Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 5 năm 2019 | 8:10

Lâm Đồng: Hỗ trợ bóng đèn LED, sáng nhà lồng trồng hoa

Nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện năng, Lâm Đồng đã hỗ trợ nông dân bóng đèn LED để trồng hoa.

Ðể giúp nông dân giảm chi phí điện năng, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng trong canh tác rau, hoa, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đồng hành cùng nông dân trong sản xuất.

 

hoa-36361.gif

Sử dụng bóng đèn LED trồng hoa cúc ở Đà Lạt. Ảnh D.Q

 

Ông Đặng Cư, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, T.p Đà Lạt (Lâm Đồng) trồng hoa cúc từ nhiều năm nay. Theo thói quen, ông vẫn dùng loại bóng đèn U bình thường, làm từ thủy tinh, để thắp sáng vườn bông.

Năm 2018, ông tham gia mô hình sử dụng bóng đèn hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng của Sở Công thương.  Sự thay đổi này đem tới hiệu quả  không ngờ.

Theo ông Cư , 1 sào nhà lồng trồng hoa cúc cần 130 bóng. Ông trồng 3 sào, gần 400 bóng. Sử dụng bóng U bình thường, do chao chụp không kín, bóng đèn thủy tinh dễ vỡ, nên hầu như tuần nào cũng phải thay bóng.

Còn bóng LED mới thay bằng nhựa, chao chụp rất kín, bóng rất bền, hầu như không hư hỏng. Ông chia sẻ: “Dùng bóng U hư nhiều, khi không trồng cũng không dám tháo, vì dễ vỡ. Bóng LED tháo ra lắp vô, rất dễ, lại bền, không hư. Đặc biệt, tiền điện giảm nhiều lắm”.

Trước kia, tiền điện 1,5 triệu đồng/tháng, sử dụng đèn LED chỉ còn 900 ngàn đồng/tháng, chỉ cần 2 vụ cúc là thu đủ tiền bóng, trồng diện tích càng lớn càng tiết kiệm. 

Ông Nguyễn Đình Nhạc ( Lạc Dương) cũng lắp mới hoàn toàn đèn LED  cho dàn bông cúc. Ông chia sẻ, nông dân thường làm theo nhau, ít để ý  kỹ thuật, vật liệu mới.

Vì vậy, khi tham gia dự án thay đèn U bằng đèn LED, bà con xung quanh khá chú ý. Qua sử dụng, nhận thấy bóng LED hiệu quả hơn hẳn, vừa bền, vừa tiết kiệm điện.

Trong khi đó, giá bóng LED cũng tương đương với bóng U, thậm chí còn rẻ hơn, khoảng 36 ngàn đồng/bóng, bóng U 38 ngàn đồng/bóng. Đặc biệt, bóng LED bằng nhựa không sứt râu, ít cháy,vỡ, tháo lắp dễ dàng, vận chuyển nhẹ nhàng, rất thuận lợi.

Theo gương ông Nhạc, nông dân trồng cúc xung quanh cũng dần thay bóng U sang đèn LED.

Theo ông Ðặng Vũ Dũng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương, chia sẻ, mục tiêu của dự án là xây dựng một số mô hình ứng dụng sử dụng bóng đèn LED, tiết kiệm điện trong trồng rau, hoa, củ, quả trong nhà kính. 

Chương trình hỗ trợ bà con thay toàn bộ dàn đèn đạt chuẩn từ bóng, chao chụp, dây điện, đảm bảo an toàn và đúng kỹ thuật. Về kinh phí, nông dân và Nhà nước cùng chia sẻ, ngân sách hỗ trợ 50%/ 50%.

Năm 2018, chương trình hỗ trợ trên 128 triệu đồng và nông hộ đối ứng 128 triệu đồng cho trên 2 ha nhà kính trồng bông. Bóng LED tiêu thụ năng lượng bằng 50% bóng U,  cùng mức độ chiếu sáng. Về an toàn, bóng LED  nhẹ, ít nứt vỡ, nếu vỡ cũng không gây nguy hiểm.

Đắk Nông:  Đầu tư nhà kính để chủ động sản xuất

Nếu như trước đây, nông dân huyện Đắk Song (Đắk Nông) phải lặn lội sang Lâm Đồng để mua các loại rau giống như: rau thơm, cà chua, ớt chuông, cà tím.. khiến  chi phí sản xuất tăng cao. Giờ đây, bà con đã đầu tư nhà kính, nhà lưới để chủ động sản xuất

 

nha-kinh-99.jpg

 Ông Sự đầu tư nhà kính phát triển sản xuất, chủ động đầu ra.

Ông Nguyễn Sự, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song sau khi tìm hiểu về canh tác rau trong nhà kính, đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để chủ động ươm giống.

Ông Sự cho biết: Trước đây đã ươm các loại giống rau, cây ngắn ngày ngoài trời, nhưng hiệu quả không cao, thậm chí thất bại. Bởi gieo ngoài trời, rau dễ bị chết nóng, hoặc mưa làm gãy nát.

Vì vậy, tôi đã đầu tư hơn 340 triệu đồng, xây dựng 1.500 m2 nhà kính. Sau khi ươm giống trong nhà kính, tôi không còn lo sợ thời tiết, dù mưa hay nắng vẫn có thể gieo giống.

Hiện, tôi đã có cuộc sống ổn định, lợi nhuận thu về hàng tháng trên 40 triệu đồng từ bán cây giống.

Anh Nguyễn Văn Độ, thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn, đã quyết định đầu tư gần 1,4 tỷ đồng, xây dựng nhà kính để sản xuất dưa lưới.

