Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 1 năm 2021 | 20:21

Học làm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP ở Tây Nguyên

Chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cách làm sản phẩm OCOP có hiệu quả cao, đang là nỗ lực của người dân Tây Nguyên.

Kon Tum: Khát vọng làm nông nghiệp sạch

Không cam chịu khó khăn, để thay đổi cuộc sống, nhiều thanh niên người DTTS vùng sâu huyện Kon Plông đang quyết tâm, học cách  làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, để  thoát nghèo bền vững.

 

n-69.jpg

Học làm nông nghiệp sạch của HTX Rau Thanh niên Măng Đen. Ảnh: H.N

 

Huyện Kon Plông được thiên nhiên ưu đãi quanh năm mát mẻ và được ví như “Đà Lạt thứ 2”. Với lợi thế này, địa phương đã chọn Kon Plông là trọng điểm để ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Do đó, những năm qua, trên mảnh đất này, đã có hàng chục doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đến đây để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với đa dạng các loại cây trồng, rau hoa các loại.

Việc phát triển mạnh các dự án nông nghiệp sạch, đã tạo việc làm và cơ hội học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cho đồng bào DTTS ở Kon Plông. Vì thế, tại các trang trại, HTX ở đây đã thu hút hàng chục lao động tại chỗ, đặc biệt là thanh niên các xã vùng sâu, vùng xa. Đây thực sự là tín hiệu vui về thay đổi tư duy, nếp nghĩ và khát vọng làm giàu của tuổi trẻ.

Bởi hơn ai hết, họ hiểu được những nhọc nhằn, khó khăn cho dù đất đai tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng vì canh tác lạc hậu nên đời sống người dân chưa thể bứt phá.

Vì thế, đến tuổi trưởng thành, nhiều thanh niên DTTS ở các xã vùng sâu, khó khăn như Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem và xã Hiếu… đã quyết tâm rời làng để tìm học cách sản xuất mới.

Địa điểm mà các thanh niên DTTS tìm đến chính là các trang trại nông nghiệp, ngay trên địa bàn huyện, để học nghề làm nông nghiệp, nhằm tận dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai tại địa phương. Họ tìm đến để hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, vươn lên khá giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Đó là, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Ở đây, hầu hết  công nhân làm trang trại nông nghiệp, đều là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ. Họ tự tìm về các nông trại để học cách sản xuất mới.

Tại Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen, chứng kiến sự miệt mài, chăm chú học cách sản xuất nông nghiệp sạch của các thanh niên DTTS, tôi hiểu được khát vọng và sự quyết tâm đó. Trong tổng số 14 công nhân, có đến 8 công nhân là người DTTS tại chỗ đến từ khắp các xã trong huyện. 

Y Vữ (20 tuổi, làng Đăk Xô, xã Hiếu) là một trong những công nhân đang làm và học việc tại đây. Dù nhà cách trung tâm huyện mấy chục cây số, nhưng với quyết tâm học nghề, Y Vữ vẫn hàng ngày lặn lội vượt đèo, núi đến học việc.

Khi tìm đến HTX, kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Y Vữ chỉ đơn giản là không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên,  khi tham gia học và trực tiếp làm việc tại HTX, được sự chỉ bảo, hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp, Y Vữ mới vỡ lẽ ra nhiều điều.

Chăm chú, tỉ mỉ sàng lọc từng hạt giống  cho vào hom để ươm mầm, Y Vữ tâm sự: “Đến đây, em được các cán bộ kỹ sư tận tình truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, cách ươm hạt giống trong hom, cách kiểm tra đất, chăm sóc rau hoa ngay tại vườn của HTX nên đã giúp em tiếp thu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn.

Thú thật, thời gian đầu, em cũng rất bỡ ngỡ, lúng túng nhưng với quyết tâm học, nên dần dần cũng quen. Rau hoa sản xuất hữu cơ ở đây được trồng trong nhà màng, kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng cẩn thận.

