Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 15:23

Khánh Vĩnh, phập phồng... bưởi da xanh

Giữa thủ phủ bưởi da xanh Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), những vườn cây sai trĩu cành chẳng có người hái, bưởi rụng dưới gốc cũng không ai thiết nhặt. Nguyên nhân là do giá bưởi xuống thấp chưa từng có.

1.jpg
Bưởi chín rụng do quá ngày thu hoạch.

 

Giá quá thấp

Chúng tôi ghé vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Phước Lộc (thôn Suối Sâu, xã Khánh Đông), nghe ông than: “Hiện nay, giá bưởi có 15.000 đồng/kg. Từ ngày trồng bưởi đến nay, đây là giá thấp kỷ lục. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bán 25.000 đồng/kg đã thấy quá thấp, giờ giá xuống đáy cũng không ai tới hái”.

Chuyện buồn về giá bưởi liên tục bị ngắt quãng bởi những cái lắc đầu ngao ngán của chủ nhà. Chưa bao giờ giá bưởi xuống thấp đến vậy, chưa bằng nửa giá của năm trước. Hiện, giá bưởi da xanh loại 1 trung bình chỉ 20.000 đồng/kg; loại 2 và 3 chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi ở thời điểm đầu tháng 12/2019, giá bưởi da xanh ở mức 35.000 - 45.000 đồng/kg. Các nhà vườn cho biết, giá bưởi da xanh giảm mạnh là do nguồn cung tăng trong khi lượng tiêu thụ lại giảm.

Giá thấp đã đành, điều người nông dân lo ngại nhất chính là rẻ nhưng không có ai mua. Nhìn mấy đứa bé dùng quả bưởi thay banh đá qua đá lại, ông Lộc nói: “Từ Tết đến giờ, bưởi ứ đọng, quá lứa, chín rụng đầy gốc. Ban đầu còn nhặt vào ăn hay cho bà con lối xóm, dần dần bưởi chín rụng ngày một nhiều, chẳng buồn nhặt. Trước đây, mỗi ngày gia đình cắt cả chục tấn bưởi, nay cả tuần thương lái mới cắt vài tạ. Với 3ha bưởi, gia đình còn tồn khoảng 5 tấn bưởi chưa bán được. Nếu chục ngày nữa không có ai mua cũng sẽ phải hái để giữ sức cho cây”.

Cũng như ông Lộc, ông Dương Văn Thuyền (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung) cho biết: “Gia đình trồng 15ha bưởi; đến nay, 1/2 diện tích đã cho thu hoạch. Giá bưởi liên tục giảm khiến gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Giá đã giảm mà đầu mối thu mua lại quá ít nên rẻ cũng chưa bán được. Nếu tình hình này kéo dài thì nhà vườn gặp rất nhiều khó khăn”.

Bưởi VietGAP thua thiệt

Giữa lúc giá giảm sâu, các hộ trồng bưởi VietGAP càng thêm thua thiệt. Đơn cử Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Đông có 23 thành viên với 65ha bưởi được trồng theo quy trình VietGAP. Để có bưởi đúng chuẩn trái cây an toàn, nông dân phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch. Chi phí sản xuất theo chuẩn VietGAP cao hơn so với bình thường nên giá bưởi VietGAP cũng cao hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi thị trường biến động, người trồng bưởi mới thấm thía sự khó khăn trong sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là khâu tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Đông, buồn bã nói: “Bưởi của hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP, là sản phẩm OCOP 3 sao; chi phí đầu tư mỗi năm 150 - 180 triệu đồng/ha, gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất bình thường. Thương lái đi dạo khắp các vườn khen bưởi VietGAP quả đẹp, ngon, sạch nhưng họ chỉ mua ngang giá bưởi thường. Hiện nay, nhà vườn nào cũng tồn sản lượng rất lớn, thương lái có nhiều lựa chọn, mình không bán thì thiệt hại càng nặng”.

 

2.jpg

Bưởi VietGAP và OCOP cũng không thể tiêu thụ được.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, không riêng người trồng bưởi VietGAP tại Khánh Vĩnh, nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch khác trong tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất khiến sản xuất nông sản theo chuẩn VietGAP lép vế so với sản xuất truyền thống là sản xuất theo chuẩn VietGAP đòi hỏi kỹ thuật khắt khe, chi phí đầu tư cao nhưng lại khó cạnh tranh về giá so với sản xuất bình thường. Đây là rào cản đối với sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP.

Phá vỡ quy hoạch

Mấy năm trước, nhìn nhiều vùng đất tại huyện Khánh Vĩnh được phủ xanh cây bưởi da xanh, ai cũng cảm thấy một tín hiệu lạc quan. Giống cây đem về từ miền Tây đã cho quả ngọt trên vùng đất miền núi khô cằn. Nhưng giờ đây, với diện tích bưởi da xanh vượt quá xa so với quy hoạch, vấn đề đầu ra lại là bài toán nan giải.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khánh Vĩnh, lo lắng: “Huyện chỉ quy hoạch 300ha bưởi da xanh. Nhưng nay, tổng diện tích lên đến 600ha và vẫn chưa có tín hiệu dừng lại khi phong trào mua đất rẫy làm vườn tiếp tục nóng. Huyện đã nhiều lần tuyên truyền về việc phá vỡ quy hoạch và nguy cơ khó khăn đầu ra của cây bưởi da xanh nhưng diện tích vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm. Riêng năm 2020, diện tích bưởi da xanh tăng thêm 50ha. Nếu cứ tự phát như vậy sẽ không thể tiêu thụ hết được”.

Với 200ha đang cho thu hoạch, sản lượng bưởi Khánh Vĩnh đạt 1.400 tấn/năm. Từ Tết Nguyên đán đến nay, bưởi không tiêu thụ được nên mới đây Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ bưởi da xanh, chia sẻ khó khăn với nông dân huyện Khánh Vĩnh”. Mục tiêu giúp nhà vườn bán khoảng 20 tấn bưởi.

Cách đây chừng 5 năm, bưởi được UBND huyện Khánh Vĩnh chọn làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, khi diện tích trồng tăng chóng mặt, vượt xa sự tính toán của chính quyền địa phương thì chuyện “được mùa mất giá” đã hiển hiện.

Ông Ngọc lo lắng: “Mới 200ha mà đợt này cả trăm tấn bưởi không thể tiêu thụ được. Vậy khi 600ha cho thu hoạch thì bưởi nhiều cỡ nào, chưa nói đến việc hàng năm diện tích trồng mới tiếp tục tăng, không khéo lúc đó lại đi chặt bưởi trồng cây khác”.

Trên đường rời Khánh Vĩnh, đi qua những vạt bưởi xanh tốt, hương bưởi đầu mùa dịu nhẹ không xua được cảm giác âu lo. Có lẽ, đã đến lúc Khánh Vĩnh cần dừng ngay việc mở rộng diện tích bưởi. Thay vào đó là tập trung tăng chất lượng, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu bưởi da xanh. Về lâu dài, cần kết hợp chặt chẽ 3 nhà (doanh nghiệp, khoa học và nông dân) để ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tạo nên sản phẩm chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chỉ có vậy, hoa bưởi mới tiếp tục “ngan ngát hương thơm”.

 

 

 

Đình Lâm - Bích La
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top