Những người trồng mai vàng tại làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây dự đoán lứa mai vàng năm nay vẫn sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán dù thời tiết mưa, rét kéo dài. Việc trồng mai vàng trong những năm gần đây trở thành sinh kế của nhiều người dân trong làng.
Dù mưa, rét kéo dài mai vàng làng Thế Chí Tây vẫn sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán
Làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là làng nghề mai cảnh vào cuối năm 2018. Tại đây dường như nhà nào cũng trồng một vài cây mai để làm cảnh.
Ông Đặng Văn Thái, 79 tuổi, trú tại làng Thế Chí Tây kể rằng, nếu giờ mà hỏi làng này trồng cây mai vàng từ khi nào thì không ai biết rõ được. Ở đây gần như nhà nào cũng trồng hết, thậm chí trước đây còn được trồng ở khu vực tường rào của các gia đình.
“Ban đầu trồng mai là để chơi cho vui vì nó đẹp và có ý nghĩa ngày xuân, ngày tết. Gần đây khi nhiều người ưa chuộng và tìm đến mua nên cây mai có giá và người ta trồng nhiều hơn. Nhiều cây mai mọc ở quanh nhà không được uốn lượn nhưng có tuổi thọ hàng chục, hàng trăm năm có giá cả trăm triệu đồng”, ông Thái nói về giá trị mai vàng ở làng mình.
Cũng theo vị bô lão này, việc đoán định tuổi của cây mai chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mỗi người. Tại làng nghề trồng mai Thế Chí Tây, đa số những người tầm trung tuổi trở lên đều có thể nhìn rồi đoán định tương đối chính xác tuổi thọ của cây mai.
Ông Đặng Văn Thi, 60 tuổi – một người chơi mai cảnh khác trong làng Thế Chí Tây chia sẻ, mai vàng ở làng này có 5 cánh, lá xanh. Thân, lá và hoa… của loài mai vàng này toát lên sự nhẹ nhàng, thanh thoát, cuốn hút… nên nổi tiếng xa gần. Tuy nhiên, để cây ra hoa nhiều hơn, đẹp hơn thì người trồng mai phải có kỹ thuật riêng.
Cụ thể, dù là loài cây có thể chịu lụt, chịu hạn được nhưng nếu phải chịu nắng, mưa lâu quá hoặc trồng cây ở nơi có ít ánh nắng mặt trời thì cây sẽ không có nhiều hoa. Việc trồng cây mai vàng cũng phải chú ý đến các loài sâu bệnh như sâu ăn lá, sâu đục thân, nấm thân cây… Trong đó, sâu đục thân và bệnh nấm thân cây là nguy hiểm hơn cả vì chúng ảnh hưởng cành lá, dáng thế của cây. Mai vàng thường được uốn theo các tư thế của tứ linh là Long, Ly, Quy, Phụng.
Với kinh nghiệm của mình ông Nguyễn Đăng Côi, 63 tuổi, trú tại làng Thế Chí Tây chia sẻ, mai cảnh ở đây sẽ được ươm trồng từ hạt chứ không chiết, ghép. “Dù còn nhỏ 1, 2 năm tuổi nhưng khi gần đến tết cây cũng sẽ được tỉa lá. Việc làm này nhằm giúp người trồng chủ động trong việc kích cho cây mọc cành để uốn tạo thế và ra hoa về sau. Cũng vì thế mà mai cảnh ở đây là liền cành hoàn toàn chứ không cần cắt ghép”, ông Côi chia sẻ kinh nghiệm trồng mai của mình.
Anh nguyễn Đăng Sử, 38 tuổi – một người có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng mai ở làng Thế Chí Tây cho biết, người trồng hoa mai vàng ngoài việc tạo thế thì cần chăm sóc, tỉa lá để cho cây nở hoa đúng thời vụ.
Thời điểm tỉa lá để kích thích cây ra nụ và nở đúng thời điểm Tết Nguyên đán sẽ phụ thuộc vào thời tiết từng năm. Tuy nhiên, về cơ bản nếu gặp thời tiết nắng ấm thì việc tỉa lá được thực hiện vào đầu tháng 12 âm lịch, nếu thời tiết mưa lạnh thì công việc này được thực hiện vào khoảng ngày 10 – 15/11 âm lịch.
“Về cơ bản thì lúc đó lá của cây cũng đã già nên cũng dễ tỉa nhưng còn lại lá non thì hơi khó hơn một chút. Ngoài yếu tố thời tiết, dấu hiệu để có thể tỉa lá là lúc cây bắt đầu kết nụ. Khi tỉa lá cũng chú ý tránh làm gãy nụ và tránh bị xước cành. Không trồng cây thì thôi chứ trồng cây rồi thì lúc nhìn thấy nó trổ bông, ra lộc là trong lòng khoan khoái lắm", anh Sử chia sẻ thêm.