Theo anh Độ, sản xuất dưa lưới trong nhà kính, đem lại hiệu quả cao. Tránh rủi ro do thời tiết bất lợi, đồng thời, ngăn ngừa côn trùng, giúp kiểm soát,  giảm thiểu  sâu bệnh. Ngoài ra, anh còn ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Với phương thức sản xuất này, dưa lưới của anh Độ được thị trường đón nhận với mức giá cao hơn dưa trồng ngoài trời, có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song, cho biết: "Phát triển nông nghiệp trong nhà kính giúp sản xuất quanh năm, do có thể điều tiết  khí hậu.

Đây là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao, trong xu thế thích ứng  tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, sản phẩm giảm được rủi ro, đáp ứng nhu cầu nông nghiệp sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Sâu keo mùa thu đã xuất hiện ở Đắk Lắk

Sở Nông nghiệp Đắk lắk cho biết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phát hiện sâu keo mùa thu, xuất hiện trên địa bàn huyện Lắk, và đã gây hại trên 400 ha tại các xã: Krông Nô, Đắk Nuê, Ea R'bin.

 

sau-363.jpg

 Sâu keo mùa thu gây hại cây ngô, mới phát hiện tại huyện Lắk

 

Sâu keo mùa thu là đối tượng sinh vật gây hại, mới xâm nhập vào Việt Nam, nó có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô, và nhiều loại cây trồng khác.

Để ngăn chặn, quản lý kịp thời và hiệu quả loại sâu này, Sở Nông nghiệp đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, nắm rõ diện tích, phân bố, giai đoạn sinh trưởng của cây ngô, trên địa bàn từng xã, để có biện pháp quản lý sâu bệnh.

Chi cục Trồng trọt đã tập huấn, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ và thực hiện các biện pháp canh tác, bố trí mùa vụ, để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu.

Đồng thời, cung cấp tài liệu, quy trình phòng chống, danh mục những loại thuốc BVTV được sử dụng, để các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân…

Triển vọng mô hình nuôi cá lồng trên đập Krông Búk

Gần đây, một số người dân xã Krông Búk, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã tận dụng nguồn nước tự nhiên trên đập Krông Búk Hạ để phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại thu nhập cao và thủy sản sạch, cung cấp cho thị trường.

Người đi đầu và thử nghiệm thành công là ông Hồ Ngọc Hùng (thôn 4, xã Krông Búk).

 

ca-log-33.jpg

 Ông Thanh đang chăm sóc cá lồng

 

Năm 2012, khi nhận được một lồng nuôi cá 300 m2 của Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam - Đan Mạch, xã Krông Búk đã thành lập Hội nghề cá, gồm 20 thành viên.

Song, sau một thời gian, tỷ lệ cá chết cao, ý tưởng nuôi cá trên đập thất bại, lồng cá bỏ hoang, năm 2015, ông Hùng đã đăng ký thầu lại.

Ông tìm hiểu nguyên nhân thất bại, học hỏi kỹ thuật chăm sóc của nhiều hộ dân Krông Ana, các tỉnh Tây Nam Bộ, rồi đầu tư 180 triệu đồng, làm thêm một lồng mới, diện tích 250 m2 để nuôi cá rô phi, cá diêu hồng.

Đồng thời, liên kết với Công ty Thủy sản Hải Long Nha Trang, để được cung cấp cá giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Sau nhiều năm ông Hùng tích lũy được vốn, kinh nghiệm, đàn cá phát triển khỏe mạnh, có trọng lượng 700g - 1,5 kg, sau 6 tháng nuôi.

Ông Hùng chia sẻ, để cá phát triển tốt, con giống phải khỏe, không trầy xước khi vận chuyển, cần xử lý vệ sinh lồng, nếu không dễ bị nhiễm bệnh.

Đồng thời, phải cho ăn đúng giờ, đúng liều lượng, đặc biệt, cá con phải được chăm sóc kỹ lưỡng, cung cấp thêm vitamin C, khoáng chất, quan sát thời tiết, để kịp phòng bệnh.

Hiện, ông Hùng có 4 lồng cá, diện tích 1.100 m2 mặt nước, trung bình, mỗi năm thu 115 tấn cá thịt. Với giá bán 34 - 38 nghìn đồng/kg, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Một trong những hộ có diện tích nuôi cá lớn trên đập là ông Trần Huỳnh Thanh (thôn 4), với 10 lồng, diện tích mặt nước 2.000 m2, bình quân một năm thu hơn 100 tấn cá thịt.

Trừ chi phí, thu 200 - 300 triệu đồng/năm. Theo ông Thanh, đập Krông Búk Hạ, có nguồn nước tự nhiên, xung quanh không bị ảnh hưởng bởi nước thải, rác thải sinh hoạt nên rất sạch, giúp người dân thuận lợi trong việc nuôi trồng, cá phát triển khoẻ mạnh.

Quan trọng hơn, sản phẩm thu được hoàn toàn sạch, an toàn, được các thương lái TP. Buôn Ma Thuột thu mua, phân phối trong tỉnh.

Nhận thấy nguồn nước, khí hậu địa phương thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, đầu năm 2018, Hội Nông dân xã Krông Búk đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng, gồm 24 thành viên, với 12 cơ sở đăng ký kinh doanh, tổng diện tích nuôi 10.000 m2, do ông Hồ Ngọc Hùng làm Tổ trưởng.

Ông Bùi Quang Hợp, Chủ tịch Hội Nông dân Krông Búk cho biết, mô hình nuôi cá lồng là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân, đồng thời, góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại địa phương.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top