Trồng dâu rừng xuất khẩu, tái canh cây cà phê thành công, trồng ớt chuông ở Lâm Đồng thu nhập 1 tỷ đồng/năm.
Lâm Đồng: Liên kết trồng dâu rừng dưới chân núi Langbiang
Công ty TNHH Lanbian VF Dâu rừng, cùng Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ Organic, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ phúc bồn tử đỏ và đen tại T.p Đà Lạt và huyện Lạc Dương, để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản...
Công ty Lanbian Dâu rừng chế biến 5 tấn dâu rừng tươi/tháng
Cuối tháng 10/2020, Công ty Lanbian VF Dâu rừng đã khai trương Khu du lịch nông nghiệp dược thảo dưới chân núi Langbiang, đồng thời khởi động dự án liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến nông sản hữu cơ tiêu chuẩn JAS Nhật Bản, trong đó, chiếm phần lớn là trái cây phúc bồn tử đen, đỏ.
Đây là kết quả sau 3 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm và nhân giống thành công loài dược thảo dược này của Công ty TNHH Lanbian VF Dâu rừng, Lạc Dương.
Hiện, đã có 4/5 ha sản xuất gắn với chế biến sản phẩm từ phúc bồn tử như: nước cốt, rượu vang, mứt, trà, mỹ phẩm, dược phẩm, kẹo... tiêu thụ khá nhanh ở trong nước, lợi nhuận khá cao.
Đối tác tiêu thụ trong nước gồm các doanh nghiệp lớn như: Shop nông sản hữu cơ Organica, Orgafood... tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ...; các Công ty Quốc tế Khang Chi, Orga Việt Nam, Rau sạch Hùng Phong... Và còn nhiều đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản đặt vấn đề tiêu thụ Công ty Lanbian dự kiến sẽ triển khai chính thức hợp đồng xuất khẩu khi diện tích của các nông hộ liên kết tại Đà Lạt và Lạc Dương bước vào thu hoạch.
Hiện, quy trình sản xuất hữu cơ tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản tại Công ty Lanbian đã hoàn chỉnh khu canh tác nhà kính, lắp đặt vật tư, trang thiết bị nhập khẩu, mô hình độ cao 8m, chịu sức gió cấp 12, trong đó có đầy đủ hệ thống tưới phun định lượng nhỏ giọt...
Nhà máy chế biến phúc bồn tử, diện tích 1.000 m2, dây chuyền trang thiết bị, máy móc chế biến như: máy lọc; máy chiết rót; máy làm lạnh, nóng; máy nén; máy ép và một số các dụng cụ liên đới, phụ trợ sản xuất..
Công suất đạt 5 tấn nguyên liệu tươi/tháng, chiếm 80% sản lượng trái tươi sản xuất tại chỗ... Ngoài ra, Công ty Lanbian rừng còn có nhà xưởng hầm rượu vang 1.000 m2, đạt công suất lưu trữ 100.000 lít.
Hầm rượu vang ủ và lên men tự nhiên từ trái phúc bồn tử đen, đỏ trong thời gian một năm mới cho ra thị trường, và còn có chức năng phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước...
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Lanbian VF Dâu rừng cho biết, với tiềm lực như vậy, cùng với vốn hỗ trợ của Nhà nước, Công ty Lanbian, HTX Dịch vụ Minh Thọ Organic, và tất cả hộ thành viên tập trung vốn đối ứng, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ, theo tiêu chuẩn JAS Nhật Bản, với mục tiêu tăng dần theo từng năm.
Cụ thể, cuối năm 2020, mô hình liên kết ở Đà Lạt, Lạc Dương giữa Công ty Lanbian với 16 hộ thành viên của HTX Minh Thọ Organic, sản xuất gần 12 ha phúc bồn tử đen, đỏ và rau, củ, quả hữu cơ, trong đó chế biến 160 triệu lít nước uống chức năng, rượu vang...
Đến năm 2021 và 2022, chuỗi liên kết tiếp tục phát triển lần lượt 32 hộ thành viên (22 ha) và 44 hộ thành viên (37 ha), sản lượng chế biến tăng 300 - 600 triệu lít nước uống chức năng, rượu vang và nhiều sản phẩm khác như bánh kẹo, mứt, trà...
