Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 2 năm 2021 | 8:37

Kỳ vọng chuyến biển cuối năm, ngư dân miền Trung đánh bắt xuyên Tết

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân miền Trung ra khơi, kỳ vọng vào chuyến biển cuối năm để có thêm thu nhập đón Tết

Quảng Nam: Ngư dân vươn khơi chuyến biển cuối năm

Do ảnh hưởng của nhiều cơn bão và không khí lạnh nên thời gian qua việc vươn khơi của ngư dân xã Tam Quang (Núi Thành) gặp không ít khó khăn. Vì vậy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân quyết tâm vươn khơi với mong ước có chuyến biển bội thu.

 

khoi-691.jpg

 Chuẩn bị đá lạnh trước khi vươn khơi. Ảnh: TRÚC TRẦN

 

Anh Huỳnh Xuân Phú (36 tuổi, thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu QNa-91944 cho biết tàu anh có 17 ngư dân, dự kiến xuất bến vào giữa cuối tháng Chạp ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt trong vòng 20 ngày. “Năm 2020 thời tiết bất lợi, làm ăn khó khăn. Chúng tôi hy vọng chuyến biển này vớt vát được ít nhiều” - anh Phú nói.

Ngư dân Dương Văn Cư (56 tuổi) - thành viên tàu QNa-91944 cho biết đây là đầu tiên ông đi biển vào dịp cuối năm. Chuyến biển này rất đặc biệt vì đón Tết trên biển. “Hiện đá lạnh, dầu, nước sạch, ngư lưới cụ, lương thực đã được chúng tôi đưa lên tàu. Chủ tàu cũng đã kiểm tra các trang thiết bị nhằm đảm bảo tốt nhất cho chuyến đi” - ông Cư nói.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ nông nghiệp xã Tam Quang cho biết trên địa bàn xã có 197 tàu cá công suất 250 - 1.000CV; trong đó khoảng 6 tàu sẽ vươn khơi đánh bắt dịp cuối năm âm lịch này. “Chúng tôi thông báo các chủ tàu phải luôn giữ liên lạc; đồng thời động viên ngư dân vì họ phải đánh bắt xuyên Tết, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông Dũng nói.

Quảng Ngãi: Ngư dân Lý Sơn kỳ vọng phiên biển mới

Những ngày này, khi biển êm trở lại, hàng chục tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn lại hối hả vươn khơi đánh bắt trong phiên biển cuối năm tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

 

ly-s-91.jpg
Ngư dân Lý Sơn, chuyển đá lạnh lên tàu chuyến biển cuối năm

 

Cho tàu cá công suất 650CV nhổ neo xuất bến vươn khơi đến ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Bùi Văn Phải - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 96796TS, ở thôn Đông An Hải chia sẻ: Sau nửa tháng phải cho tàu nằm bờ vì biển động dữ dội, nay thời tiết vừa êm trở lại, tôi tranh thủ cho tàu vươn khơi đánh bắt ở phiên biển cuối năm.

Tôi đã đầu tư trên 140 triệu đồng để tiếp thêm 5 nghìn lít nhiên liệu, 800 cây đá lạnh cùng lương thực, nhu yếu phẩm. “Chỉ mong trời êm, biển lặng để việc làm ăn được thuận lợi, anh em bạn tàu có thu nhập lo Tết và trang trải chi phí cho gia đình”, ngư dân Phải bộc bạch. 

Trong khi đó, ngư dân Dương Nam - chủ tàu cá QNg 96517TS, ở thôn Tây An Hải cũng vừa tiếp thêm nhiên liệu cho tàu cá hơn 500CV để kịp vươn khơi.

Ngư dân Nam cho biết: Tàu của tôi có 12 lao động. Gần một tháng nằm bờ vì thời tiết xấu, nay tàu rời bến, bám ngư trường để khai thác hải sản. Năm 2020 là một năm vất vả, nhiều phiên biển thua lỗ vì ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, giá hải sản giảm sâu, nên chuyến  này tôi và anh em nỗ lực đánh bắt, để cho tàu về bờ vào khoảng 23 tháng Chạp, ăn Tết cùng gia đình.