Trước thời tiết mưa, lạnh kéo dài tại Thừa Thiên - Huế, những người chơi mai vàng ở làng nghề trồng mai Thế Chí Tây vẫn nhận định rằng hoa mai năm nay sẽ nở đúng dịp Tết. Cụ thể hơn, hoa sẽ bắt đầu nở nhiều từ khoảng 28, 29 Tết.
Trồng mai vàng trở thành sinh kế của nhiều người
Hiện nay, người trồng mai vàng ở làng Thế Chí Tây không đơn thuần chỉ có niềm vui, sự thoải mái mà họ còn mang về thu nhập từ việc này. Việc bán những cây mai có giá trị hàng trăm triệu đồng tại ngôi làng này đã không còn là chuyện hiếm.
Điển hình, năm 2019, ông Thi cũng bán một cây mai hơn 20 năm tuổi với giá 100 triệu đồng. Hiện tại, trong vườn nhà ông còn có khoảng vài cây như vậy nhưng ông chưa có ý muốn bán.
Trong những năm vừa qua ông Thái cũng đã bán trên 30 chục cây mai tuổi thọ từ 20 năm trở lên. Dù có cây thì bán giá cao, có cây bán với giá thấp tuy nhiên ông Ái cũng đã thu về cho mình hàng trăm triệu đồng.
Cách đây 02 năm ông Côi đã bán cây mai vàng khoảng 40 năm tuổi của mình với giá 100 triệu đồng. Trong những năm gần đây ông chuyển qua bán những cây có tuổi thọ 3 – 5 năm. “Tùy theo từng cặp khác nhau, nhưng tính bình quân mỗi cặp (2 cây) trồng được khoảng 3 – 5 năm có giá khoảng 3 – 5 triệu đồng. Hiện giờ tôi đang có khoảng 60 – 70 cây loại này. Năm 2019, tôi bán được hơn 200 triệu tiền mai vàng. Nói chung nhờ có vườn cây này mà tôi nuôi được 4 đứa con ăn học đấy”, ông Côi chia sẻ.
Anh Sử là người đam mê với mai cảnh và cũng từng mua bán nhiều cây mai để có thêm thu nhập nhận định năm nay dù ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai nhưng giá của mai cảnh sẽ không giảm.
Những người trồng mai tại làng Thế Chí Tây cũng đồng quan điểm với anh Sử. Họ giải thích rằng, thiên tai, dịch bệnh không phải năm nào cũng có. Thêm nữa, để có được cây mai giá trị cao thì phải trồng, chăm sóc nó trong cả nửa đời người nên không dễ dàng gì mà họ bán nó đi.
Ông Nguyễn Đăng Phúc - Chủ tịch xã Điền Hòa cho biết, tổng số cây mai trên địa bàn xã khoảng 5.000 cây. Trong những năm gần đây, trồng mai vàng tại địa phương ngoài việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa còn góp phần tạo thu nhập, sinh kế cho nhiều người. Điển hình, trong đợt Tết năm ngoái người dân đã bán được khoảng 100 cây mai cảnh với tổng giá trị thu được gần 3 tỷ đồng.
“Vừa rồi đơn vị đã có chủ trương xin làm dự án để phát triển cây mai và đã hỗ trợ cây giống cho người dân, ngoài khuyến khích người dân trồng mai, hiện xã đã trích ngân sách 200 triệu đồng trồng mới 50 cây mai trên tuyến đường liên xã với chiều dài 300m, đồng thời trồng mới 10 cây mai trước cổng làng Thế Chí Tây, tạo cảnh quan cho làng nghề truyền thống”, ông Phúc chia sẻ.
Được biết, trong những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán những gia đình có mai vàng đẹp có thể mang đến sân UBND xã để trưng bày, giao lưu với nhau và mua bán nếu được khách hàng trả giá hợp lý.
Mai ở làng Thế Chí Tây rất đa dạng bởi có nhiều loại như Hoàng Trúc Mai, Hoàng Diệp Mai, Diệp Cúc Mai... trong đó Hoàng Trúc Mai là giống hiếm nhất. Vốn rất thích hợp với vùng đất cát pha thịt, nên mai vàng ở đây màu vàng tươi, bông to, hương thơm dịu dàng và rất lâu tàn.
Chính những giá trị trên đã tạo nên bản sắc văn hóa của làng nghề, mang những nét đặc trưng riêng của làng Thế Chí Tây, tồn tại và phát triền cho đến ngày nay.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.