Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 2 năm 2019 | 9:13

Kon Plông: Trồng xen cây dược liệu trong vườn cà phê

Trồng xen cây dược liệu trong vườn cà phê đang là hướng đi bền vững để thoát nghèo, làm giàu cho bà con huyện Kon Plong (Kon Tum).

 Thực hiện Nghị Quyết của Chính phủ về việc quy hoạch, phát triển dược liệu đến năm 2020, và định hướng đến 2030, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã vận động nhân dân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tập trung phát triển cây dược liệu, để từng bước giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

 

dl-666.jpg

 Cán bộ Phòng Nông nghiệp Kon Plong thăm khu vườn trồng xen đương quy/cà phê của chị Y Duân. Ảnh Hồng Thoan

 

Ông A Thô, trú tại thôn Đăk Ne, xã Măng Cành cho biết: Được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, đồng thời, cán bộ huyện thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên năm qua, tôi đã trồng được 700m2 cây đương quy.

Sau gần một năm chăm bón, vườn đương quy của tôi đã thu hoạch được 2 tạ củ, với giá 40 ngàn đồng/kg, thu về 8 triệu đồng, gấp nhiều lần so trồng mì, bắp....

Đang thu hoạch cây đương quy trong vườn nhà, chị Y Rá,  thôn Măng Mô, xã Măng Cành, cho biết: tôi mới trồng được 300m2 cây đương quy, nhưng đã được HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn ký hợp đồng thu mua, nên rất phấn khởi. Phấn đấu năm tới, sẽ mở rộng diện tích cây đương quy, khoảng 1 sào, là sẽ thoát nghèo bền vững. 

Ở thôn Kon Vơng Kia 2, xã Đăk Long, chị Y Duân cũng cho biết: Nhờ được hỗ trợ giống, phân bón, nên năm qua, tôi trồng xen đương quy trong vườn cà phê, khoảng 1 sào. Vừa rồi, thu được 1 tạ củ tươi, bán được 4 triệu đồng.

Hiện, vườn nhà có khoảng 1ha cà phê chè mới trồng một năm tuổi, nên năm tới, tôi tận dụng quỹ đất này để trồng xen, chắc chắn sẽ tăng thu nhập. 

Anh Nguyễn Văn Công - cán bộ Địa chính và Nông nghiệp xã Đăk Long cho biết: Toàn xã hiện đã trồng 55,7ha cây dược liệu, trong đó chủ yếu là đương quy.

Do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp, cây dược liệu phát triển tốt. Điều quan trọng là đã có doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên người dân đang mở rộng diện tích trồng đương quy.

Anh Nguyễn Viết Tiến - Phó Giám đốc HTX  Nông nghiệp Tuyết Sơn, cho biết, HTX đã có nhà máy chế biến cao đương quy, bình quân mỗi tuần chế biến 1 tấn củ tươi, thu về khoảng 80kg cao đương quy.

Song, nhà máy không đủ nguyên liệu để chế biến, nên phải nhập thêm ở tỉnh Quảng Nam. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, HTX đã ký hợp đồng  hỗ trợ giống, phân bón và đầu ra sản phẩm để bà con  yên tâm phát triển. 

Được biết, huyện Kon Plong đã phê duyệt dự án với mục đích quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn dược liệu trồng, và trong tự nhiên. Nhất là chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, phục vụ ngành y tế và kinh tế. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, xuất khẩu.

Hiện, toàn huyện đã trồng được 52,7ha cây dược liệu; trong đó 8,7ha đảng sâm, 8ha sa nhân, 12ha đương quy, 14ha nghệ đỏ, 2ha sả đen, 8ha đinh lăng.

Huyên phấn đấu đến năm 2020, phát triển trên 110ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung, đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường trong đó có ít nhất 50ha đảng sâm và đương quy.

Đồng thời, hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất các loại giống dược liệu, thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở sản xuất và chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết, phục vụ nhu cầu trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu.

Đến năm 2030, huyện sẽ nâng tổng diện tích vùng trồng dược liệu khoảng 2.581ha, trong đó, tập trung các loại chính như: đảng sâm, ngũ vị tử, sa nhân tím, lan kim tuyến, đương quy, nấm dược liệu và các loại dược liệu khác.

Đồng thời, hình thành ít nhất 3 cơ sở sản xuất giống dược liệu. Mỗi năm, ngành dược liệu đóng góp khoảng 30% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp huyện.

Đặc biệt, chú trọng phát triển các vùng dược liệu tập trung. Trong đó, khoanh vùng sản xuất từng loài cây dược liệu, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, gắn với dồn đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn.

Trước mắt, huyện tập trung phát triển một số loại dược liệu có giá trị, tiềm năng lợi thế và phù hợp điều kiện khí hậu của từng tiểu vùng.

Để thực hiện tốt kế hoạch trên, ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plong cho biết: Huyện sẽ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn giảm nghèo miền Trung.  Và của các doanh nghiệp, Trung ương cùng các nguồn hợp pháp khác để phát triển sản xuất.  

