Những ngày này, nông dân Lâm Đồng đang bắt đầu thu hoạch hồng vuông, ước đạt hàng trăm triệu đồng/vụ
Hiện, nông dân Thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương ( Lâm Đồng), đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính của cây hồng vuông đồng, đây cũng được mệnh danh là thủ phủ hồng của huyện Đơn Dương.
Hồng vuông có năng suất 100 – 150kg/cây/vụ, nhiều vườn phải chống gia cố để cành không bị gãy
Mỗi hecta chuyên canh hồng vuông, nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng/vụ.
Anh Lê Trần Phúc Cương, người làm vườn tại Thị trấn D’Ran, cho biết, giá hồng vuông đồng được thương lái thu mua ở mức 20.000-25.000 đồng/kg. Càng về cuối vụ, giá có thể cao hơn. Đây là loại cây dễ trồng, năng suất và lợi nhuận cao.
Theo anh Cương, tuy diện tích cây hồng có xu hướng giảm, nhưng diện tích canh tác hồng vuông, vẫn được nông dân duy trì ổn định. Bởi đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Riêng trong vườn của anh, cây hồng nào cũng sai trĩu cành, mỗi cây thu từ 100-150kg trái/vụ. Có nhiều cành bị gãy do sức nặng của quả.
Việc trồng và chăm sóc cây hồng vuông đồng, không tốn nhiều công sức. Sau khi thu hết trái, người dân tập trung cắt tỉa cành, tưới nước, bón phân... sau đó chờ cây sinh trưởng, và cho trái ở vụ tiếp theo.
Chung niềm vui như anh Cương, ông Nguyễn Văn Thanh, Thị trấn D’Ran cho biết, gia đình ông đang chuyên canh 3 sào hồng vuông đồng, năm 2018, thu hoạch hơn 10 tấn trái.
“Hồng sau khi thu hái, sẽ có thương lái vào tận vườn thu mua. Nhà nào không có nhân công thì có thể khoán luôn cả vườn cho thương lái. Năm nay, tôi thu về khoảng 11 tấn, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng" - ông Thanh cho hay.
Theo ông Thanh, cây hồng D’Ran có nhiều loại, từ hồng vuông, hồng trứng, hồng lửa,… trong đó, chia ra các nhóm nhỏ, thường được đặt tên theo người đem giống về ghép.
Đầu mùa, vào trước Trung thu, có hồng Chín Nên, tiếp sau đó có Quế Hương, trứng lửa, Tư Khiết, trứng đá (hồng giòn).
Muộn nhất và cũng có giá cao nhất là hồng vuông đồng, loại dùng sấy, hoặc ăn chín, và thường để giữ cho mùa Tết.
Bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, cho biết, địa phương có khoảng 1.000 ha cây hồng các loại, gồm cả trồng xen và chuyên canh. Thời gian tới, huyện vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm từ hồng, nhưng không tăng thêm diện tích.
Thị trấn D'ran: Làm giàu từ những vườn xen canh
Bằng tính cần cù, nhẫn nại, một nông dân ở D’ran - Đơn Dương đã làm giàu trên mảnh đất đồi khô cằn nhờ trồng xen các loại cây trồng.
Ông Tâm thu hoạch khóm thơm trong vườn
Rất nhiều người ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, biết đến ông Trương Công Tâm, như một tấm gương chăm chỉ làm ăn, quyết chí làm giàu, trên mảnh vườn nhà.
Ông cho biết, ngay từ năm 1986, khi còn là chàng thanh niên 17 tuổi, ông đã bắt đầu trồng hồng, trên ngọn đồi cao rộng hơn 2 ha, đường rất khó đi, vậy mà hơn 30 năm qua, ông vẫn ngày ngày lên chăm chút vườn. Buổi đầu, ông Tâm cho biết, chỉ trồng độc nhất cây hồng.
