Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2019 | 13:35

Làm giàu từ trang trại tổng hợp

Chúng tôi rất ấn tượng khi tham quan  trang trại tổng hợp của kỹ sư  công nghệ thông tin Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1977), ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

 

Chàng trai đã vận dụng kiến thức được học vào mở trang trại và quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương.

 

tr4t.JPG
 Anh Tuấn giới thiệu kỳ đà sinh sản giống.

 

Lãi trên 2 tỷ đồng/năm

Ông trời không phụ lòng người, đến nay, trang trại mang lại cho anh Tuấn doanh thu trên 7,5 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi  trên 2 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, ngày nào Tuấn cũng bận rộn với công việc trong trang trại đặc biệt của mình. Nói đặc biệt vì trang trại nuôi 10.000 con nhông cát, 100 con kỳ đà, 500 con kỳ tôm, 5.000 con rắn mối, 200 con gà Đông Tảo, 7.000 con gà thịt, 1.500 con vịt trời, ba ba, cá… và nhiều cây ăn quả các loại. Ngoài thu nhập từ chăn nuôi, với gần 7.000 cây ăn quả các loại, mỗi năm anh thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.

Trang trại có 10 người làm công thường xuyên với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng/ người. Theo anh Tuấn, trang trại được sắp xếp khoa học và mỹ quan để hướng đến du lịch sinh thái trong vùng.

Tiếp chúng tôi, trong phòng khách có treo hàng chục giấy khen, bằng khen, huy chương các loại, anh Tuấn cho hay, năm 2002, tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh ngành Công nghệ thông tin, anh tìm được việc làm ổn định ở một doanh nghiệp. Tuy nhiên, do xuất thân từ gia đình nông dân trên vùng quê gió cát cộng với thời sinh viên, anh có dịp về miền Tây giúp bà con trong chương trình “Mùa hè tình nguyện”, anh trở  nên yêu quý nghề nông, gắn bó với ruộng đồng.

Sau vài năm làm việc tại doanh nghiệp, năm 2005, Tuấn quyết định trở về quê hương cát trắng Tam Hiệp khai hoang vùng đồi núi Thái Xuân làm trang trại. Ban đầu, với 40 triệu đồng tích lũy và 20 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, anh xây dựng trang trại tổng hợp hơn 16.000m2. Trong đó, 3.000m2 nuôi kỳ nhông, kỳ đà, ba ba, cá. Diện tích còn lại trồng vải, sầu riêng, chuối lùn, xoài, gừng...

Canh tác hữu cơ, áp dụng công nghệ cao

Tuấn đưa chúng tôi đi xem khắp trang trại, nơi có xây bờ thành  hơi thấp là khu vực nuôi có 11.000 con nhông bố mẹ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 30.000 con giống, mỗi con giá 13.000 đồng và gần 1 tấn nhông thương phẩm, thu lãi trên 600 triệu đồng.

Tuấn cho biết, đã lai tạo được  nhông Bình Thuận với nhông cát trắng Tam Hiệp cho ra con giống nhông có năng suất cao, đáp ứng  yêu cầu thả nuôi ở các địa phương khí hậu khắc nghiệt như ở miền Trung. Anh cũng đang đảm nhận tiêu thụ sản phẩm và cung cấp con giống đến các hộ nuôi nhông trong tỉnh và các địa phương khác như: An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế…

Bên cạnh đó là khu vực có xây thành cao hơn được chia làm nhiều ô, là nơi anh  nuôi 30 con kỳ đà bố mẹ có nguồn gốc Đồng Tháp và khoảng 70 con kỳ đà giống với giá bán 450.000 đồng/kg.

Từ ngày chuyển sang nuôi kỳ đà, trang trại của Tuấn phất lên trông thấy vì đã kết nối được với chuỗi cửa hàng ăn ở Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam miền Trung. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã trở thành đầu mối cung cấp thịt kỳ đà uy tín với giá cả hợp lý. Để có đủ hàng bán thường xuyên, Tuấn mở rộng mạng lưới nuôi kỳ đà ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hải Phòng… Theo đó, Tuấn cung cấp kỹ thuật, con giống cho người nuôi và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Hiện, Tuấn mở rộng trang trại với quy mô hơn 30.000m2, trong đó có 15.000m2 trồng rau sạch theo hướng thủy canh, áp dụng hệ thống tưới mở rộng. Trồng trọt, chăn nuôi trong trang trại, theo hướng hữu cơ, không sử dụng thức ăn công nghiệp, phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nên sản phẩm của trang trại đã được 50 kênh vận chuyển và mang tiêu thụ.

Với thành tích đạt được trong những năm qua, Tuấn đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng, như: Giải thưởng Lương Định Của năm 2010; Giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam tiêu biểu năm 2011 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng, Giải thưởng “Trang trại vàng” Việt Nam do Báo Nông nghiệp Việt Nam tặng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Bằng chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu làm theo lời Bác” năm 2010…

Có thể nói, đây  là mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng mới cho nông dân ở các vùng quê nghèo sống trên đất cát, nhất là vùng ven biển của dải đất miền Trung, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hàng ngày có nhiều nông dân, bộ đội xuất ngũ khắp vùng đến thăm quan học hỏi, Tuấn vui vẻ, tận tình sẻ chia kiến thức và kinh nghiệm.

 

 

 

Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top