Để thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel.
Để thu hút FDI vào nông nghiệp, hãy học Israel Việt Nam rõ ràng đã là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở khu vực Đông Nam Á, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa phải là bến đỗ của FDI trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp vẫn khát vốn
Việt Nam luôn đứng vững trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê lớn nhất thế giới và các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua và dự báo sẽ đạt 10 tỉ USD/năm trước năm 2025.
Tuy nhiên, nông nghiệp lại chưa phải là điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI. Trên thực tế, dòng vốn này vẫn chỉ tập trung cho khu vực công nghiệp với tỷ trọng lên tới hơn 73%, trong khi nông nghiệp luôn là lĩnh vực ít nhận được đầu tư nhất, với tỷ trọng chỉ dưới 1%.
Nông nghiệp vẫn chưa phải là điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI. Trong ảnh: Nông dân trồng hoa tại Đồng Tháp. |
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị rằng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi đầy triển vọng, một lĩnh vực tiềm năng có thể góp phần giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Thử tưởng tượng nếu chúng ta tận dụng được những tiến bộ như vũ bão của công nghệ sinh học, biến đổi gen, cơ giới hóa và robot... thì ngành nông nghiệp nước nhà chắc chắn sẽ phát huy được các tiềm năng của đất nước về khí hậu, đa dạng sinh học và truyền thống nông nghiệp. Hàng triệu nông dân một nắng hai sương có cơ hội trở thành những ông chủ, làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương bằng những sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu đi muôn phương.
Việt Nam đã có một số chính sách ưu tiên để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở cả cấp độ quốc gia lẫn địa phương. Tuy vậy, kết quả thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện nay cả nước mới có khoảng 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phê duyệt với 5.800 héc ta, trong đó 71% diện tích tại Lâm Đồng.
Nước không chảy chỗ trũng
Bất chấp tiềm năng của ngành nông nghiệp, dòng vốn FDI vẫn không chảy vào đây vì nhiều lý do, trong đó có các lý do chủ quan sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp hiện nay là đất lúa theo quy hoạch, rất khó chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo khuyến nghị gần đây của WB, Việt Nam đang dành quá nhiều đất để trồng lúa, trong khi năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao. Khi chưa được giao hoặc thuê đất lâu dài thì các tổ chức, doanh nghiệp sẽ ít có động lực đầu tư dài hạn cho công nghệ, quy trình hiện đại... vốn rất đắt đỏ.
Thứ hai, các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp cơ khí và giao thông vận tải hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn còn kém phát triển, đã cản trở tiến trình cơ giới hóa ngành nông nghiệp và áp dụng các công nghệ tân tiến. Về vận chuyển, giao thông trong nước đang quá phụ thuộc vào vận tải đường bộ với chi phí cao, thời gian vận chuyển dài và những tác động xấu tới chất lượng nông sản. Có doanh nghiệp nông nghiệp đã thống kê rằng riêng quá trình vận chuyển đã gây tổn thất tới 40% giá trị sản phẩm của mình.
Thứ ba, nguồn cung lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn thiếu hụt. Phần lớn lao động trong khu vực này có trình độ thấp, chưa được đào tạo về công nghệ, kỹ thuật. Các trường đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu cơ sở vật chất hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, thực hành của sinh viên.
Cuối cùng, các chính sách ưu đãi về đầu tư trong nông nghiệp công nghệ cao chưa hiệu quả trên thực tế; môi trường kinh doanh chưa thuận lợi; còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp.
Cơ cấu vốn FDI theo lĩnh vực năm 2017. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông nghiệp đang vướng ở cách tiếp cận nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin - cho, không tính tới nhu cầu của khách hàng (chậm thẩm định, không theo chu kỳ sản xuất...); Quy định về đối tượng, địa bàn hưởng lợi từ chính sách tín dụng thiếu linh hoạt, không hợp lý; Các thủ tục, điều kiện vay phức tạp và thiên về giảm bớt rủi ro cho ngân hàng; Hình thức, công cụ tín dụng còn hạn chế; Nhiều vướng mắc, hạn chế về thế chấp đất kèm tài sản.
Hãy học Israel
Để góp phần tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel, một cường quốc về cả nông nghiệp lẫn công nghệ.
Đầu tiên là đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ nông nghiệp mới, yếu tố được xem là quyết định của thành công. Theo báo cáo của Deloitte, Israel có tới 300 doanh nghiệp xuyên quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Trong đó, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017 đã có 80 triệu đô la Mỹ được đầu tư cho phát triển công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Việc chú trọng tới phát triển các công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp thay đổi hoàn toàn bức tranh nông nghiệp của Israel và tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ hai, Nhà nước cũng nên thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ như giao thông, cơ khí thậm chí cả công nghiệp quốc phòng để tạo nền tảng phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao. Tại Israel, chính phủ đã cử những nhân lực trẻ, trí tuệ nhất đi học và nghiên cứu trong quân ngũ, nơi có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu công nghệ.
Khi xuất ngũ, các cựu quân nhân này được phép áp dụng kiến thức, bí quyết công nghệ và quan trọng nhất là tinh thần làm việc nhóm để khởi nghiệp trong các lĩnh vực dân sự, bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao. Khi có lực lượng lao động chất lượng cao và hạ tầng hỗ trợ, các doanh nghiệp FDI sẽ không ngần ngại rót vốn.
Thứ ba, cần đặt niềm tin vào nông nghiệp và đất đai, rằng nó có thể mang lại cơ hội tăng trưởng bền vững. Tại Israel, người ta nhen nhóm tinh thần trên trong toàn xã hội bằng cách nhân rộng những câu chuyện thành công tại địa phương. Ví dụ như các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầy cảm hứng của các sinh viên, doanh nghiệp FDI, những nhà khởi nghiệp trẻ - những người sẵn sàng từ bỏ nhung lụa để dấn thân, chiến đấu và thành công với nông nghiệp./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.