Theo dự báo tình trạng mưa, rét tại tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 và những vụ tiếp theo, bà con nông dân đang đội mưa, đội rét để xuống đồng canh tác.
Theo ghi nhận tại nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế, bà con nông dân đang tiến hành xuống đồng canh tác trong thời tiết mưa, rét. Trước tình hình thời tiết không thuận lợi, người dân thường tranh thủ đi làm ruộng xuyên buổi trưa để hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết đến sức khỏe.
Ông Thu (60 tuổi, trú tại phường An Đông, thành phố Huế) cho biết, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông tiến hành sản xuất 01 ha lúa khang dân. Theo ông Thu, lúa khang dân được nhiều người lựa chọn sử dụng, đặc biệt là các tiệm làm bánh, bún nên gia đình lựa chọn giống này để sản xuất.
Đang lên luống để chuẩn bị gieo sạ lúa, ông Lượng (63 tuổi, trú tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) cho biết, trong thời điểm mưa lụt vừa qua cánh đồng Thuận Hòa bị nước mặn tràn vào. Sau khi nước mặn rút, cơ quan chức năng đã tiến hành chắn đập Thọ Long để nước ngọt từ sông Hương tràn vào giúp thau chua, rửa mặn cho cánh đồng này.
“Năm nay mưa và rét quá. Nhưng mưa, rét thế nào thì cũng phải xuống đồng gieo sạ thôi chứ không là bị trễ vụ Hè Thu sang năm ngay. Ở Huế thường mưa lụt nên chúng tôi phải gieo cấy sớm, thu hoạch sớm để tránh ngập lụt.
Ở đây một số nơi ruộng cao họ đã gieo sạ rồi, nhưng trời mưa, rét khiến nhiều hạt giống không lên được. Nếu phát hiện sớm và hạt không nảy mầm ít thì có thể gieo sạ bổ sung. Hoặc sau đó sẽ đi giẫm lại, tỉa chỗ cây nhiều qua cấy chỗ cây ít cho đều. Nếu lúa mọc ít quá và còn kịp thời gian thì có thể làm đất lại và chuyển qua gieo giống ngắn ngày. Trong trường hợp lạnh quá, lúa không lên được mà thời gian không đủ thì phải bỏ ruộng không”, ông Lương chia sẻ.
Trao đổi thêm với nhiều người dân đang làm ruộng tại cánh đồng Thuận Hòa được biết, họ lựa chọn gieo cấy giống lúa 4B, có thời gian sinh trưởng (từ khi gieo đến khi gặt) là 4 tháng 10 ngày. Bên cạnh đó, họ cũng cho biết trong vụ Đông Xuân năm nay giá lúa giống và phân bón cao hơn mọi năm.
Vì ruộng ở khu vực trũng thấp nên ông Long (65 tuổi, trú tại thôn 4 xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) phải tiến hành gieo mạ để cấy. Ông Long cho biết có thông tin địa phương hỗ trợ lúa giống, tuy nhiên hiện tại người dân vẫn tự bỏ tiền ra mua trước rồi nhận hỗ trợ sau.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Trần Viết Chức, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, thị xã Hương Trà cho biết, tại địa phương người dân trồng lúa với 02 hình thức là gieo và cấy (đối với khu vực đồng trũng thấp). Thời điểm hiện tại người dân đang tiến hành canh tác vụ Đông Xuân năm 2020 – 2021 cho kịp kế hoạch đề ra.
Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Điền Ngô Văn Dinh thông tin, trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021, địa phương sản xuất lúa trên 4.200 ha với các giống ngắn ngày là chủ yếu như khang dân, TH1, KH1… Cũng trong vụ này có khoảng 700 ha lúa 4B – giống lúa dài ngày đã gieo sạ.
Ông Dinh nhận định, thời tiết năm nay có những diễn biến khó lường, tuy nhiên, nếu nhiệt độ như hiện tại và không mưa thì việc gieo cấy lúa sẽ không bị ảnh hưởng. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, theo kế hoạch vụ Đông Xuân năm 2020 – 2021 sẽ bắt đầu từ ngày 15/01/2021.
Liên quan đến công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lụt, ông Dinh cho biết, vừa qua Chính phủ đã hỗ trợ cho địa phương 215,4 tấn giống chiếm hơn 50% nhu cầu của tòan huyện (nhu cầu toàn huyện chỉ khoảng 400 tấn).
Đối với khu vực đồng ruộng bị bèo tây lấn chiếm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cũng đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ người dân 70.000 đồng/1 sào thuê máy cày. Cùng với đó, các đơn vị hảo tâm đã chung tay trong việc hỗ trợ phân bón, vôi bột cho người dân sử dụng trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021 nên chắc chắn vụ này sẽ diễn ra đúng tiến độ, ông Dinh khẳng định.
Được biết, ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các vùng thấp trũng cần chủ động vật tư nông nghiệp, máy bơm, tiến hành tiêu úng, làm đất ngay khi thời tiết thuận lợi. Trong trường hợp vùng trồng lúa dài ngày nhưng tiêu úng không kịp thời thì sẽ chuyển qua sản xuất giống lúa ngắn ngày.
Trong vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ sản xuất hơn 28.000 ha lúa. Để hỗ trợ bà con nông dân khắc phục khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ hơn 1.000 tấn lúa giống.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.