Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 10 năm 2017 | 3:24

Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2017 có thể đạt 7 tỷ USD

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam đạt khoảng 6,8 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỉ USD. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu G&SPG trong năm 2017 có thể đạt con số trên 7 tỉ USD.

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới năm 2017: Diễn biến mới về thị trường” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức sáng ngày 5/10 tại Hà Nội.

Tăng trưởng ổn định

Theo đánh giá của TS.Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), hầu hết tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường tiêu thụ truyền thống, là những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu G & SPG của Việt Nam vào 5 thị trường này chiếm gần 90% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu G & SPG của Việt Nam. Với vai trò quan trọng như vậy, tăng trưởng ở 5 thị trường này là động lực chính cho phát triển ngành gỗ. Bên cạnh đó, những biến động ở các thị trường này cũng tác động mạnh đến sự hoạt động và phát triển của ngành gỗ Việt Nam.

Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ G & SPG quan trọng nhất của Việt Nam, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt được từ thị trường này lên tới trên 2,5 tỉ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu G & SPG của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu G & SPG của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 2017 đạt trên 554 triệu USD, tăng 26% so với kim ngạch 6 tháng cùng kỳ của năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2017. Ảnh: baochinhphu.vn.

Gỗ nguyên liệu là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Trung Quốc, chiếm trên 80% kim ngạch trong tổng giá trị xuất khẩu G & SPG của Việt Nam sang thị trường. Dăm gỗ và gỗ xẻ là hai trong số các mặt hàng gỗ nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kim ngạch lớn nhất. Đối với dăm gỗ, trong 6 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu tăng 43% về lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Nhật Bản là một trong 3 thị trường tiêu thụ G & SPG lớn nhất của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). Bình quân kim ngạch xuất khẩu G & SPG Việt Nam đạt được từ thị trường này khoảng gần 1 tỉ USD mỗi năm.

EU cũng là một trong những thị trường tiêu thụ các mặt hàng G & SPG quan trọng nhất của Việt Nam. Hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai quốc gia lên tới khoảng 800-900 triệu USD, với khoảng 80% trong đó là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; 20% còn lại là kim ngạch của chiều ngược lại. Khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tương đương trên dưới 650 triệu USD, từ EU là từ nhóm các mặt hàng đồ gỗ.

Cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu nguồn gỗ sạch

Cũng theo TS.Tô Xuân Phúc, chỉ cần một thay đổi nhỏ ở các thị trường xuất khẩu chính cũng có thể gây ra những tác động đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử như chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa của Chính phủ Hoa Kỳ và kế hoạch của chính phủ nhằm cân thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác, bao gồm cả với Trung Quốc có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Các biện pháp siết chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc có thể làm cho việc xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, tháng 5/2016, Chính phủ Nhật Bản thông qua Đạo luật về tăng cường phân phối và sử dụng các gỗ khai thác hợp pháp (hay còn gọi là Đạo luật gỗ sạch (Clean Wood Act). Để thực hiện đạo luật này, chính phủ cần phải ban hành 1 chính sách và 2 nghị định, nhằm chi tiết hóa các quy định về trách nhiệm giải trình cho các công ty cũng như khung pháp lý và hệ thống thực thi chính sách và các nghị định này. Tháng 5/2017, Chính phủ cũng ban hành các quy định về để thực hiện chính sách và các nghị định.

"Khi Đạo luật gỗ sạch của Nhật Bản đi vào hoạt động, với yêu cầu trách nhiệm giải trình được áp dụng với tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đi vào thị trường này có thể sẽ gặp khó khăn hơn", ông Phúc nói.

Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết thực hiện việc loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi thị trường này vào năm 2012. Cam kết này thể hiện trong Đạo luật Lâm nghiệp được ban hành trong năm này. Bên cạnh đó, vào tháng 3 năm 2017, Cơ quan quản lý lâm nghiệp của Hàn Quốc thông báo Đạo luật sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) trong đó bao gồm những điều khoản nhằm quản lý việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ vào quốc gia này.

Đạo luật sử dụng gỗ bền vững sẽ có hiệu lực vào ngày 22 tháng 9 năm 2017, tuy nhiên các điều khoản có liên quan đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ 22 tháng 3 năm 2018, sau khi đã được chỉnh sửa. Chính phủ Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn việc thực thi các điều khoản này và cung cấp thêm các thông tin có liên quan đến phạm vi của các điều khoản, trong đó bao gồm làm thế nào những nhà nhập khẩu có thể tuân thủ và đưa ra các bằng chứng xác đáng về sự tuân thủ đó trong tương lai. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu không loại bỏ nguồn nguyên liệu gỗ có độ rủi ro cao.

Lệnh cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2017 đang và sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh nguồn cung gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể là một trong những tác động của lệnh cấm này. Tình trạng cạnh tranh trong thu mua gỗ cao su giữa các doanh nghiệp Việt Nam và giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tư thương Trung Quốc đang diễn ra gay gắt, điều này dẫn đến giá gỗ nguyên liệu cao su tăng khoảng 40% từ đầu 2017 đến nay. 

Hiện nay chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc khả năng áp dụng cách tiếp cận từng bước (stepwise) trong việc đưa ra các quy định hướng tới việc việc thiết lập hệ thống kiểm soát gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu, trong đó bao gồm các biện pháp xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Là thị trường khổng lồ cho việc tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới, áp dụng hệ thống kiểm soát này trong tương lai sẽ có tác động đến rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Phúc, loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu "sạch" là nhu cầu cấp bách. Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. Để làm điều điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương.

Anh Thơ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top