Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 10 năm 2020 | 20:18

Khó tiếp cận hỗ trợ “tàu 67”, lấn chiếm bãi triều ở Móng Cái

Ngư dân khó tiếp cận hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng “tàu 67”, lấn chiếm hàng trăm ha bãi triều ở Móng Cái vẫn chưa có hồi kết.

Quảng Nam: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ “tàu 67”

Nhiều ngư dân trên địa bàn Quảng Nam vẫn chưa tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, về một số chính sách phát triển thủy sản, do khó thực hiện thủ tục theo quy định.

 

c-sach-9.jpg

Ngư dân Hùng cho biết tàu vỏ thép đã xuống cấp, cần hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng Ảnh: VIỆT NGUYỄN

 

Nhiều chủ “tàu 67” gặp khó, vì không đủ vốn duy tu, bảo dưỡng khiến tàu xuống cấp nghiêm trọng. Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu QNa-91439 cho biết, đã nhiều lần thực hiện hồ sơ, thủ tục hướng dẫn của ngành thủy sản, nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng  (xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91039 cho biết, những chuyến biển gần đây thu nhập thấp, không có kinh phí hàng trăm triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng tàu. 

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đã hướng dẫn cụ thể quy trình hỗ trợ chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép đến các địa phương.

Cụ thể, mức hỗ trợ không quá 1% giá trị/ “tàu 67” có công suất 400CV trở lên. Với điều kiện chủ tàu khai thác, hoặc dịch vụ hậu cần vùng biển xa, không vi phạm pháp luật về thủy sản, và các quy định khác.

Ngư dân thực hiện hồ sơ gồm đơn đề nghị; bản sao các giấy phép nghề cá; hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng về duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép và hóa đơn, chứng từ liên quan.

“Vướng mắc trong hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép là khó thực hiện đúng quy định về định mức duy tu, bảo dưỡng. Dù Bộ NN&PTNT đã có thông tư hướng dẫn, nhưng căn cứ vào đó lại không trùng khớp. Tỉnh rất muốn hỗ trợ ngư dân, nhưng về pháp lý chưa thỏa đáng nên... chờ sửa đổi” - ông Định nói.

Được biết, hầu hết “tàu 67” trong số 32 tàu vỏ thép của tỉnh, được BIDV chi nhánh Quảng Nam cho vay với mức 95% giá trị con tàu. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ ngư dân duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép chưa thực sự đi vào đời sống là rất bất cập.

Khác với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép xuống cấp nhanh, hư hỏng nặng nề nếu không duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Trong khi đó, hàng loạt tàu vỏ thép nằm bờ nhiều năm nay, không sửa chữa nên giá trị xuống thấp, khả năng đánh bắt hải sản ngày càng giảm sút.

Do đó, BIDV chi nhánh Quảng Nam đã nhiều lần gửi văn bản đến các ngành chức năng, đề xuất giải quyết các vướng mắc.

Theo quy định, để duy tu, bảo dưỡng “tàu 67”, bắt buộc phải được đăng kiểm tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nên rất khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi cơ chế hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép được khơi thông, thuận tiện thì nên mở rộng phạm vi hỗ trợ duy tu bảo dưỡng cho các tàu vỏ composite trên địa bàn tỉnh vì cùng là “tàu 67”, vật liệu mới, thiết kế tương tự, công năng sử dụng giống nhau.

Ông Ngô Văn Định cho rằng Bộ NN&PTNT nên tổ chức hội nghị, hội thảo hay tọa đàm với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ngư dân để tháo gỡ các khó khăn trên.

Theo đó, nên chăng Bộ NN&PTNT sửa đổi các quy định hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép theo cơ chế 1 lần sau đầu tư, với sự tinh giản các thủ tục, hồ sơ, đặc biệt là các quy định không sát thực tiễn, của định mức kinh tế, kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép.

Quảng Ninh: Hàng trăm ha bãi triều bị lấn chiếm ở Móng Cái

Nhiều năm nay, tại xã Vĩnh Trung (TP Móng Cái) xảy ra tình trạng người dân tự ý đổ cát, cắm cọc, quây bãi triều để nuôi trồng thủy sản. Mặc dù địa phương đã kiểm tra, xử lý, song, tình trạng này ngày càng diễn ra với quy mô lớn hơn, lên tới hàng trăm ha

 

bai-6.jpg

 Người dân tự lấn chiếm bãi Cái Chàm để nuôi trồng thuỷ sản.

