Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 12 năm 2021 | 15:7

Lào Cai đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản

Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Giá quýt Mường Khương bấp bênh

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, năm 2021, cây quýt được mùa, dự kiến tổng sản lượng quả đạt 3.738 tấn. Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều loại nông sản đang khó tiêu thụ, nhưng quả quýt có đầu ra ổn định do huyện đã chủ động phương án tiêu thụ.

 

quyt-mk.jpg

Người dân Mường Khương thu hoạch quả quýt. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Những ngày đầu tháng 11, gia đình chị Lục Thị Thương, thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Chung Phố huy động nhiều lao động cắt quýt bán ra thị trường 2 - 3 tạ quýt/ngày. Chị Thương cho biết: Nhà chị trồng quýt từ năm 2013, đến nay có hơn 3.000 cây, trong đó có khoảng 2.000 cây đang cho thu hoạch. Vụ thu hoạch năm 2021, gia đình chị sự kiến thu khoảng 20 tấn quýt. Đầu vụ, quả quýt dễ bán, cắt đến đâu bán hết đến đấy, giá bán bình quân từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 5.000 đồng so với giá năm 2020.

Huyện Mường Khương có 815 ha quýt, trong đó 356 ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt 105 tạ/ha, sản lượng đạt 3.738 tấn (tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2020). Quýt được trồng nhiều nhất tại thị trấn Mường Khương và các xã lân cận như Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nậm Chảy, Thanh Bình… Những ngày đầu tháng 11, quýt bắt đầu cho thu hoạch, người dân các xã đã thu gần 100 tấn quả.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương cho biết: Thị trấn có 232 ha quýt, với 190 ha đang cho thu quả. Có diện tích trồng quýt lớn nhất huyện, nên trước khi vào vụ thu hoạch năm 2021, thị trấn đã chủ động liên kết với một số hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn giúp người dân tiêu thụ quả quýt. Đặc biệt, thị trấn đã ký hợp đồng với hợp tác xã Châu Thịnh Phong thu mua quýt cho hơn 70 hộ làm nguyên liệu sản xuất rượu quýt. Nhìn chung, quả quýt đang tiêu thụ khá thuận lợi, thị trấn Mường Khương xây dựng được vùng quýt trồng theo hướng VietGAP rộng 200 ha.

Ngoài sự chủ động trong tiêu thụ của các địa phương vùng trồng quýt, năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương đã kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ, ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường lớn, điển hình là hợp đồng tiêu thụ với hệ thống siêu thị BigC.

 

quyt1.jpg

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Để mở rộng thị trường, bên cạnh hợp tác với các siêu thị, doanh nghiệp, thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho huyện ký hợp đồng đưa sản phẩm quýt Mường Khương lên sàn thương mại điện tử của VNPT và Viettel. Dự kiến trong thời gian tới, huyện sẽ liên kết với một số hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ ổn định cho sản phẩm quýt Mường Khương.

Nông dân Bắc Hà thu trên 12 tỷ đồng từ trồng dược liệu

Năm 2021, Công ty Cổ phần VietRAP đã liên kết sản xuất với trên 700 hộ nông dân tại các xã Lùng Phình, Nậm Mòn, Tả Van Chư (huyện Bắc Hà) xây dựng vùng nguyên liệu cây dược liệu với diện tích gần 100 ha gồm 2 loại chủ đạo là cát cánh và đương quy Nhật Bản.

 

duoc-lieu.jpg

Mô hình liên kết trồng dược liệu mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào thiểu số ở vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Bắc Hà đang vào vụ thu hoạch củ cát cánh và đương quy để cung cấp cho Công ty Cổ phần VietRAP theo hợp đồng thu mua nguyên liệu. Để giảm việc phải tập trung đông người do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần VietRAP đã trang bị phương tiện rửa sạch củ dược liệu tại nương sau thu hoạch cho các nhóm nông dân.

Hiện, năng suất bình quân cát cánh đạt 7 tấn/ha, đương quy Nhật Bản đạt 8 tấn/ha. Dự kiến, niên vụ này Công ty Cổ phần VietRAP sẽ thu mua khoảng 280 tấn cát cánh và 400 tấn đương quy. Với giá thu mua 12.000 đồng/kg đương quy Nhật Bản và 20.000 đồng/kg cát cánh, nông dân Bắc Hà có thể thu được trên 12 tỷ đồng từ trồng dược liệu.