“Ngày đó, cây hồng có giá lắm, vùng D’ran này rất nhiều người trồng, giờ họ đã chuyển sang trồng cây khác, nhưng tôi vẫn thích cây hồng.
Từ vườn hồng này, mỗi năm tôi bỏ mối cho đại lý hơn 10 tấn, có năm trúng vụ, gần 20 tấn, trung bình cũng thu được chừng 70 - 80 triệu đồng/năm” – Ông Tâm chia sẻ
Nhưng vùng đất D’ran, còn là nơi trồng thơm nổi tiếng của Đơn Dương, nên từ lâu ông Tâm đã trồng xen trong vườn hồng trên 7 sào thơm, tính trung bình, mỗi sào khoảng 4 nghìn gốc, cho thu hoạch quanh năm.
Nhờ vườn thơm, mỗi năm ông Tâm thu được trên 200 triệu đồng. “Thơm thì lúc nào bán cũng được, cứ thu lai rai. Nhất là vào mùa Tết, do nhu cầu thờ cúng tổ tiên của người Việt, nên thơm bán cũng được giá” - ông Tâm cho biết.
Ngoài ra, trong rẫy hồng, ông Tâm còn thử trồng xen nhiều loại cây ăn trái khác như: bơ, quýt, dâu da, và cả 3 sào cà phê. Với cà phê, ông Tâm cho biết, trước đây, có lúc giá trên 30 nghìn đồng/ký tươi. Nay giá cà phê xuống rất thấp, có lúc chỉ 5 nghìn đồng/ký tươi, không đủ tiền phân chăm bón.
Dự kiến, sau vụ này, ông Tâm sẽ chặt bỏ cà phê, tái tạo lại đất để trồng bơ.
Theo ông Tâm, trước đây người D’ran trồng bơ hạt, đó là giống bơ thường, cây cho trái nhiều nước, hạt to, giống bơ này những năm gần đây thị trường không chuộng, giá khá rẻ, chỉ chừng 7-10 nghìn đồng/ký.
Do vậy, ông đang ghép các loại bơ có chất lượng tốt, giá thành cao như bơ Boot, bơ 034. Hiện, ông có 60 gốc bơ đang ghép giống, dự tính 2 năm nữa có thể thu hoạch.
Ngoài ra, ông còn trồng 150 gốc quýt, nay đã có thu hoạch, giá quýt khoảng 15 nghìn đồng/ký, đợt cao điểm trong năm như mùa Tết cũng lên đến 25-30 nghìn/ký. Từ quýt, mỗi năm ông thu thêm chừng 10-20 triệu đồng.
Tất nhiên, ông Tâm cho biết, cũng phải chi từ 20-40 triệu đồng, để mua phân bón, xăng dầu. Ngoài ra, hơn 20 năm qua, gia đình ông hầu như rất ít thuê mướn người làm, tự tay vợ chồng làm hết, từ phát cỏ, bón phân, nhân giống, thu hoạch trái cây.
Rẫy nhà ông không cần tốn công chăm sóc nhiều, vì toàn loại cây trồng lâu năm. Như hồng thì cứ tới vụ là ra hái, thơm và cà phê thì lâu lâu phát cỏ cho quang, và tưới ít phân.
Vậy nên theo ông, vốn đầu tư ít, chủ yếu lấy công làm lãi, mỗi năm trừ hết chi phí, thu về trên 300 triệu đồng.
Ngoài 2 mẫu đất đồi trồng cây ăn quả, ông Tâm còn có 4 sào đất thấp trồng hoa màu, ông chỉ trồng cà chua và đậu leo, 2 loại này trồng xen kẽ theo mùa.
Ông thường dùng cà chua làm phân bón cho vụ mùa, đậu leo, và ngược lại, mặt khác, vườn của ông sử dụng phân hữu cơ, đất tốt, cây phát triển nhanh. Thỉnh thoảng, ông Tâm cũng thử đổi một vài loại cây trồng khác, nhưng với ông, hai giống đậu leo và cà chua dễ trồng, dễ bán.