Mùa biển năm 2020, ngư dân Lý Sơn khai thác được trên 34 nghìn tấn hải sản các loại, với giá trị trên 600 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm.

Nguyên nhân của việc giảm sản lượng khai thác là do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai khiến việc làm ăn của ngư dân gặp khó. Theo ngư dân Lý Sơn, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm, giá hải sản liên tục tăng cao do thị trường tiêu thụ mạnh, nên tàu cá nào cũng tranh thủ vươn khơi.   

Ngư dân Mỹ Á kiên trì chờ thời tiết thuận lợi để vươn khơi

Biển động kéo dài, tàu thuyền ngư dân cửa biển Mỹ Á, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ không thể ra khơi. Các chủ tàu cùng ngư dân ngày ngày trông ngóng, mong chờ trời yên biển lặng để vươn khơi đánh bắt trong mùa biển năm 2021, đồng thời tìm kế mưu sinh cho những ngày cận Tết cổ truyền.

 

qn-3.jpg

Ngư dân Mỹ Á mong thời tiết thuận lợi để vươn khơi.

                                           

Những con sóng lớn liên tục ùa vào cửa biển Mỹ Á khiến cho hàng trăm con tàu bên trong cửa biển không thể ra khơi. Đã hơn 3 tháng qua, 4 con tàu đánh bắt xa bờ của ông Nguyễn Văn Dương ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, cùng hơn 50 bạn thuyền chưa hề được vươn khơi, bám biển.

Hàng ngày ông Dương xuống tàu lau chùi, bảo quản máy móc, thiết bị rồi lại lên bờ. Sốt ruột, nhưng ông không thể mạo hiểm ra khơi giữa lúc thời tiết đang diễn biến xấu.

“Từ cuối tháng 8 miết tới bữa nay chưa ra khơi bữa nào hết. Do biển động, bà con ngư dân không thể ra khơi được, nên không có thu nhập mấy tháng liền. Tính ra là 3 tháng rồi, nhưng cũng phải ráng chịu chứ biết làm sao”- ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Những năm trước, thời điểm này cảng Mỹ Á chỉ còn lác đác vài con tàu gần bờ đi về trong ngày neo đậu. Nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ đã vươn khơi được vài phiên biển. Năm nay, hàng trăm con tàu thường xuyên ra vào nơi đây vẫn nằm bất động.

Thời gian trôi dần vào tháng cuối năm Âm lịch. Biển vẫn ì ầm vì những cơn sóng lớn. Mất nguồn thu và việc mua sắm Tết kém vui đang hiện hữu với người dân Mỹ Á 

Ông Võ Xuân Cẩm, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang cho biết: Không khí lạnh tràn về liên tục mấy tháng qua, khiến nhiều tàu  cá neo đậu lâu đến nỗi ‘đóng hàu’ luôn.

Bây giờ bà con ngư dân chỉ trông cho biển lặng, sóng êm để sớm vươn khơi bám biển có tiền thu nhập sinh sống và trang trải dịp Tếp Nguyên đán đang đến cận kề.

Sống ở làng biển, nguồn thu nhập của người dân gắn chặt với những chuyến ra khơi. Song, dịch bệnh, thiên tai đã làm cho bà con đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động mưu sinh trên biển. Lúc này, họ chỉ mong trời yên biển lặng để được vươn khơi.

Thừa Thiên Huế: Nhiều rủi ro đánh bắt gần bờ sau ngày biển động

Hải sản gần bờ thường dồi dào sau những ngày biển động. Song, lúc này biển chưa trở lại bình thường, nguy cơ rủi ro cao khi ngư dân “hầu sóng” vươn khơi.

