Nguồn cung tôm thế giới tăng mạnh trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam. Mặc dù có nhiều tín hiệu tốt từ thị trường, tuy nhiên xuất khẩu tôm trong năm 2018 chỉ có thể đạt khoảng 3,7-3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017, thay vì con số trên 4 tỷ USD như dự báo hồi đầu năm.
Giá tôm vẫn chưa phục hồi
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ quý 2/2018 đến nay, xuất khẩu tôm vẫn trong xu hướng sụt giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 và thể hiện rõ trong quý 3 năm nay.
Cụ thể, trong tháng 7/2018, xuất khẩu tôm giảm đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh. Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm tới 47% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ giảm lần lượt 15% và 18%. Ngay cả, xuất khẩu tôm sang 2 thị trường có nhu cầu ổn định và chưa từng ghi nhận tăng trưởng âm từ đầu năm tới nay là EU và Hàn Quốc cũng lần lượt giảm đến 14,6% và 10%.
Xu hướng sụt giảm này tiếp tục duy trì sang tháng 8/2018, với giá trị xuất khẩu giảm 17% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm liên tục về giá trị xuất khẩu trong những tháng gần đây đã khiến xuất khẩu tôm của cả nước trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì những kỳ vọng tăng trưởng trước đó.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký của VASEP, việc xuất khẩu tôm sụt giảm trong thời gian qua chủ yếu là do tác động của giá tôm nguyên liệu giảm ảnh hưởng tới giá xuất khẩu, tồn kho cao khiến nhu cầu giảm từ các thị trường chính.
Bên cạnh đó, các rào cản thương mại và biện pháp bảo hộ thị trường trong nước từ các thị trường nhập khẩu chính ngày càng tăng cũng tác động đến tình hình xuất khẩu tôm trong thời gian qua.
Trong quý 2/2018, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh so với các tháng trước đó, thậm chí có thời điểm giảm đến 30%. Giá tôm nguyên liệu tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… cũng giảm mạnh trong bối cảnh các nước đồng loạt thu hoạch khiến nguồn cung dư.
Ngoài ảnh hưởng của giá tôm giảm thấp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng cho biết trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu giảm thấp, trong vài tháng gần đây, người nuôi tôm ở các nước có nguồn cung lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam... có xu hướng giảm thả nuôi, khiến giá tôm nhiều thời điểm có xu hướng nhích lên.
Tuy nhiên, đồng USD tăng quá mạnh so với một số loại đồng tiền khác khiến các nhà nhập khẩu buộc phải giảm giá mua tôm để bù phần chênh lệch tỷ giá khi bán lẻ. Do vậy, cơ hội để giá tôm nhích lên và phục hồi là rất khó khăn. Giá tôm có xu hướng nhích lên nhưng cũng không đủ bù đắp so với tác động của đồng USD tăng cao.
Riêng ở thị trường Mỹ, do tác động của thuế chống bán phá giá cao nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm kể từ năm 2017 đến nay. Hiện Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Thị trường xuất hiện tín hiệu khả quan
Đánh giá về cung cầu tôm thế giới, ông Phạm Hữu An, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Lộc Nguyên cho biết nhu cầu tôm của thế giới sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian tới. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tôm của thế giới đến năm 2020 là 5,2 triệu tấn, đến năm 2025 sẽ là 6,5 triệu tấn.
Nhu cầu tôm của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản cũng liên tục tăng và sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào hai thị trường này còn rất khiêm tốn.
Năm 2017, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ mới chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu nhập khẩu tôm của quốc gia này. Đối với Nhật Bản, một thị trường ưa chuộng sản phẩm tôm, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng mới chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu nhập khẩu.
Theo ông Phạm Hữu An, trình độ nuôi tôm chân trắng của Việt Nam khá cao và có nhiều tiềm năng có thể phát triển nuôi tôm sú. Do đó, dư địa để xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ và Nhật Bản là rất lớn.
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả cuối cùng vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016-31/1/2017. Theo đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta - bị đơn bắt buộc duy nhất của đợt xem xét hành chính lần này có mức thuế là 4,58%. Đây cũng là mức thuế áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam còn lại là bị đơn của vụ kiện.
Như vậy, so với mức thuế sơ bộ của POR12 được DOC đưa ra hồi đầu tháng 3/2018 là 25,39%, thì mức thuế cuối cùng này đã thấp hơn rất nhiều. Mức thuế POR12 này cũng khả quan hơn so mức thuế 4,78% trong POR11.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, với mức thuế này, các doanh nghiệp bán tôm vào thị trường Mỹ theo giá DDP (giao hàng đã trả thuế hoặc đã thông quan nhập khẩu) đã đặt cọc tiền thuế theo mức 4,78% thì có thể thanh khoản, thu hồi được một khoản tiền, tuy không lớn.
Bên cạnh đó, việc thuế POR12 được điều chỉnh xuống thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ cũng giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.
Còn tại thị trường EU, đại diện VASEP cũng cho biết xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và được lợi khi 2 đối thủ cạnh tranh (Ấn Độ và Thái Lan) đều giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh với Ecuador trên thị trường EU.
Thị trường EU có xu hướng tăng nhu cầu đối tôm hấp nguyên liệu để phục vụ chế biến và tái xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về trách nhiệm với môi trường, xã hội cũng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Do vậy, để tận dụng ưu đãi từ thị trường EU, các chuyên gia cho rằng ngành tôm Việt Nam nên tập trung tăng số lượng trại nuôi được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, đồng thời, tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này.
Cũng theo các chuyên gia, hiện đang vào thời điểm tiêu thụ tôm ở các thị trường nhập khẩu tăng cao, do chuẩn bị cho các dịp lễ Tết lớn cuối năm.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt cho các đơn hàng đã ký, kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm cũng như dư lượng kháng sinh có trong sản phẩm. Điều này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của ngành tôm Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa như hiện nay./.