Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 11 năm 2017 | 2:27

Kiến nghị của ngành chăn nuôi: Đánh giá lại hoạt động “tạm nhập tái xuất”­

Để gỡ khó cho ngành chăn nuôi, người chăn nuôi, mới đây, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam có Công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày những kiến nghị và đề xuất một số giải pháp, trong đó có 2 đề xuất lớn là xem lại chính sách tạm nhập tái xuất và cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những việc nông dân không làm được.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi.

Khuyến khích doanh nghiệp đảm nhận những việc nông dân không làm được

Trong công văn, ông Vang nêu rõ: Nhờ được sự quan tâm và chỉ đạo bằng các chủ trương, chính sách cụ thể, đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, có lúc đã trở thành trụ đỡ cho kinh tế đất nước và nông thôn đang ngày một đổi mới, đời sống nông dân giảm đi nhiều khó khăn, có cuộc sống ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của hội nhập quốc tế, nông sản Việt Nam đang và sẽ chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt mà tự nội tại của ngành nông nghiệp và nông dân không thể tự giải quyết được.

Và thế mạnh về thiên nhiên, sự cần cù và số đông người dân tham gia sản xuất nông nghiệp sẽ là những hệ lụy về xã hội, kinh tế và môi trường mà trong thực tiễn đã xuất hiện, như: nông sản không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp, thậm chí dưới giá thành, phần thua thiệt này chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất, nhất là nông dân.

Thực trạng của ngành hàng thịt lợn và người chăn nuôi lợn vừa qua là những minh chứng điển hình. Sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm giảm thiểu đáng kể sự thua lỗ cho người chăn nuôi lợn trong nước thời gian vừa qua nhưng điều đáng nói là, khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng.

Theo ông Vang, nông nghiệp có thể giảm dần vai trò, vị trí trong nền kinh tế quốc dân, nhưng lực lượng nông dân thì còn rất đông, họ đã và luôn một lòng đi theo cách mạng, nhưng nay thì họ ngày càng trở nên yếu thế. Nông nghiệp không phải chỉ có nông sản mà quan trọng đó là nông dân, nông thôn.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, ông Vang kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng phải lựa chọn những khâu mà nông dân không làm được, như: giống, vật tư đầu vào và chế biến nông sản, kết nối thị trường. Riêng khâu nuôi, trồng, sơ chế thì cần tạo điều kiện để người nông dân làm dưới hình thức mô hình hợp tác xã, hoặc gia công, sản xuất nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Nội dung này cần được luật hóa trong Luật Chăn nuôi.

Kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm bằng các quy trình quy phạm. Phải quyết tâm cao để thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nông dân, trong đó có không ít doanh nghiệp trong nước không còn phù hợp để sản xuất được các nông sản chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường. Không nhất thiết phải sản xuất ra thật nhiều nông sản có chất lượng thấp mà không tiêu thụ được (có thể cho đất nghỉ, để tái tạo còn hơn sản xuất ra nhiều nông sản mà không bán được hoặc bán dưới giá thành…).

Xem lại chính sách tạm nhập tái xuất

Về vấn đề thị trường, ông Vang kiến nghị, phải giữ và mở rộng không gian cho thị trường nông sản Việt Nam, trong đó, cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, phải được khai thông và khai thác thực sự có hiệu quả. Chính thị trường này mới là tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi và thủy sản nước ta. Do vậy, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất của nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường này, thì vấn đề kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Việc làm này vừa được Nhà nước Trung ương Trung Quốc ủng hộ, vừa giữ được không gian thị trường nông sản cho Việt Nam.

Ông Vang nêu một thực tế, hiện nay, khối lượng mặt hàng này (tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc) là rất lớn, khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra). Mặt khác, sản phẩm các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất này đều là thứ phẩm của các nước phát triển với giá rất rẻ, do người tiêu dùng ở các nước này ít sử dụng làm thực phẩm, nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi, như cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm của các nước phát triển và thịt trâu, bò của các nước có tôn giáo không dùng thịt mà chỉ dùng sữa như Ấn Độ…

Phản ánh của các doanh nghiệp và những người dân chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên giữa hai nước Việt - Trung là mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó đặc biệt là với mặt hàng lợn thịt. Vì ngoài giá rẻ (thậm chí có thông tin là không ít cơ sở chế biến của nhiều nước phát triển còn “bán như cho không”) được nhập lậu vào Trung Quốc, hoàn toàn trốn thuế, trốn kiểm dịch, nên khả năng cạnh tranh về giá cũng như “thủ tục” với những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của Việt Nam là rất lớn. Cũng không loại trừ khả năng được “giữ lại một phần” tiêu thụ ngay trong nước gây xáo trộn, lũng đoạn thị trường Việt Nam và là nguồn dịch bệnh, thực phẩm không an toàn.

Ông Vang cho biết, hiện nay, phía Trung Quốc đã có cơ chế thí điểm để Myanmar được xuất bán thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm sống vào Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam. Trong khi tỉnh Quảng Tây cũng đang xúc tiến và rất muốn được sự cho phép của hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam để triển khai mô hình này, vì so với các đối tác trong ASEAN thì Việt Nam có tiềm năng và lợi thế nhất để thực hiện chương trình hiện đại hóa một số cửa khẩu trong trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó sẽ chuyển mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản thực phẩm từ tiểu ngạch sang chính ngạnh nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, theo ông Vang, số liệu từ Tổng cục Thống kê hiện không chính xác ở chỗ hàng năm ta sản xuất được khoảng 4,1 triệu tấn thịt lợn (năm 2016 - 2017 được 4,2 - 4,3 triệu tấn) nhưng chỉ thống kê có 3,6 triệu tấn, 2,5 triệu tấn gia cầm nhưng chỉ thống kê có 960.000 tấn. Chính từ những con số thống kê sai này đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch, dự báo, chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi.

 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho điều tra, giám sát, đánh giá đầy đủ về bản chất của hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng thực phẩm đông lạnh và cân nhắc tới lợi ích quốc gia, lợi ích lâu dài cả về kinh tế và ngoại giao của đất nước so với lợi ích trước mắt khi chỉ có một nhóm người được hưởng lợi, mà hưởng nhiều vẫn là “thương lái” Trung Quốc. Còn nguồn thu từ phần phí dịch vụ của các tỉnh vùng biên là không đáng kể, nếu so với những tổn thất về hạ tầng cầu cảng, giao thông của nhà nước đã đầu tư và nông sản trong nước không tiêu thụ được.

Khánh Nguyên

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top