Thậm chí, mẫu đất ở từng luống rau hay từng nhà màng riêng biệt, đều được kiểm tra độ pH và chất dinh dưỡng hằng ngày, nên phát triển đều và cho năng suất cao”.

Trước đây, em cứ nghĩ, cách chăm sóc loại rau nào cũng giống nhau, nhưng học tại đây em mới biết, mỗi loại đều có cách chăm sóc riêng. Đến đây, ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật, hàng ngày em còn được hướng dẫn tỉ mỉ việc ghi nhật ký ruộng đồng trên điện thoại, để theo dõi quá trình sinh trưởng của rau.

Em muốn học trồng rau như ở đây, biết được quy trình rồi, sau này về làng, áp dụng vào sản xuất, tuyên truyền bà con cùng làm nông nghiệp hữu cơ”- Y Vữ chia sẻ.

Cũng như Y Vữ, A Nhỉ (24 tuổi ở xã Măng Bút) cũng khát vọng làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, từ khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum.

Khi ra trường, được sự giới thiệu của thầy chủ nhiệm, A Nhỉ được nhận vào học, làm tại HTX Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen, A Nhỉ luôn chăm chỉ học hỏi thực tế, và nghiên cứu sách vở để tích lũy kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.

A Nhĩ chia sẻ: “Trong làng em, mọi người trồng rau đều không bón phân, không biết cách chăm sóc, chỉ gieo hạt, tưới nước nên hiệu quả không cao, nhiều khi trồng mà không có thu.

Vì vậy, đất bỏ trống thật lãng phí. Do đó, khi được nhận vào làm, học việc tại HTX em rất mừng. Ở đây, em được học kỹ thuật trồng rau rất tỉ mỉ, phải chăm chút tý một, vừa bón phân đầy đủ, vừa theo dõi độ sinh trưởng hằng ngày của cây. Em sẽ cố gắng học hỏi để sau này về làng chỉ cho mẹ em và bà con cách trồng rau hiệu quả”.

Tương tự,  A Tuấn - chàng trai người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng đang tỉ mỉ chăm chút từng gốc cây, kiểm tra, theo dõi sự sinh trưởng của từng cây trong khu nhà màng rộng hàng nghìn mét vuông. Điều đáng khâm phục là hàng ngày, A Tuấn vượt hàng chục cây số, qua nhiều con đèo, dốc cao, xuyên qua các cánh rừng để học sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ tờ mờ sáng, Tuấn đã khăn gói rời làng lên thị trấn Măng Đen và đến tối mịt mới về nhà. Dù biết là vất vả, nhưng với quyết tâm học nghề để có tương lai, A Tuấn không quản ngại gian khó.

Đến đây, A Tuấn nghiêm túc học hỏi kiến thức, kỹ thuật, quy trình chăm sóc từ các anh chị kỹ sư nông nghiệp, với mong muốn thời gian tới sẽ về áp dụng vào thực tế làm nông nghiệp tại địa phương.

Cho đến nay, đã có hàng chục thanh niên DTTS từ các xã vùng sâu của Kon Plông đến làm tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại, để học cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Hiện, tuy chưa xuất hiện những mô hình của thanh niên áp dụng tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng dẫu sao, không thể phủ nhận khát vọng làm nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch của thanh niên DTTS ở Kon Plông.

Đây đã và đang là động lực để các thế hệ trẻ nỗ lực học hỏi, áp dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.

Đắk Nông: Cần học cách xây dựng sản phẩm OCOP

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tham gia chương trình khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm đặc trưng, cũng như độc quyền.

 

mc-191.jpg

 Sản phẩm mác ca Tuy Đức nhưng lại in hình ngôi nhà dài, đôi trai gái mặc trang phục người Ê đê.

     

Thực tế, đã có nhiều đơn vị, cá nhân đạt những thành tựu đáng kể trong sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu đặc trưng của địa phương.