 

Tại xã Vĩnh Trung, dọc theo con đường xuyên đảo, các khu vực bãi triều: Vụng Dầm, Cống Cách, Bãi Tùng, Núi Am, Bãi Cái, Núi Lở, Núi Mõm Kìm, bãi Chương, bãi Cồn Trâu… mặc dù không được quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng người dân vẫn cắm cọc tre, gỗ, lồng bè với diện tích hàng trăm ha.

Hàng nghìn chiếc lồng được chất đống hai bên đường để chuẩn bị thả giống thủy sản.

Anh Phạm Văn H, thôn 2, xã Vĩnh Trung, cho biết: Việc người dân tự ý đổ cát, cắm cọc, quây bãi để nuôi thủy sản tại các bãi triều diễn ra từ lâu. Nếu như năm 2012 cả xã chỉ có một vài hộ lấn chiếm, thì 2015 rất nhiều hộ đã đổ xô ra bãi đổ cát, cắm cọc, lấn chiếm bãi triều.

Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng lạch của tàu, thuyền khai thác hải sản tự nhiên và xâm hại rừng phòng hộ.

Hiện, phần lớn diện tích bãi triều trên địa bàn xã đã "có chủ”, trong đó, có hộ có từ vài chục đến hàng trăm ha, như hộ ông Đông bãi Chương; ông Quý, ông Cường tại Cống Cách, Cửa Đài.

Người dân phản ánh nhiều, chính quyền đã nhổ, chặt cọc tre, gỗ tại các bãi triều, song, diện tích bị lấn vẫn lan rộng. Số hộ chiếm bãi ngày càng tăng.

Năm 2015-2016, bãi Tùng mới có 4-5 hộ nuôi, thì nay đã có hơn 30 hộ; khu vực Cống Cách, Cửa Đài hơn 100 hộ, với hàng trăm ha. Khu vực bãi Chương không còn một ô trống.

Theo UBND xã Vĩnh Trung: năm 2007-2012, xã ký hợp đồng với các hộ khoanh nuôi thủy sản tại Cống Cách và một số khu bãi triều. Khi hết hợp đồng, xã chưa thanh lý với các hộ, thì năm 2015-2016, người dân đã ồ ạt chiếm bãi, khoanh nuôi trái phép.

Hiện, các bãi: Núi Lẻ, Núi Am, Cái Vĩnh, Cái Chàm, Núi Dầm, Bãi Đai và một số bãi đá khác, đã bị người dân khoanh nuôi, không cho các hộ khai thác tự nhiên.

UBND xã gần như mất kiểm soát, các bãi Núi Lẻ, Núi Am, Núi Lở, một số hộ đã chiếm hết. Bãi Cái, Bãi Đai cũng bị cắm cọc để nuôi ngao, hến hoa, vạng.

Khu vực sấp mặt nước, đất mặt nước cũng bị lấn đặt bè nổi ươm giống, nuôi tu hài, ngao hai cùi.

Ông Tô Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, thừa nhận: Nguyên nhân chiếm bãi triều là  do việc quản lý nhà nước của xã chưa chặt chẽ, kịp thời.

Xã đã đề xuất TP Móng Cái quy hoạch vùng nuôi để giao cho người có nhu cầu. Và thông báo đến từng hộ lấn chiếm, yêu cầu trả lại bãi triều để khai thác tự nhiên.

Từ năm 2016-2018, đã tháo dỡ 8 đăng đáy, 43 ô cắm cọc, quay lưới và tháo dỡ cây cọc, cây nêu chia ô trông giữ ốc tại các bãi đá. Mặc dù xã Vĩnh Trung đã kiểm tra, xử lý, nhưng sau mỗi lần ra quân, tình trạng này lại tiếp diễn với quy mô lớn hơn.

