Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 12 năm 2017 | 7:59

Lâm Đồng: Chính sách BHTG chung tay cùng phát triển kinh tế địa phương

KTNT - Tại Lâm Đồng, mặc dù kinh tế hộ gia đình đã có những thành công nhất định, nhưng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh ngày càng đặt ra nhu cầu rất lớn về vốn.

Đổi mới để phát triển bền vững

Với lợi thế gần dân, hiểu dân hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác, QTDND là một kênh huy động vốn và cho vay quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là mô hình kinh tế hộ. Tuy nhiên, có thời gian các sản phẩm dịch vụ tín dụng của QTDND thường không đa dạng bằng các ngân hàng thương mại (NHTM) nên khó tiếp cận khách hàng.

Hiểu được những bất cập này, để mở rộng mạng lưới khách hàng, nhiều QTDND áp dụng cho vay tín chấp qua các hội, đoàn thể. Hình thức cho vay mới này đã nhận được sự ủng hộ cao từ người dân và chính quyền địa phương. Đơn cử như QTDND Liên Phương (TP. Đà Lạt) hiện đang áp dụng hạn mức cho vay tín chấp tối đa qua các hội, đoàn thể là 30 triệu đồng với lãi suất tương đương  lãi suất ngân hàng. Chính sách này đã tháo gỡ được phần nào khó khăn về tài sản thế chấp của người nông dân, bởi khi có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp thì các hội viên sẽ được hợp tác xã, hội, đoàn thể bảo lãnh.

Ngoài ra, các hộ gia đình mới bước vào sản xuất kinh doanh thường thiếu kinh nghiệm trong việc hoàn thiện các thủ tục cấp vốn, QTDND sẽ chủ động hướng dẫn người dân, hỗ trợ tối đa trong việc hoàn thiện các thủ tục và giấy tờ pháp lý liên quan.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ cho vay, các QTDND cũng bắt đầu khai thác thêm các sản phẩm tiền gửi tích lũy mới theo nhu cầu của khách hàng nhằm đa dạng hóa đối tượng khách hàng, thu hút khách hàng ở các phân khúc thu nhập khác nhau. Tuy mới bước đầu triển khai sản phẩm tiền gửi tích lũy nhưng sản phẩm này cũng đã nhận được sự quan tâm từ phía các hộ gia đình.

Chính sách BHTG góp phần gia tăng uy tín hệ thống QTDND

Để có được những kết quả như vậy, bên cạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, các QTDND đã nỗ lực không ngừng để gia tăng uy tín, niềm tin đối với người dân, người gửi tiền. Trong nỗ lực đó, có đóng góp không nhỏ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong công tác tuyên truyền chính sách BHTG tới các QTDND và người dân. BHTGVN xác định tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ quan trọng cần phải đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa QTDND và các NHTM trong việc huy động tiền gửi, giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền tại các QTDND. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình dẫn vốn từ những hộ gia đình có vốn nhàn rỗi sang hộ gia đình đang cần vốn sản xuất, đẩy lùi “tín dụng đen” tại địa bàn.

Một trong những lợi ích cụ thể từ chính sách BHTG nhằm hỗ trợ hoạt động của QTDND quy định Chứng nhận BHTG được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch, là thông điệp rõ ràng và minh bạch về “chứng chỉ niềm tin” đối với khách hàng. Bên cạnh đó, một số Quỹ đã thực hiện đóng dấu “tiền gửi của khách hàng đã được bảo hiểm tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” trên các sổ tiết kiệm. Việc làm này giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền và hiểu hơn về chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Không chỉ vậy, chính sách BHTG còn được tuyên truyền lồng ghép thông qua nhiều hội nghị, sự kiện tại các QTDND hay các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động...tại nhiều địa phương. Qua đó, chính sách BHTG được lan tỏa rộng và trực tiếp tới người dân đã, đang và sẽ gửi tiền tại các TCTD.

Hiện nay, 23/23 QTDND trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham gia BHTG. Các QTDND đều nhận thấy lợi ích của chính sách BHTG trong việc gia tăng uy tín kinh doanh trong cộng đồng cũng như trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự lành mạnh, ổn định của hoạt động ngân hang trên địa bàn.

Bà Bùi Thị Kim Tỉnh - Chủ tịch HĐQT QTDND Liên Phương chia sẻ, với những nỗ lực không ngừng của Quỹ, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của  NHNN Chi nhánh tỉnh và BHTGVN trong thời gian qua, Quỹ đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và tạo được lòng tin đối với người dân tại địa phương. Tính đến hết Quý III/2017 doanh số huy động của Quỹ đã đạt 250 tỷ đồng, với dư nợ 136 tỷ đồng (vượt kế hoạch tài chính năm 3 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Chủ tịch HĐQT QTDND phường 2, TP. Bảo Lộc, chính sách BHTG đã góp phần giúp người dân tin tưởng vào các QTDND, từ đó QTDND cũng khẳng định được vị thế và uy tín trong hệ thống các TCTD. Đến nay, Quỹ đã huy động được gần 660 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng mong rằng BHTGVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTG tới hệ thống các QTDND. Đây cũng là cơ hội để các quỹ giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm hoạt động.

Có thể nói, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, NHNN trong các chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, BHTG, nhiều hộ gia đình đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, từ đó chủ động, mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ cao, mang lại hiệu ứng tích cực cho kinh tế địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, quy mô vốn huy động và dự trữ của các QTDND đạt khoảng 4.400 tỷ đồng (bình quân 190 tỷ đồng/quỹ). Vốn huy động tăng trưởng ổn định giúp QTDND có thể mở rộng quy mô, duy trì hoạt động một cách bền vững. Đây là yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống người dân địa phương.

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top