Nâng cao giá trị nông sản

Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mận Bắc Hà. Nhờ đó, mận Tam hoa Bắc Hà không còn bị các loại mận kém chất lượng trà trộn làm ảnh hưởng đến uy tín của giống mận nổi tiếng này. Nhãn hiệu mận Bắc Hà được đăng ký còn giúp người trồng trên địa bàn huyện Bắc Hà có thêm cơ hội phát triển cây mận, mở rộng thị trường, phát triển kinh tế. Nhờ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận mận Bắc Hà, giá quả mận tăng trung bình 5.000 đồng/kg; với 600 ha cho thu hoạch (năm 2020), lợi nhuận nông dân Bắc Hà thu được khoảng 19,5 tỷ đồng.

Ngoài mận Bắc Hà, một số nông sản trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế do chênh lệch giá bán sau khi có nhãn hiệu, như nhãn hiệu quýt Mường Khương hơn 5 tỷ đồng/năm (giá tăng trung bình 2.000 đồng/kg); nhãn hiệu tập thể su su Sa Pa 14 tỷ đồng/năm (giá tăng trung bình 2.000 đồng/kg); nhãn hiệu hoàng sin cô Bát Xát gần 3,5 tỷ đồng/năm (giá tăng trung bình 5.000 đồng/kg); nhãn hiệu dứa Mường Khương hơn 9 tỷ đồng/năm (giá tăng trung bình 500 đồng/kg)...

 

man.jpg

Mận Bắc Hà được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Các sản phẩm được bảo hộ tạo niềm tin cho người tiêu dùng; uy tín, chất lượng sản phẩm nâng lên và được các nhà máy, công ty lớn như Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) và Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (Ninh Bình) thu mua, đưa vào nhà máy chế biến thành nước ép dứa, thạch dứa. Củ hoàng sin cô được Công ty TNHH Long Hải đứng ra liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát… Nhãn hiệu được bảo hộ đã tạo mẫu mã bao bì, tem nhãn cho sản phẩm, thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá bán và tạo thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 279 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn thời hạn bảo hộ. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ bảo hộ 39 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đã được cấp 33 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu đang hỗ trợ. Nhãn hiệu sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo hộ, đưa vào sử dụng trong thực tế, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho gần 300 tổ chức, cá nhân gắn vào bao bì sản phẩm, đưa sản phẩm mang nhãn hiệu ra thị trường để người tiêu dùng nhận diện và sử dụng đúng thương hiệu, đảm bảo chất lượng đã đăng ký.

Tăng cường bảo hộ sản phẩm nông nghiệp

Với lợi thế phát triển nông nghiệp và du lịch nên các sản phẩm thế mạnh của Lào Cai chủ yếu là nông - lâm sản và dịch vụ. Với xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi các sản phẩm nông sản phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc chú trọng bảo hộ sản phẩm mới và nâng tầm các sản phẩm đã được bảo hộ là vấn đề cần thiết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, một số nhãn hiệu được tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo hộ và nhãn hiệu của một số hộ, doanh nghiệp chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Nhãn hiệu sản phẩm được bảo hộ nhưng chưa phát triển mạnh, số lượng còn ít nên chưa thực sự trở thành hàng hóa chủ lực. Nhiều sản phẩm chưa quản lý tốt chất lượng, chưa được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và theo đúng quy trình kỹ thuật, chưa có công nghệ chế biến, bảo quản nên chất lượng sản phẩm không đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, ảnh hưởng đến uy tín nhãn hiệu.

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng quản lý phát triển nhãn hiệu, lợi ích, tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tỉnh; tiếp tục tổ chức đào tạo kiến thức phát triển nhãn hiệu để hỗ trợ các chủ sở hữu nhãn hiệu của tỉnh; tích cực kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, nắm khó khăn và hướng dẫn cụ thể đơn vị hoạt động bảo hộ, quản lý phát triển nhãn hiệu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để quản lý chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu; xúc tiến thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu ra thị trường…

Ông Bùi Khắc Hiền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Sở sẽ phối hợp chặt chẽ và đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm mang nhãn hiệu, đưa nhiệm vụ phát triển các nhãn hiệu sản phẩm vào chương trình, nghị quyết, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm và cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó là đầu tư hỗ trợ công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, vận động thành lập liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm mang nhãn hiệu cho người dân, qua đó thúc đẩy phát triển sản phẩm. Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo vệ các sản phẩm đã được bảo hộ…           

Để xây dựng và bảo vệ cho thương hiệu của nông sản, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,... nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top