Lâm Đồng: 900.000 đồng/kg phúc bồn tử đen

Sau một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, Công ty Dâu rừng Langbian F, đã trồng đại trà cây phúc bồn tử đen thương phẩm, trên 2,5ha nhà kính, tại thôn Đăng Gia Rít B, Thị trấn Lạc Dương. 

 

pbtur-9933.jpg

 Sản xuất phúc bồn tử đen dưới chân núi Langbian, đạt chuẩn Chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản

 

Hiện, đến 19/2, Công ty Dâu rừng Langbian F, bán trái phúc bồn tử đen, hái tươi tại vườn là 900.000 đồng/kg. Mặt khác, Công ty cũng đã chế biến tại chỗ, sản phẩm rượu vang phúc bồn tử đen, với giá 600.000 đồng/chai. Ngoài ra, còn có các sản phẩm nước cốt phúc bồn tử đen khác được bán 500.000 đồng/lít. 

 Được biết, giống phúc bồn tử đen do Công ty Dâu rừng Langbian F, mua về từ châu Âu, sản xuất dưới chân núi Langbian, thuộc Thị trấn Lạc Dương, gần 18 tháng qua, đạt tiêu chuẩn Chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản

Công dụng của phúc bồn tử đen, được ghi nhận như: ngăn ngừa, làm chậm tăng trưởng bệnh ung thư, cải thiện chức năng não, trẻ hóa tế bào, tốt cho tim mạch…

Đắk Nông: Hạn hán bao phủ cà phê, lúa

Đến giữa tháng 2, nhiều địa phương đã xuất hiện hạn hán như ruộng lúa nứt nẻ, cà phê rủ, héo lá; công trình thủy lợi hạ mực nước... Đây là dấu hiệu cho thấy, nguy cơ hạn hán cao trong mùa khô năm nay.

Những ngày này, hồ thủy lợi Đắk Ken, xã Đắk Lao (Đắk Mil), lúc nào cũng nghe tiếng của nhiều máy nổ chạy xình xịch, như cố hết công suất, để tưới cho các vườn cà phê làm náo động cả một vùng. 

Hồ Đắk Ken, tưới cho khoảng 1.000 ha cà phê, đã nhiều lần phải “oằn mình” chống hạn, năm nay cũng thế.

Nước hồ ít, trong khi nhu cầu tưới nhiều, nên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Mil, đã phải điều tiết bằng cách bơm trung chuyển, từ hồ Tây vào hồ Đắk Ken 2 lần, để đáp ứng nhu cầu tưới cho cà phê.

 

han-han-99.jpg

 Ông Đoàn, chạy máy bơm tưới cà phê cho gia đình và bà con nhiều ngày liền.

 

Ông Trần Đoàn, xã Đắk Lao, cho biết: Sau khi tưới 2 ha cà phê của gia đình, tôi tiếp tục bơm tưới cho nhiều hộ dân không có máy tưới.

Hiện, đã phải tưới đợt 3, khả năng phải thêm 2 lượt nữa. Không biết hồ còn nước không?

Ông Đoàn nhận định: “Khả năng cuối vụ sẽ hạn nặng, đã nhìn thấy được trong khoảng 1 tháng tới”.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Mil, đến nay, các công trình thủy lợi, sông suối trên địa bàn, mực nước đều đã hạ,  thấp hơn năm 2018.

Chi nhánh đã bơm trung chuyển cho hai công trình, chủ yếu là Hồ 35 thuộc xã Đắk Lao, để phục vụ tưới nước đợt 2, 3 cho cà phê.

Không chỉ Đắk Mil, ở Krông Nô, hạn cũng đang hoành hành các ruộng lúa. Cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô), khoảng 600 ha, được coi là vựa lương thực của huyện, song, nhiều ruộng lúa ở đây thiếu nước, khiến cây còi cọc, đất nứt nẻ.

Ông Bùi Ngọc Ánh,  xã Nâm N’đir, cho biết: “Phần đất này những năm trước, chúng tôi vẫn trồng lúa được, nhưng năm nay, lúa chỗ lên, chỗ không. Mới tháng 2, chân ruộng đã khô nứt nẻ, vụ này coi như bỏ không tiền giống, phân, công cán ”.

Theo ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, khả năng xảy ra hạn  vào thời điểm cuối vụ đông xuân khá khốc liệt.

Hiện đơn vị đang phối hợp với các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn nước. Bảo đảm cung ứng nước kịp thời, tiết kiệm, hạn chế đến mức thấp nhất hạn hán đối với cây công nghiệp, cây vụ đông xuân.

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp Đăc Nông, cho biết: Khô hạn, thiếu nước mùa khô 2019, đã được dự báo từ năm 2018. Khi các công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng nhu cầu, chúng tôi vận động bà con áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm.

Các địa phương cần bám địa bàn, phối hợp với ngành thuỷ lợi để điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý. Ngoài việc đảm bảo nước tưới, công trình còn phục vụ nước sinh hoạt để không ảnh hưởng đời sống nhân dân.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top