Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 1 năm 2022 | 10:36

Khoa học kỹ thuật đưa nông nghiệp lên tầm cao mới

Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được xác định là yếu tố quyết định đến sự thành bại, đáp ứng mục tiêu mà ngành đề ra, thích ứng với xu thế mới, đưa ngành lên tầm cao mới, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.

PV Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thứ trưởng có thể cho biết vài nét về kết quả của việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp những năm gần đây?

Đưa TBKHKT ứng dụng trong ngành Nông nghiệp được xác định là yếu tố quyết định sự thành công, là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động, thích ứng với xu thế mới, đưa ngành lên tầm cao mới, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực đưa TBKHKT vào sản xuất và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. TBKHKT đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hằng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%)…

 

ok.jpg
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ trái sang), cùng đoàn đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ chanh leo của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Đức Phương

 

Việc đưa TBKT phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp góp phần đưa ngành Nông nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng GDP toàn ngành năm 2021 đạt 2,85%. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng hàng năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Tốc độ tăng năng suất lao động nông - lâm - thủy sản bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,8%...

Trong quá trình đưa TBKHKT vào thực tế sản xuất gặp những khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?  Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất cần phải thay đổi thế nào để tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp?

Trong quá trình triển khai ứng dụng TBKHKT vào thực tiễn sản xuất vẫn còn những khó khăn như: Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả cùng với tình trạng đất đai manh mún nên việc ứng dụng TBKHKT vào sản xuất chưa cao. Lao động nông nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận TBKHKT, thiếu kiến thức quản trị đồng ruộng, quản trị trang trại... Số doanh nghiệp lớn ứng dụng TBKHKT vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, chủ yếu đầu tư vào dịch vụ giống, vật tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhân công lao động, lấy sản lượng, năng suất là chính…

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát tổng thể lại cơ chế chính sách về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao TBKHKT trong nông nghiệp để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Ưu tiên các chính sách nhằm tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, ứng dụng và chuyển giao; nâng cao hiệu suất kỹ thuật giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với nông dân; thúc đẩy nghiên cứu - phát triển (R&D) và ứng dụng, chuyển giao; phát triển nguồn nhân lực.

Củng cố hệ thống khuyến nông, tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp, đổi mới hoạt động khuyến nông. Tăng cường hỗ trợ các mô hình ứng dụng TBKHKT theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, miền, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với truy suất nguồn gốc, quản lý chất lượng.

Đặc biệt, nâng cao năng lực cho nông dân để thay đổi tư duy, cách làm cho phù hợp, tiếp cận TBKHKT và áp dụng vào thực tế sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn, hình thành HTX, liên kết theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đào tạo nông dân hướng tới nông dân chuyên nghiệp, lao động nông thôn phục vụ công nghiệp hoá.

Có cơ chế chính sách hỗ trợ để thực hiện mô hình khuyến nông theo cơ chế đặc thù, không khuôn mẫu, cứng nhắc. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động khuyến nông và tiếp thu khoa học công nghệ. Tăng cường sự phối hợp giữa hệ thống khuyến nông với các viện, trường, các cơ quan nghiên cứu, đảm bảo khuyến nông là “cầu nối” giữa các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với người nông dân. Thông qua hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình mẫu để nhân rộng trong sản xuất.

Các viện nghiên cứu cần đổi mới về các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Với doanh nghiệp, đẩy mạnh mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao TBKHKT theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, khuyến khích người sản xuất nông nghiệp ứng dụng TBKHKT, tham gia các chuỗi, thực hành nông nghiệp tốt, các sản phẩm có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản phẩm.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn giàu có, nông dân thông minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có những cơ chế, chính sách gì thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó?

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ tại Quyết định số 2547/QĐ-BNN-KH ngày 08/6/2021. Theo đó, mục tiêu chung của ngành là: Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ và toàn ngành tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: rà soát đề xuất điều chỉnh các luật chuyên ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tình hình mới. Hoàn thiện thể chế huy động tối đa mọi nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm. Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất; tạo điều kiện cho nông dân sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, bao gồm đất trồng lúa, để đạt thu nhập cao hơn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thuận lợi thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực chất, hiệu quả hơn.

 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích, động viên, thu hút các đơn vị khoa học không thuộc nhà nước và kinh tế tư nhân vào nghiên cứu, chuyển giao  TBKHCN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thưa Thứ trưởng?

Trong Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông: xã hội hoá hoạt động khuyến nông, đa dạng hoá dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tham gia hoạt động khuyến nông. Hay Thông tư 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính Quy định một số mức hỗ trợ đối với đối tượng chuyển giao công nghệ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước: được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu học (không bao gồm tài liệu tham khảo); được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại...

Từ năm 2018 - 2021, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao ngoài nhà nước đã tham gia chủ trì dự án khuyến nông Trung ương, hoạt động đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền khuyến nông với 27/170 dự án khuyến nông trung ương (chiếm 15,9%). Các dự án tập trung vào sản xuất hàng hoá, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số đối tượng cây trồng, vật nuôi như: sản xuất giống lúa F1, sản xuất lúa gạo, lợn hữu cơ, cây ăn quả,...

Bộ cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ban hành nguyên tắc hợp tác công tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông, trong đó quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung hợp tác giữa Trung tâm với các đơn vị ngoài nhà nước.

Trên cương vị kiêm nhiệm Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, ông có khuyến nghị gì tới hội viên, người làm vườn và các cấp Hội trong việc nâng tầm kinh tế VAC, kinh tế vườn?

Để nâng tầm kinh tế VAC, kinh tế vườn, hội viên, người làm vườn và các cấp Hội cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa những người làm VAC, làm vườn nhằm xây dựng và phát triển kinh tế VAC, kinh tế vườn nói chung và những sản phẩm chủ lực nói riêng như sản phẩm OCOP, cấp mã số vùng trồng nhằm tăng giá trị thu nhập cho hội viên.

Cập nhật TBKHKT trong sản xuất nông nghiệp. Thay đổi nhận thức, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất, từng bước phát triển hàng hóa quy mô hộ gia đình và trang trại theo hướng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.

Phát triển kinh tế VAC gắn với du lịch sinh thái, sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển du lịch nông nghiệp.

Nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt thời cơ và tiềm năng, thế mạnh, tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế VAC phát triển lên tầm cao mới. Đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển nhân rộng các điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, thực hiện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu...

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

 

Hoàng Văn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top