Theo phản ánh của người dân tại huyện Cam Lâm, nhà máy đã phổ biến lịch chặt mía tới các hộ dân để ngày 13-3 nhập kho, tuy nhiên khi sự cố mới xảy ra vào rạng sáng cùng ngày, nhà máy đã ngừng nhập mía cho bà con mà không có thông báo chính thức. Về phía CTCP Đường Khánh Hòa, đại diện đơn vị này khẳng định, trước khi sự cố tràn nước thải xảy ra khoảng 2 ngày, công ty đã có kế hoạch vệ sinh nhà xưởng và đã nhắn tin đồng loạt cho tất cả hộ nông dân có hợp đồng bán mía về việc tạm ngưng thu mua mía nguyên liệu.
Điều khiến người dân bức xúc chính là việc nhà máy gặp sự cố hệ thống nước thải và thông báo hoàn toàn không ảnh hưởng tới công tác vận chuyển, cân đo mía. Người dân cho biết mía đã thu hoạch hơn hai tuần nay nhưng chưa bán được, chất đống bên đường và đã chuyển sang khô héo, nguy cơ giảm chữ đường và trọng lượng là không tránh khỏi. Nhiều nông dân đã bán mía cho thương lái với giá 750.000 - 800.000 đồng/tấn (trong khi giá mua của công ty khoảng 920.000 đồng/tấn).
Theo kết luận ban đầu của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa), trong quá trình sản xuất, một mẻ đường của nhà máy đường Khánh Hòa bị hư khiến hệ thống xử lý nước thải bị hỏng. Sau đó xảy ra sự cố khiến nước thải tràn ra ngoài đầm Thủy Triều gây ô nhiễm vi sinh vật tăng lên 6.000 - 7.000 con vi khuẩn/ml nước biển, gấp 6-7 lần điều kiện bình thường gây thiếu oxy khiến thủy sản bị chết. Ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng Giám đốc CTCP Đường Khánh Hòa - thừa nhận nguyên nhân xảy ra sự cố tràn nước thải ra đầm Thủy Triều là do đường ống dẫn nước thải vào nhà máy bị tắc nghẽn trong khi công nhân ngủ quên nên không xử lý kịp.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin cho biết, hệ thống bốc hơi nước mía của Nhà máy đường Khánh Hòa bắt đầu gặp sự cố từ khi bắt đầu vụ sản xuất 2016-2017, gây quá tải bể xử lý của hệ thống xử lý nước thải. Nhà máy không xả nước thải qua cống thoát nước chính mà để nước thải chưa xử lý tràn ra hệ thống thoát nước mưa. Nhà máy cũng không tách hệ thống thu gom thoát nước thải và hệ thống thoát nước mưa theo quy định. Thêm vào đó là tình trạng hoạt động vượt công suất thiết kế. Và đến ngày 13-3, nước thải chưa xử lý tràn ra hệ thống mương dẫn nước mưa thoát ra đầm Thủy Triều.
Do việc xả thải đột ngột nên một số hộ dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực vẫn dẫn nước vào các đìa nuôi, dẫn đến hiện tượng tôm, cá, ốc chết hàng loạt. Đến nay đã có hàng chục hộ dân khiếu nại về tình trạng trên. Ước tính ban đầu có trên 10 ha diện tích mặt nước nuôi trồng bị ảnh hưởng, tương đương tổng mức thiệt hại hàng tỉ đồng và có khả năng tăng lên trong thời gian tới.
Hiện Công ty Đường Khánh Hòa đang phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố cũng như thống kê, đánh giá và có phương án đền bù thiệt hại cho các hộ trồng mía và người nuôi thủy sản chịu thiệt hại. Điều đáng nói là ngay từ năm 2011 trở đi, công ty này cũng đã nhiều lần bị các phương tiện truyền thông cũng như người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường.
Vào tối 2-4, ông Đỗ Thanh Liêm có phát biểu trên Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa tuyên bố nhanh chóng khắc phục tình trạng và đưa nhà máy vào sản xuất, sớm giải quyết kịp thời mía cho nông dân. Hy vọng rằng Nhà máy đường Khánh Hòa có thể sớm thực hiện lời hứa, tuy nhiên, sự cố tái diễn lần này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế của hàng trăm hộ dân trồng mía và nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái tại địa phương…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.