Thời điểm này, các vườn cam đạt chuẩn VietGAP ở Hà Tĩnh đã bắt đầu vào kỳ thu hoạch chính vụ. Từng đoàn ô tô, xe máy chở đầy ắp cam nối đuôi nhau ngược xuôi đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Cam VietGAP Hà Tĩnh vươn xa
Được mệnh danh là thủ phủ cam của Can Lộc, đến thời điểm hiện tại, Thượng Lộc có 230ha cam, trong đó có hơn 150ha đã cho thu hoạch. “Năm nay được mùa, diện tích thu hoạch được nâng lên nên tổng sản lượng toàn xã ước đạt hơn 3,7 ngàn tấn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người trồng cam sẽ có thêm một mùa thu nhập lớn”, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Hải cho biết.
Cũng như nhiều gia đình, anh Đặng Văn Tuyết ở thôn Anh Hùng đang bận rộn với chính vụ thu hoạch cam. “Vườn nhà có 800 gốc cam, trong đó khoảng 600 gốc đã cho thu hoạch. Năm nay cam được mùa, diện tích cho thu hoạch cũng lớn hơn nên ước tính sản lượng đạt khoảng 30 tấn (tăng hơn năm trước 10 tấn), giá bán cam Chanh dao động 25.000 - 30.000 đ/kg”.
Huyện Can Lộc đã có quyết định thành lập và ra mắt Hiệp hội Trồng cam Thượng Lộc. Đây được xem là giải pháp để nâng cao giá trị của sản phẩm cam vùng Trà Sơn, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Hiệp hội đã thu hút hơn 40 nhà vườn ở 7 xã, thị trấn vùng Trà Sơn đăng ký tham gia, gồm: Thượng Lộc, Mỹ Lộc, Gia Hanh, Thường Nga, Đồng Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc. Theo đó, vùng sản xuất của hiệp hội cũng mở rộng lên hơn 120ha với tổng sản lượng hơn 1.000 tấn. Các thành viên của Hiệp hội tuân thủ quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; cùng tìm kiếm đầu ra, hướng đến thị trường chất lượng và sẽ thống nhất về giá cả trong từng thời điểm nhằm hạn chế và dần chấm dứt tình trạng ép giá của thương lái.
Cam VietGAP ở Hà Tĩnh được thương lái đến thu mua tận vườn.
Ông Đinh Văn Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Khe Mây Long Nhâm (Hương Đô, Hương Khê) cho biết: “Hiện nay, HTX đã thu hoạch 20 - 30 tấn cam, giá bán loại đắt nhất là 50.000 đồng/kg, còn lại ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Năm nay, 28ha cam của HTX được chứng nhận chuẩn VietGAP sẽ là điều kiện cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường”.
“Thị trường tiêu thụ cam VietGAP hiện nay khá thuận lợi bởi có sự liên kết của doanh nghiệp như Doanh nghiệp Tân Thanh Phong…; các đại lý hoa quả ở Hà Tĩnh,… đã tìm đến và làm việc với các chủ vườn để liên kết, thu mua sản phẩm với số lượng lớn. Ngoài ra, hàng năm, Hà Tĩnh đều tổ chức Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp; xây dựng một số điểm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Đây cũng là kênh giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, cho biết.
Đánh thức du lịch sinh thái nhà vườn
Vào chính vụ mùa bưởi, cam, nhiều đoàn khách du lịch trải nghiệm lại tìm về với các nhà vườn để có thể tự tay cắt cho mình những chùm cam chín mọng, thưởng thức cam sạch ngay tại vườn.
Năm nay, gia đình ông Phan Văn Thanh ở thôn Anh Hùng (xã Thượng Lộc) bên cạnh việc chăm sóc 3ha cam thì cũng đang tích cực chỉnh trang lại vườn tược, xây dựng thêm các công trình để sẵn sàng đón tiếp du khách trong dịp cao điểm sắp tới.
Ông Thanh cho biết: “Năm 2018, sau khi biết được chủ trương về phát triển du lịch trải nghiệm của huyện nhà, được tham quan các mô hình homestay ở Nghi Xuân, hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), đảo chè (Thanh Chương - Nghệ An), tôi nhận thấy gia đình mình có những thế mạnh để phát triển loại hình du lịch đang rất được ưa chuộng này. Qua đó, sẽ thu hút được du khách đến với vườn cam, tăng thu nhập, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và thương hiệu cam giòn Thượng Lộc”.
Với suy nghĩ đó, ông tham gia các lớp tập huấn làm du lịch, đầu tư xây dựng các công trình, mua sắm nội thất, liên kết với công ty du lịch. Dù quy mô còn nhỏ nhưng bước đầu đã để lại nhiều ấn tượng tốt với du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Trang trại của ông Nguyễn Đăng An ở xóm 16 (xã Hà Linh, Hương Khê) đang dần trở thành điểm đến ngoại khóa yêu thích của nhiều trường học ở Hà Tĩnh. Đầu năm 2018, ông An quyết định thực hiện ý tưởng mô hình du lịch nông trại sinh thái khép kín kết hợp với du lịch trải nghiệm, giáo dục. Đối tượng chính hướng đến là học sinh từ mẫu giáo đến THCS.
Trong khuôn viên thiết kế các mô hình thực tế giúp học sinh có thêm trải nghiệm, hiểu về công việc thường nhật của người nông dân; được tận mắt theo dõi quy trình tưới nước, chăm sóc theo công nghệ thông minh, được thưởng thức hương vị cam ngay tại vườn.
Công ty CP Lữ hành Thành Sen được biết đến là đơn vị “khai phá’ thị trường du lịch nhà vườn đầu tiên ở Hà Tĩnh. Dù được áp dụng chưa lâu nhưng có những tour công ty đón 1.000 lượt khách/ngày. Điều đó cho thấy, người dân thực sự hứng thú với hình thức du lịch sinh thái - nơi họ được hòa mình vào thiên nhiên, được trải nghiệm những giá trị văn hóa, thưởng thức đặc sản của địa phương.
Theo ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, để thu hút và duy trì được khách du lịch đến với các vùng miền, việc trang bị cho người dân địa phương những kiến thức cơ bản về du lịch là điều hết sức cần thiết. Nhiều buổi tập huấn, đào tạo được công ty tổ chức ở các điểm đến đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy làm du lịch cho người dân. Không chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, một số người dân còn lên kế hoạch xây dựng khu nhà vườn của mình thành khu du lịch sinh thái.
“Phát triển du lịch gắn với những lợi thế về nông nghiệp là xu hướng tất yếu mà huyện đang nỗ lực thực hiện. Huyện đã có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình làm du lịch, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, tổ chức các lớp tập huấn làm du lịch; đồng thời tăng cường quảng bá, tuyên truyền hình ảnh. Bên cạnh đó, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, đường, điện; có cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích phát triển du lịch sinh thái Can Lộc”, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có diện tích trồng cam khá lớn ở Bắc Trung Bộ, những năm gần đây, diện tích cam không ngừng tăng, nhà nhà, người người ồ ạt trồng cam. Trăn trở lớn nhất của các chủ vườn cam đạt chuẩn VietGAP ở Hà Tĩnh hiện nay là bị một số sản phẩm cam chưa “sạch” trà trộn, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và thị trường tiêu thụ. Để tạo ra một quả cam VietGAP, hộ sản xuất phải đầu tư công và của gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường, tuy nhiên, hiện giá bán cam VietGAP cũng tương đương với giá sản phẩm không tham gia mô hình.
Bài 3: Lời giải bài toán phát triển cây có múi ở Hà Tĩnh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…