Tuy nhiên, không phải vụ mùa nào cũng trúng, cũng bội thu, có năm này năm khác, nhưng cứ lấy lãi bên rẫy trên cao, để bù lỗ cho rau dưới thấp mỗi khi cần.
“Mình sinh sống trong vùng không thuận lợi so với nhiều nơi trên đất Đơn Dương, nhưng không sao, đất nào cây đó, cứ cố gắng hết sức sẽ thành công” - ông Tâm tâm sự.
Tây Nguyên: Cà phê lại rớt giá, khiến người trồng kém vui
Vào đầu tháng 11/2019, nhiều diện tích cà phê niên vụ: 2019-2020 ở các tỉnh Tây Nguyên, đã bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Theo đánh giá, mặc dù năng suất, sản lượng năm nay tang, so với năm trước, nhưng giá cà phê những ngày đầu vụ, vẫn ở mức thấp, khiến người trồng cà phê kém vui.
Dù năng suất cao hơn vụ trước, nhưng người trồng cà phê kém vui, vì rớt giá
Xuất khẩu cà phê tháng 10/ 2019 ước đạt 87 ngàn tấn, giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,35 triệu tấn, thu về 2,33 tỷ USD, giảm 14,6% về khối lượng, và giảm 22,3% về giá trị, so với cùng kỳ năm 2018.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.717 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019, với thị phần lần lượt là 13,3% và 8,6%.
9 tháng đầu năm 2019, ngoại trừ thị trường Philippines có giá trị xuất khẩu cà phê tăng 15%, hầu hết các thị trường chính đều giảm so cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 10/2019, giá cà phê thế giới giảm mạnh. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 thị trường London, giảm 108 USD/tấn xuống còn 1.212 USD/tấn.
Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2019/2020 đạt 169,1 triệu bao (khối lượng 60 kg), giảm 5,4 triệu bao, so với niên vụ 2018/2019.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu đạt mức kỷ lục 167,9 triệu USD, hàng tồn kho cuối kỳ sẽ giảm 2,8 triệu bao, xuống còn 33,5 triệu bao. USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam, niên vụ 2019/2020, tăng thêm 100.000 bao, so niên vụ 2018/2019 đạt 30,5 triệu bao.
Nhìn vào diễn biến giá cả từ vụ trước, người trồng cà phê không hy vọng nhiều, về giá cà phê có thể đảo chiều. Mới đây, Bộ Nông nghiệp-PTNT dự báo, giá cà phê sẽ còn ở mức thấp, cho tới cuối năm nay.
Do Việt Nam vào vụ thu hoạch mới, trong khi tồn kho cà phê Brazil vụ mùa năm ngoái, lẫn năm nay, vẫn dồi dào, và người Brazil vẫn bán mạnh, do tỷ giá đồng Reais giảm thấp, ở mức đang có lợi cho họ.
Giá cà phê giảm, do nguồn cung toàn cầu đã dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, và căng thẳng thương mại lan rộng. Thị trường cà phê trong nước biến động, giảm mạnh cùng xu hướng thị trường thế giới.
Giá cà phê xuống thấp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng, trong vụ mùa này ở khu vực Tây Nguyên, nơi chiếm tới 95% diện tích cà phê cả nước, mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ sau.
Bởi khác với nhiều cây trồng khác, cà phê là cây công nghiệp, đòi hỏi đầu tư rất nhiều phân bón, công chăm sóc, tưới nước, rồi thu hái, phơi, sấy…
Có thể nói, giá cả, đầu ra ổn định, là điều người nông dân luôn ước mơ, để yên tâm gắn bó lâu dài với cây cà phê. Song, giá cả bấp bênh như hiện nay, khiến không ít nông dân trồng cà phê, không khỏi nao núng, và tính đến việc thay cây trồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.