Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 9 năm 2017 | 2:28

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nông dân

Để giúp nông dân khởi nghiệp thành công, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ bản thân người nông dân cần có tinh thần “chiến binh” với quyết tâm cao khi tham gia “trận chiến” kinh tế mà tinh thần này phải thể hiện ở nhiều góc độ từ chính sách của nhà nước tới tư tưởng, tinh thần của từng lãnh đạo bộ, ngành.

Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Không đơn giản

Khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn vì đây là lĩnh vực đầy rủi ro cần đầu tư lâu dài. Do vậy, cần nhiều yếu tố để tạo nên phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực quan trọng này. Đó là ý kiến của ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị “Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức tại Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm này,  ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh, khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay đang dần trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi nông nghiệp vốn là một lợi thế đặc biệt của đất nước và khởi nghiệp là phương thức hữu hiệu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Cũng theo ông Tùng, mặc dù có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, khí hậu thích hợp nhưng lĩnh vực nông nghiệp còn có nhiều khó khăn và chịu nhiều rủi ro. Đơn cử Trung Quốc mua thanh long của Việt Nam với giá 400 USD, sau khi phân loại, chiếu xạ xuất khẩu sang nước khác với giá loại 1 là 1.300 USD, loại 2 là 2.500 USD …, còn loại 400 USD thì để dùng trong nước. "Điều này chứng tỏ nông dân Việt Nam rất thiệt thòi do chưa đầu tư được cơ sở chiếu xạ...", ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, chưa đủ hệ thống phát triển thành cộng đồng và hệ sinh thái. Sản xuất nông nghiệp đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng, canh tác, dịch vụ còn nhiều yếu kém. Các doanh nghiệp mới chỉ chú ý đến sản xuất và chế biến thô mà chưa chú trọng về sản xuất tinh cũng như các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác. Hầu hết các doanh nghiệp tập trung ở các vùng có điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, một số chính sách về đất đai, tín dụng, về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế, chậm sửa đổi so với thực tiễn. Đặc biệt, tính ổn định của quy hoạch trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa bền vững, việc quản lý thực hiện quy hoạch chưa chặt chẽ, thiếu chế tài. Công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện còn chậm. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Toàn cảnh tọa đàm.

Cần tinh thần "chiến binh"

Theo ông Tùng, để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Cụ thể, nông dân, DN khởi nghiệp trong nông nghiệp cần được tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế. Do vậy, họ cần được tạo điều kiện ưu tiên tham gia thị trường mua sắm công; tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm. Hàng hóa của DN khởi nghiệp cần được thường xuyên cập nhật, công nhận để có thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới của mình trong nước và XK. Các DN khởi nghiệp cũng cần được thường xuyên tham gia các hội chợ, hội nghị về khởi nghiệp trên thế giới, được truyền thông rộng rãi về sản phẩm, dịch vụ để mở rộng mạng lưới khách hàng.

Liên quan tới vấn đề khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt nhấn mạnh vào người nông dân khởi nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận: Khởi nghiệp trong nông nghiệp cần có tinh thần  “chiến binh” ra mặt trận với quyết tâm cao. Tinh thần này phải thể hiện rõ từ tầm chính sách phát triển của Chính phủ đến tư tưởng, tình thần của lãnh đạo các cấp và ở từng người nông dân cụ thể.

Hiện nay, các giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra cho nông dân khởi nghiệp chưa thể hiện rõ tinh thần “chiến binh” này nên khó kêu gọi các “chiến sỹ nông dân” tham gia “mặt trận” kinh tế.

“Theo tôi, cần xác định rõ nông dân khởi nghiệp cần gì để hỗ trợ cho kịp thời, phù hợp. Trước hết, cái nông dân cần chính là nguồn vốn. Vốn ở đâu, tiếp cận như thế nào cho thuận tiện… phải làm cho rõ ràng. Thứ hai, muốn tiến vào thị trường phải hiểu thị trường, biết thị trường có bao nhiêu rào cản, khó khăn… Nắm được thông tin thị trường, người nông dân khởi nghiệp mới có thể đưa ra quyết định lựa chọn đầu tư, kết hợp với các DN, nhà hoa học như thế nào…Hiện, khâu thông tin thị trường chưa được đáp ứng thỏa đáng”, ông Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thủy, về phương diện chính sách pháp luật, hiện người nông dân còn quá “lắc lư, dễ ngã” khi không hiểu được đầy đủ. Đây là yếu tố mà nhà nước cần hỗ trợ tích cực hơn.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên bổ sung: Phải có pháp luật để bảo vệ người nông dân khởi nghiệp, tuy nhiên bản thân người nông dân cũng phải hiểu pháp luật, nắm được pháp luật, trên cơ sở đó biến pháp luật trở thành công cụ của mình. Ngoài ra, tinh thần “chiến binh” trong khởi nghiệp không chỉ thể hiện ở việc sẵn sàng “xung phong” vào “trận chiến” kinh tế mà còn phải biết lựa chọn phát triển các sản phẩm đẳng cấp để phát triển. Khởi nghiệp khác với lập nghiệp thông thường. Khởi nghiệp gắn liền với ý tưởng kinh doanh, tinh thần đổi mới sáng tạo .

Để khởi nghiệp thành công và hiệu quả, ông Lại Xuân Môn đề nghị 300 đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham dự hội nghị cần thay đổi, nâng cao về nhận thức, trình độ sản xuất; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn; từ hộ gia đình sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang công nghệ cao; từ coi trọng sản lượng sang chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.

Để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, ông Tùng cũng cam kết, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng các trung tâm chiếu xạ nhằm hỗ trợ nông dân có cơ hội xuất khẩu nông sản đi các nước. Đồng thời, kiến nghị các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia thị trường, kinh doanh dịch vụ mới và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp.

"Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp cần được tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế. Do vậy, họ cần được tạo điều kiện ưu tiên tham gia thị trường mua sắm công; tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp khởi nghiệp cần được thường xuyên cập nhật, công nhận để họ có thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới của mình trong nước và xuất khẩu...", ông Tùng nêu rõ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường (Bộ KH&CN) cũng khẳng định, khởi nghiệp trong nông nghiệp muốn thành công thì phải ứng dung khoa học công nghệ. "Đầu tiên là ứng dụng giống mới, sản xuất theo quy trình, chất lượng. Ở mức độ cao hơn thì phát triển mô hình thành doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết viện, trường để có thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất, gần gũi nhất", ông Đích nói.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top