Ví như, Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020, tỉnh Đắk Nông xác định và đăng ký trên 15 sản phẩm thế mạnh của tỉnh để xây dựng sản phẩm OCOP quốc gia.

Đó là những sản phẩm có tiềm năng lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP như: lúa gạo, hạt mắc ca, hồ tiêu, chanh dây, măng cụt, bơ, cà phê, tinh dầu gấc, đinh lăng, tranh thêu. Các sản phẩm du lịch tại các bon, buôn truyền thống, gắn với du lịch homestay, công viên địa chất toàn cầu.

Tính đến năm 2020, Đắk Nông đã công nhận 22 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, và cơ bản đạt được kế hoạch về số lượng sản phẩm OCOP. Hiện, một số sản phẩm đã có chỗ đứng khá vững vàng trên thị trường, và sẽ được gắn nhãn OCOP để có mặt tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

Hoặc, một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu (lôgô) để bảo hộ độc quyền cho sản phẩm.

Thực tế, nhiều sản phẩm chưa hoặc không đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu đã vướng vào những điều khó khăn, thậm chí vô cùng rắc rối.

Ví như, sản phẩm  không có nhãn hiệu, rất dễ bị làm giả, làm nhái thương hiệu; bị thiệt hại khi xảy ra tranh chấp; người tiêu dùng thiếu sự tin tưởng; khó truyền thông thương hiệu; nguy cơ mất thị trường và có thể mất nhãn hiệu rất cao.

Hoặc, một số sản phẩm khi xây dựng thương hiệu OCOP nhưng lại “quên”, hoặc không chú ý đến tính đặc trưng, tính địa phương của sản phẩm.

Đơn cử như, huyện Tuy Đức, có sản phẩm mắc ca đã đăng ký tham gia và được chứng nhận sản phẩm OCOP, nhưng hình ảnh trên bao bì lại thể hiện một đôi trai gái, mặc trang phục người Ê đê, ngồi phía trước bậc gỗ ngôi nhà dài Ê đê. Trong khi ở Tuy Đức, đồng bào dân tộc tại chỗ là người M’nông, và đồng bào Mông di cư từ phía Bắc vào.

Hay như sản phẩm trà, từ một loại trái cây, cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của T.p Gia Nghĩa. Song, trên bao bì lại in hình ảnh ngôi nhà Rông và đồng bào dân tộc thiểu số múa hát là không phù hợp. Bởi lẽ, nhà Rông là ngôi nhà cộng đồng rất đặc trưng của các buôn làng Gia rai, Ba na… ở phía Bắc Tây Nguyên.

Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu để được bảo hộ độc quyền cho sản phẩm là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tình trạng làm giả, làm nhái, thậm chí đánh cắp bản quyền xảy ra rất nhiều.

Mặt khác, việc xây dựng sản phẩm, thương hiệu, nhãn mác, bao bì… cần phải chú ý đến tính đặc thù, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Để khi chỉ cần nghe tiếng, nhìn thấy sản phẩm,  người ta đã biết được sản xuất ở vùng nào, không thể nhầm lẫn với địa phương khác.

Gia Lai: Thơm ngon hạt kơ nia Ia Mơ Nông

Hạt kơ nia đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Với giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon, loại hạt này ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

 

k-66.jpg

Hướng dẫn người dân cách đóng gói và bảo quản hạt kơ nia. Ảnh: Trần Dung

 

 Vào khoảng tháng 10-11, khi quả kơ nia trên rừng chín rụng, người dân xã Ia Mơ Nông đi nhặt về chế biến để bán. Ông Rơ Châm Chuck (làng Phung) cho biết: Trước đây, khi đi làm nương rẫy, người làng thường nhặt quả kơ nia đập vỏ ăn sống cho đỡ đói. Sau này, khi cây kơ nia ít dần, nhiều người nhặt quả về phơi khô để dành đãi khách quý.