Ví như: đến tháng 7/2018 chỉ còn 43 hộ lấn chiếm, nhưng đến cuối năm 2018 đã lên tới 71 hộ, khoảng 105ha. Thực tế, trên địa bàn phải có vài trăm hộ với diện tích vài trăm ha.

Bình Định: Đánh bắt hợp tác với “tàu cò” 2 bên cùng có lợi      

Ðể nâng cao hiệu quả đánh bắt, nhiều chủ tàu lưới vây ánh sáng, khai thác xa bờ trong tỉnh, đã hợp tác làm ăn với “tàu cò” trong và ngoài tỉnh. Mô hình này không những giúp đôi bên cùng có lợi, mà còn thắt chặt mối quan hệ tương trợ lẫn nhau trên biển của ngư dân.

tau-91.jpg

 Tàu cá Nguyễn văn Cường Hoài Nhơn, hợp tác với 3 “tàu cò” để cập cảng Quy Nhơ bán cá.

 

“Tàu cò” (còn được gọi là tàu môi giới) thường làm nghề câu cá ngừ đại dương. Khi các tàu cò đến vùng biển ban đêm, chong đèn điện rọi xuống biển dẫn dụ cá, phát hiện cá tụ lại với số lượng lớn, thuyền trưởng sẽ gọi cho các tàu lưới vây ánh sáng đến đánh bắt.

Ngư dân Nguyễn Văn Năm (TX Hoài Nhơn), chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 95029 - TS, thổ lộ: “Từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch, tàu chúng tôi đi 5 - 6 người, vừa câu cá ngừ đại dương, vừa “làm cò”.

Hiện, mùa này chúng tôi chủ yếu làm “tàu cò”, nên chỉ cần 3 “bạn” tàu là được. Khi tàu chong đèn điện, phát hiện đàn cá qua máy dò, cho “bạn” lặn xuống biển để quan sát đàn cá, nếu cá nhiều thì gọi tàu lưới vây đến đánh bắt...”.

Vừa qua, chúng tôi đến Cảng cá Quy Nhơn, khi tàu lưới vây BĐ 91388 - TS của ngư dân Phạm Văn Tâm, cập cảng sau chuyến đi 15 ngày đánh bắt tại Trường Sa, trúng hơn 22 tấn cá ngừ, thu hơn 400 triệu đồng.

“Tàu tôi hợp tác với 3 tàu cò ở tỉnh Phú Yên. Khi được báo tin phải đến vị trí tàu cò đang chờ, sau đó tùy theo sản lượng đánh bắt được thì chia cho họ 33%, còn mình hưởng 67%.

Nhiều khi các tàu cò cùng lúc gọi, tàu chúng tôi không thể làm hết, phải hẹn lại, và sẽ khai thác xoay vòng, ưu tiên đến vị trí tàu nào có nhiều cá hơn để đánh bắt.

Làm ăn trên biển phải uy tín với nhau, chứ gọi mà không đến là họ “cạch mặt” mình. Mấy chuyến biển gần đây, tàu tôi trúng đậm, nhờ sự hợp tác  hiệu quả này”, anh Tâm cho biết.

Tương tự như vậy, tàu lưới vây ánh sáng BĐ 98054 - TS của ngư dân Nguyễn Văn Cường (Thị xã Hoài Nhơn ) cũng vừa đánh bắt được nhiều cá, nhờ hợp tác với 3 tàu cò.

Anh Cường hồ hởi: “Tàu tôi trúng hơn 36 tấn cá ngừ, cá chù. Thu nhập hơn 600 triệu đồng, chia lại cho “tàu cò” 200 triệu đồng...”.

Ngư dân Nguyễn Văn Quốc (phường Tam Quan Bắc), chủ tàu BĐ 98338 - TS, bộc bạch: “Trước đây, tàu tôi chỉ làm nghề câu cá ngừ đại dương, nên thu nhập không khá lắm. Từ ngày hợp tác “làm cò” với nhiều tàu lưới vây ánh sáng, “bạn” tàu có thêm thu nhập.

Biển giã cũng vô chừng, nhưng tàu cò chong đèn điện mà gặp trúng đàn cá nhiều, báo cho tàu đến đánh bắt được, thì sau chuyến đi chia phần “bạn” 20 triệu đồng/người hoặc hơn nữa...”.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top