“Vùng Đông Nam Bộ chưa định hình được mục tiêu đầu tàu phát triển; chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò "hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt" của TP. Hồ Chí Minh; tư duy phát triển quốc gia và phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy “ăn đồng – mặc đủ”. Bên cạnh đó, cơ chế phân cấp, phân quyền vùng Đông Nam Bộ hiện đang không hợp lý”, đó là một trong những ý kiến của đại biểu phát biểu tại Diễn đàn kinh tế khu vực Đông Nam Bộ lần II với chủ đề: “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng” được diễn ra chiều ngày 26/9 tại TP. Hồ Chí Minh do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Nguyên nhân đẩy lùi sự phát triển của khu vực ĐNB
Sau Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ (ĐNB) lần thứ I diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2016, đại diện đơn vị chủ trì diễn đàn cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực ĐNB đều đưa ra những nhận định vùng ĐNB đứng trước một cơ hội lớn, cơ hội phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững, với đòn bẩy liên kết thành một không gian kinh tế thống nhất, có sự quy hoạch tổng thể chung của vùng bao gồm cả quy hoạch phát triển, xây dựng, vùng nguyên liệu, các cụm, chuỗi, khu công nghiệp, đô thị, kết nối hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường. Tuy nhiên, trước cơ hội lớn dường như khu vực ĐNB phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Đại diện các ban ngành cùng gần 500 doanh nghiệp đến dự buổi diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, vùng ĐNB và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Khu vực ĐNB đang hội tụ những lợi thế vượt trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này được minh chứng khi khu vực ĐNB đóng góp tới 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia. Cùng với đó, mức GDP tính theo đầu người cao gấp gần 2,5 lần mức bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. Trong những năm gần đây, vùng ĐNB đã thu hút và phát triển được nhiều ngành nghề ở mọi lĩnh vực, trong đó có những ngành nghề mũi nhọn như, khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, công nghệ tin học, hóa chất cơ bản, phân bón và vật liệu đã tạo động lực cho sự phát triển công nghiệp hóa của vùng và cả nước.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, vùng ĐNB phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thứ nhất, vùng ĐNB về cơ bản vẫn chưa chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng với giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, trong đó hàm lượng công nghệ và tri thức đóng vai trò quyết định. Thứ hai, là kết cầu hạ tầng của vùng chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế và xã hội. Thứ ba, là chất lượng đô thị còn thấp, các khu công nghiệp chồng chéo về chức năng, các trung tâm đô thị trong vùng kém kết nối cả về giao thông, chức năng kinh tế và dịch vụ xã hội. Thứ tư, là chậm hình thành các trung tâm khoa học, công nghệ sáng tạo trình độ quốc tế, ít sáng chế công nghệ, đóng góp khoa học công nghệ chưa cao vào mô hình tăng trưởng. Thứ năm, là thiếu sự phối hợp của các tỉnh trong khu vực ĐNB điều này dẫn đến chậm hình thành một không gian kinh tế vùng thống nhất. Thứ sáu, hoạt động của tổ chức vùng kinh tế trọng điểm đạt hiệu quả chưa cao.
Vùng Đông Nam Bộ trong chiến lược phát triển quốc gia
Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh vai trò kết nối của doanh nghiệp.
“Trong bức tranh chung kết nối kinh tế, liên kết vùng hay phạm vi cả nước, chúng ta hiểu về bản chất cuối cùng vẫn là sự kết nối của doanh nghiệp. Nếu ở đâu không thực hiện sự kết nối doanh nghiệp thành công là thực chất ở đó không có sự liên kết vùng. Các cơ quan chính quyền chỉ có thể tạo ra không gian kết nối, tạo ra cơ sở hạ tầng cần cho kết nối và xây dựng thể chế để thúc đẩy còn hành động kết nối cụ thể đó chính là hành động của doanh nghiệp và khẳng định doanh nghiệp là động lực chính của sự phát triển”, ông Lộc nói.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương và VCCI tặng hoa lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng ĐNB, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này thể hiện trong việc hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, có vị thế là trung tâm lớn nhất, đi đầu và đóng vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế cả nước. Minh chứng cho điều này, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng khu vực ĐNB là vùng kinh tế năng động, có sức hấp dẫn đầu tư mạnh nhất cả nước, dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư nước ngoài luôn đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Tính đến nay, vùng chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các đại biểu tham dự đi thăm quan một số gian hàng được trưng bày trong khuôn khổ của diễn đàn
Bên cạnh thuận lợi, PGS. TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập làm giảm sự phát triển kinh tế của vùng. Cụ thể, vùng ĐNB chưa định hình được mục tiêu đầu tàu phát triển; chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò "hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt" của TP. Hồ Chí Minh. Tư duy phát triển quốc gia và phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy “ăn đồng – mặc đủ”. Bên cạnh đó, cơ chế phân cấp, phân quyền vùng ĐNB hiện đang không hợp lý. PGS. TS Trần Đình Thiên dẫn ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh trung tâm phát triển vùng, dù có đủ thế và lực nhưng vẫn không thể tiến vượt lên, không thể lan tỏa phát triển. Cùng với đó là tình trạng cục bộ địa phương, xung đột lợi ích, cùng việc phân bổ nguồn lực không đúng, chưa tương xứng vai trò, vị thế là những nguyên nhân quan trọng kéo giảm sự phát triển kinh tế của khu vực ĐNB.
Mạnh Tiến
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.