Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2018 | 4:46

Không để Thủ đô thiếu hàng, sốt giá dịp Tết Mậu Tuất - 2018

Dự kiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết trên địa bàn tăng 15-18% so với các tháng trong năm. Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa khoảng 26.000 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng cho dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Hà Nội đảm bảo bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Chủ động nguồn hàng cung ứng

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường phục vụ Tết Mậu Tuất 2018, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ nhiều tháng nay, với tổng lượng hàng hóa khoảng 26.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại (Hapro), cho biết, Hapro đã chủ động chuẩn bị phục vụ Tết từ rất sớm, đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và giá cả hàng hóa để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Phục vụ nhân dân dịp Tết, các điểm kinh doanh của Hapro sẽ phục vụ đến chiều tối 30 Tết, một số địa điểm dịch vụ sẽ phục vụ xuyên Giao thừa. Một số địa điểm tại trung tâm thành phố, nơi tập trung nhiều du khách nước ngoài sẽ mở cửa bán hàng ngay sáng mồng Một Tết. Các địa điểm khác sẽ mở cửa lần lượt ngày mồng Hai và mồng Ba. Đến ngày mồng Bốn, toàn hệ thống sẽ mở cửa phục vụ người dân bình thường.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc vùng vận hành Vinmart miền Bắc - Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thành viên tập đoàn Vingroup), chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng Vinmart đã tổ chức 446 điểm bán để phục vụ nhân dân dịp Tết với lượng hàng hóa dự trữ phong phú, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tại mỗi siêu thị Vinmart đều có 1 phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Dự kiến, lượng người mua sắm sẽ tăng cao trong dịp Tết, hệ thống Vinmart đã bố trí tăng thêm 30% nhân lực và 30% quầy thanh toán, đảm bảo phục vụ thuận lợi, nhanh chóng nhất cho người dân.

Với hệ thống siêu thị Fivimart, đơn vị đã có 20 năm kinh nghiệm phục vụ Tết, và doanh thu Tết năm sau đều cao hơn Tết năm trước, bà Vũ thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - đơn vị sở hữu hệ thống Fivimart cho biết, đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết tăng 30% so với dịp Tết năm trước. Đặc biệt, Tết năm nay, Fivimart đẩy mạnh phục vụ hàng nông sản, rau củ quả, nhất là nhóm hàng đặc sản vùng miền của các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, các tỉnh ĐBSCL… Fivimart cũng chuẩn bị các giỏ quả Tết 100% hàng nội địa để phục vụ nhu cầu của người dân.

Là đơn vị cung cấp lượng thực phẩm tươi sống lớn cho địa bàn Thủ đô, đại diện Công ty Hải Anh cho biết, đơn vị đã chuẩn bị trên 60.000 con lợn, tương đương 7.000 tấn thịt lợn tươi; đồng thời dự trữ 500 tấn thịt đông lạnh để cung cấp đảm bảo nhu cầu trong dịp Tết Mậu Tuất.

Các đơn vị kinh doanh khác như Công ty An Việt, Công ty Ba Huân, Công ty Bánh mứt kẹo Tràng An cũng đều dự trữ lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu Tết của người dân Thủ đô.

Đảm bảo bình ổn thị trường trong dịp Tết

Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, nhằm tạo thuận lợi cho bà con khu vực ngoại thành mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết, từ nay đến Tết Mậu Tuất, Hà Nội sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Sở cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sử dụng tối đa công suất hệ thống mạng lưới bán hàng dịp Tết, tổ chức các chương trình khuyến mại, hậu mãi, bố trí, sắp xếp hàng hóa phù hợp, ngăn nắp, đảm bảo văn minh thương mại, trong đó chú trọng đến các nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết. Bố trí, tăng cường quầy thanh toán, tăng cường cán bộ nhân viên phục vụ, hướng dẫn khách đến mua hàng tránh tình trạng ùn tắc khi mua sắm, thanh toán, đặc biệt trong những ngày giáp Tết khi sức mua tăng.

Sở Công Thương TP.Hà Nội chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đảm bảo không gây cản trở lưu thông hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết Mậu Tuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận nhằm kết nối tạo nguồn hàng phong phú, ổn định, đảm bảo cung ứng cho thị trường Thủ đô. Thứ trưởng lưu ý: cần theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng để đảm bảo ổn định thị trường trong thời gian trước, trong và sau Tết, đặc biệt là thời điểm sau Tết thường hay có tâm lý lơ là, chủ quan.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị hàng hóa, điểm bán hàng Tết; chuẩn bị bán hàng lưu động.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến thời điểm này, mặt bằng thu mua giá lúa năm 2017 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có biến động tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và ở mức hợp lý có lợi cho nông dân. Tại miền Bắc, giá thóc, gạo có những thời điểm tăng nhẹ, nhưng nhìn chung khá ổn định so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, nguồn gạo trong nước hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong dịp Tết Nguyên đán 2018.

Với mặt hàng đường, hiện đã vào vụ đường mới, dự báo giá đường trong thời gian tới có xu hướng ổn định mặc dù nhu cầu tiêu thụ đường cao để sản xuất bánh kẹo, đồ uống… phục vụ Tết Nguyên đán. Mặt hàng muối do ảnh hưởng của bão liên tiếp gây mưa nhiều nên sản lượng đạt thấp, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, dự báo giá có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, nhưng không có biến động lớn vì nguồn cung tương đối ổn định. Trong tháng 12, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước biến động tăng phổ biến trong khoảng 27.000-35.000 đ/kg. Dự báo vào thời điểm Tết, giá lợn có xu hướng tăng.

Hiện tại, thời tiết khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá hầu hết của các mặt hàng rau củ có xu hướng ổn định hơn tháng trước, nhiều mặt hàng bắt đầu vào vụ nên giá giảm nhẹ như bắp cải, su hào, cam… Thời gian tới, nếu không có biến động lớn về thời tiết khí hậu thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2018. Về thủy hải sản, giá cá tra thương phẩm tăng từ đầu năm và hiện ở mức 25.000- 27.000 đồng/kg (với mức giá này người nuôi lãi 4.000-6.000 đồng/kg)... 

Nhằm bình ổn thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y nhằm đảm bảo đủ nguồn cung, có chất lượng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Đối với ngành nông nghiệp, trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo sản xuất, tình hình sản xuất, cung ứng hàng nông sản trong quý I/2018 không có biến động lớn, đảm bảo nhu cầu dịp Tết. Tuy nhiên, có thể xảy ra thiếu cục bộ ở một số mặt hàng nhất định do ảnh hưởng của thời tiết”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhận định.

Khánh Nguyên

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top