“Quả kơ nia có hình trái xoan, dài khoảng 3-4 cm, khi chín màu vàng nhạt. Vào những tháng cuối năm, quả sẽ rụng. Để lấy được hạt kơ nia, phải đặt quả trên một tảng đá theo chiều mở của vỏ, sau đó đập nhẹ cho quả nứt làm đôi. Hạt kơ nia có thể ăn tươi hoặc rang lên đều ngon”-ông Chuck cho hay.

Để đưa hạt kơ nia do người dân chế biến đến với khách hàng, chị H'Uyên Nie-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông, đã tích cực tới từng nhà, vận động bà con thu gom, sơ chế đúng cách. Đồng thời, chị cũng nghiên cứu phương án quảng bá đặc sản này.

Theo chị H'Uyên Nie: “Hạt kơ nia còn khá lạ lẫm. Vì vậy, tác dụng của nó không phải ai cũng biết. Loại hạt quý hiếm này có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng người dân mới biết sử dụng trong gia đình, chưa phát triển thành  hàng hóa để tăng thu nhập”.

Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, chị H'Uyên Nie vận động bà con thu lượm quả kơ nia trên rừng về, rồi tuyển chọn, loại bỏ quả hỏng. Quả đạt chất lượng thì chẻ lấy phần nhân, sau đó đóng gói bảo quản để không bị ẩm mốc.

“Hạt kơ nia được bao bọc bởi lớp vỏ lụa màu nâu. Nếu nhai sống sẽ thấy rõ mùi tinh dầu đặc trưng xông lên mũi cùng vị béo ngậy. Ngoài ra, khi tách lớp vỏ cứng bên ngoài và rang muối, hạt kơ nia sẽ dậy lên mùi thơm rất hấp dẫn, phần nhân cũng thơm, béo và giòn tan”-chị H'Uyên Nie cho hay.

Anh Rơ Châm Hing (làng Kép 1) tham gia sơ chế hạt kơ nia để bán. Anh bộc bạch: “Vì phần vỏ hạt kơ nia rất cứng nên mỗi ngày vợ chồng tôi chỉ chẻ được khoảng 3 kg hạt thành phẩm. Song, việc này cũng giúp tăng thu nhập. Vui nhất là khi thưởng thức đặc sản, nhiều du khách đã trầm trồ khen ngợi”.

Sau khi giúp bà con chế biến hạt kơ nia, chị H'Uyên Nia tìm hiểu về thị trường tiêu thụ. Thông qua mạng xã hội Facebook, chị đã tìm được một lượng khách trong và ngoài tỉnh có nhu cầu. Hạt kơ nia được bán với giá 120.000-150.000 đồng/kg.

Ngoài ra, chị cùng bà con giới thiệu, quảng bá đặc sản hạt kơ nia tới du khách khi họ đến tham dự, trải nghiệm các lễ hội của địa phương. Theo chị H'Uyên Nie, loại hạt này được khai thác hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo sạch và có giá trị dinh dưỡng cao nên được khách du lịch và người dân tìm mua dịp Tết cổ truyền.

Là một khách hàng ưa chuộng sản phẩm hạt kơ nia, chị Bùi Thị Phương Thảo (TP. Kon Tum) chia sẻ: “Tôi biết hạt kơ nia qua lần đi du lịch tới Ia Mơ Nông. Tôi khá bất ngờ khi lần đầu được thưởng thức. Hương vị tương tự như hạt mắc ca, hạt điều... vị bùi, béo hấp dẫn. Hơn nữa, hạt kơ nia hoàn toàn tự nhiên, sạch và an toàn cho sức khỏe. Do vậy, tôi thường mua về đãi khách hoặc làm quà biếu”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, 2 năm gần đây, hạt kơ nia Ia Mơ Nông được nhiều người biết đến. Để sản phẩm đến với người tiêu dùng gần xa, địa phương đã đưa hạt kơ nia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, phiên chợ nông sản an toàn hay lễ hội lớn của tỉnh và nhận được nhiều hiệu ứng tích cực.

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top