, sẽ rà soát, phân loại các chủ tàu theo các nhóm về tình hình trả nợ để tháo gỡ. Chẳng hạn, tàu sản xuất chưa đúng nghề sẽ cho chuyển đổi nghề… 

Còn đối với những người cố tình chây ì trả nợ, phải có biện pháp mạnh để xử lý. Đồng thời xử lý các chủ tàu không thực hiện duy tu, bảo dưỡng tàu theo quy định, không thực hiện đăng kiểm tàu cá.

Ngoài ra sẽ có chính sách hỗ trợ cho ngư dân nuôi biển công nghiệp, duy trì các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm vỏ tàu, thuyền viên, đào tạo, tập huấn…cho ngư dân.

Để thực hiện các giải pháp trên, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước sửa đổi hướng dẫn việc chuyển đổi chủ tàu. Bộ Tài chính hướng dẫn các chủ tàu gặp rủi ro, khó khăn do khách quan có thể được khoanh nợ, giãn nợ.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến những bất cập của Nghị định 67.

Nêu thực tế hiện nay việc khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản của cả nước chủ yếu là do người dân tự chủ về kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, ngành Nông nghiệp chưa có những giải pháp giúp cho người dân tham gia đánh bắt có kỹ năng, kỹ thuật cao hơn, đặc biệt là các tàu lớn mới đóng theo Nghị định 67.

Từ nguyên nhân này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu những giải pháp khắc phục, có phương án hỗ trợ người dân trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, khai thác nguồn lợi thủy sản, trong đó có 2.618 phương tiện rất hiện đại, có công suất từ 800 mã lực trở lên.

Bộ trưởng khẳng định: Tất cả tàu khai thác hậu cần có công suất lớn, từ chủ trương khuyến khích ngư dân đóng tàu sau này cũng như  ngư dân và địa phương tự bỏ tiền ra đóng là những phương tiện hiện đại, đã được đầu tư với các trang bị khá hiện đại, phù hợp với phương thức đánh bắt, có cả máy dò cá.

Tuy nhiên, đối với phương tiện có độ dài dưới 15m, đặc biệt phương tiện dưới 12m và phương tiện 6m, Bộ trưởng đồng tình với đánh giá rằng, trang thiết bị của các tàu này còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến năng suất khai thác, hiệu quả kinh tế chưa cao.

“Kể cả về hao hụt, kể cả về hậu cần đều chưa đạt được”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, sẽ dần hiện đại hóa theo từng bước tái cơ cấu ngành thủy, hải sản nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh.

Nhấn mạnh về bối cảnh ban hành Nghị định 67, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là Nghị định được Chính phủ ban hành năm 2014, trong lúc Việt Nam đang rất cần hỗ trợ đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa nhằm phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

“Hai nội dung này là song trùng. Vì năm 2014 xuất hiện các vấn đề về Biển Đông rất phức tạp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Nghị định 67 ra đời với các nhóm nội dung lớn hỗ trợ cho ngư dân: bảo hiểm để thuyền viên yên tâm ra khơi; hỗ trợ trang thiết bị cho tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt; hỗ trợ công tác hậu cần nhằm đảm bảo các chuyến ra khơi có lãi hoặc đảm bảo khuyến khích được ngư dân vươn khơi bám biển; hỗ trợ để phát triển phương tiện mới, chính là các tàu thường được gọi là “tàu 67”.

Về kết quả, Bộ trưởng cho biết, đến nay, các địa phương đã phát triển được 1.030 phương tiện với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên, bằng ba loại vật liệu: sắt, composite và nhựa. Riêng tàu sắt, Bộ trưởng đánh giá đây là dạng tàu mới, bước đầu có 358 chiếc, chiếm 34,2%.

Đề cập đến việc tham mưu các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nhiều quyết sách, trước hết là xác định rõ về vấn đề tiềm năng ngư trường.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng cho biết, hiện chính sách hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 không còn phù hợp, dẫn đến tâm lý ỷ lại, trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về mức hỗ trợ bảo hiểm tàu cá.

“Không khuyến khích đóng tàu nữa mà tùy theo năng lực của ngư dân, ai có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thì tự đóng tàu ra khơi. Đóng xong con tàu, Nhà nước hỗ trợ tối đa 35% vốn trị giá từ 6-8 tỷ đồng. Từ năm 2018, chúng ta chuyển hẳn sang dạng này, đến nay có 40 chiếc làm theo dạng này. Đóng theo dạng này, người dân tự nguyện bỏ tiền ra, người dân có đủ điều kiện mới khai thác hiệu quả. 30 chiếc đi vào hoạt động không có vấn đề gì, đó là rút kinh nghiệm để sửa ngay chính sách”, Bộ trưởng cho biết.

Cần giải pháp căn cơ giải quyết nợ xấu trong thực hiện Nghị định 67

Về tình hình tín dụng trong triển khai thực hiện Nghị định 67, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tham gia giải trình cụ thể hơn về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tổng dư nợ cho vay thực hiện Nghị định 67 hiện khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu chiếm khoảng 30%.

Khẳng định nguyên nhân của nợ xấu trong thực hiện Nghị định 67 đã được báo cáo, ông Hưng cho rằng, “quan trọng nhất là xác định giải pháp khắc phục”.

Nhằm giải quyết tồn tại này, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã cùng các địa phương liên quan triển khai nhiều giải pháp.

“Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi sẽ có giải pháp căn cơ. Trong thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, tập trung thu nợ trước, thu lãi sau”, ông Hưng cho hay.

Trước diễn biến tình hình nợ xấu còn phát sinh, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiến hành các biện pháp rà soát tàu cá gắn với ngư trường khai thác, phối hợp với địa phương hướng dẫn khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp giúp ngành Ngân hàng rà soát các trường hợp để cơ cấu nợ. Các trường hợp ỷ lại, chây ỳ sẽ phối hợp với ngân hàng thu hồi nợ.

Ông Hưng khẳng định, ngành Ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện cơ chế chuyển đổi, đặc biệt có giải pháp xử lý chênh lệch giá trị tàu, định giá lại ở thời điểm bàn giao và hướng dẫn, bổ sung giải pháp hỗ trợ lãi suất cho chủ tàu mới với khoản nợ vay.

Theo ông Hưng, tất cả các giải pháp này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành liên quan, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả.

 

 


 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top