 

19-hs.jpg

 Trúng đậm hải sản dịp cận Tết

 

Sau những ngày biển động vừa qua, cá tôm xuất hiện ở vùng biển ven bờ rất dồi dào, hầu như ngày nào thuyền của ông Phan Phan ở xã Phong Hải (Phong Điền) cũng trúng đậm. Mỗi chuyến đánh bắt cá khoai, cá hanh… đều thu về vài tạ, thu nhập 2-3 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của ông Phan, có thể do biển động làm xáo động vùng biển xa bờ, nhất là tầng đáy nên nguồn hải sản thường di cư vào gần bờ trú ngụ. Hơn nữa, gần đây ngư dân trở lại “nghề lói” (làm tổ cho hải sản trú ngụ, sinh sôi) nên nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng nhiều.

Sau những ngày biển động, nguồn lợi hải sản dồi dào thường là cơ hội cho ngư dân đánh bắt gần bờ, thu nhập khá, ổn định. Tính trong vài tuần nay, mỗi chuyến biển, hầu như các thuyền gần bờ ở vùng Ngũ Điền (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (TX. Hương Trà)… đều trúng đậm vài tạ cá khoai, cá hanh, đối…

Cá khoai giờ đây trở thành món ăn ưa thích đối với nhiều người nên giá rất cao. Giá tại bãi biển dao động 70-100 ngàn đồng/kg, tại chợ, nhất là ở TP. Huế 100-150 ngàn đồng, có thời điểm 180 ngàn đồng.

Cá khoai vào nhà hang, giá còn cao hơn nhiều. Riêng cá hanh một thời gần như biến mất khỏi vùng biển lộng, giờ đây khá dồi dào, mỗi kg từ 200 ngàn đồng trở lên.

Hải sản dồi dào là vậy, nhưng sau những ngày biển động, con sóng dữ vẫn chưa thật sự trở lại hiền hòa, bình thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi ngư dân  vươn khơi.

Phải mất 30 phút đến cả giờ đồng hồ, ngư dân mời chèo lái được con thuyền vượt qua những đợt sóng lớn, tìm đến vùng biển an toàn đánh bắt hải sản.

Bình thường mỗi chuyến biển đánh bắt gần bờ chỉ đi 2-3 ngư dân, nhưng sau những ngày biển động phải có 4-5 người để hỗ trợ thuyền “vượt sóng”, giúp nhau khi gặp hiểm nguy. Nghĩa tình ngư dân, xóm làng lúc này cũng thể hiện rất rõ.

Cứ đến lúc các thuyền “hầu sóng” vươn khơi, trên bãi biển tập trung hàng chục người “canh chừng”, hỗ trợ ứng cứu kịp thời khi có thuyền gặp nạn.

Ông Phan cho biết, mặc dù ngư dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực bằng mọi cách cho thuyền “vượt sóng” nhưng vài tuần nay cũng đã xảy ra 4-5 vụ lật thuyền, không thể vượt qua những đợt sóng lớn.

Rất may, lực lượng ngư dân trên bờ đã dùng các phương tiện, thiết bị, phao cứu hộ, ứng cứu kịp thời nên đảm bảo an toàn tính mạng. Riêng thuyền, máy móc, lưới cụ bị thiệt hại nặng nề.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin, thường vào đầu mùa đánh bắt, địa phương tuyên truyền cho người dân đảm bảo an toàn qua phương tiện truyền thanh của xã. Ngoài các kỹ năng, kinh nghiệm chèo lái của ngư dân, chính quyền địa phương vận động, yêu cầu ngư dân trang bị đầy đủ áo phao, phao tròn… khi “vượt sóng” cũng như quá trình đánh bắt trên biển.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ông Võ Giang chia sẻ, tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân đánh bắt gần bờ đảm bảo an toàn là hoạt động thường xuyên đối với chi cục. Đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng quy định, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn mới cho thuyền vươn khơi khai thác hải sản. Các thuyền phải đảm bảo trang bị đầy đủ áo phao, phao tròn, thông tin liên lạc… mới được ra biển.

Ngòài ra, Chi cục Thủy sản còn yêu cầu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác của ngư dân; nghiêm cấm, tuyệt đối không cho thuyền vươn khơi đánh bắt khi không đảm bảo quy định, các trang thiết bị an toàn…

 

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top