Phòng Nông nghiệp và PTNT Lạc Dương có văn bản xác nhận dự án liên doanh, liên kết sản xuất nông sản hữu cơ giữa Công ty Lanbian với HTX Minh Thọ Organic.
Huyện Lạc Dương cũng đã nhận định: “Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến- tiêu thụ nông sản hữu cơ, sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất nhỏ lẻ, sang áp dụng tiến bộ KHKT, tạo ra giá trị hàng hóa chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...”.
Đắk Lắk: Hiệu quả bước đầu từ tái canh cà phê
Việc tái canh cà phê được nông dân xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) thực hiện từ nhiều năm trước nhưng mạnh nhất từ năm 2015 đến nay.
Vườn cà phê tái canh của anh YBar HđơK (trái). Ảnh: T. Dũng
Khi mới triển khai, xã gặp rất nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm của địa phương, người dân, nhiều vườn cà phê già cỗi đang dần được thay thế bằng giống mới, năng suất cao.
Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, xã Ea Tul đã tái canh được 85 ha cà phê. Bà con chủ động loại bỏ giống cũ, không rõ nguồn gốc, năng suất, chất lượng kém bằng giống mới, hiệu quả cao như: TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR12, TRS1…; đồng thời, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Hiện, năng suất cà phê bình quân của xã đạt 2,5 tấn/ha…
Ông Trần Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: “Ea Tul là địa phương có diện tích cà phê lớn, gần 4.280 ha. Trong đó, hơn 3.800 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Song, đang có khoảng 30% diện tích cà phê già cỗi, giống cũ, năng suất thấp. Việc tái canh vườn cây không chỉ cải thiện thu nhập cho nông hộ mà còn góp phần duy trì diện tích, ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng cà phê Ea Tul".
Ông Y Pôl Ayun có 4,5 sào cà phê già cỗi hơn 24 năm trước, năng suất thấp. Năm 2016 ông quyết định phá bỏ toàn bộ vườn cà phê, trồng mới giống TR4 - là giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh.
Chỉ sau 2 năm, vườn cây đã cho thu bói, mỗi năm từ 1,2 - 1,3 tấn cà phê nhân, năng suất cao hơn rất nhiều so trước đây… Ông Y Pôl Ayun chia sẻ: “Trước đây, vườn cà phê cũ mỗi năm chỉ thu được 7 tạ, năm nào cao thì 8 tạ. Từ khi tái canh, năng suất đã tăng 60 - 70% so trước đây, cà phê giống mới không chỉ dễ hái, trái còn to”.
Tương tự, cuối năm 2016, anh Y Bar Hđơk (ở buôn Đing) cũng mạnh dạn phá bỏ 250 cây cà phê già cỗi để tái canh. Anh đã tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ kỹ thuật từ quy trình trồng, chăm sóc, chọn giống, xử lý đất đến tạo tán, tỉa cành…
Đến nay vườn cà phê tái canh của anh phát triển khá tốt, ngay vụ đầu tiên đã thu được 4 tạ cà phê nhân, thời gian tới, khi cà phê bước vào vụ thu hoạch chính, thì năng suất, sản lượng còn cao hơn nữa.
Lâm Hà: Tiên phong trồng ớt chuông ở vùng nông thôn
“Không hoàn toàn phá bỏ diện tích cà phê đang có, nhưng tôi bắt đầu chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang ớt chuông, và từ ngoài trời sang phát triển công nghệ cao để bình ổn giá, cho năng suất, chất lượng cao”.
Anh Nhung làm nhà kính trồng ớt chuông thu nhập cao
Đó là chia sẻ của anh Bùi Huy Nhung (35 tuổi, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) về mô hình trồng ớt chuông, rau ngắn ngày trong nhà kính, giúp anh thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Nhung bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề, nhưng cuối cùng anh chọn trở về quê hương sử dụng diện tích đất gia đình đang có để làm nông nghiệp.
Khởi nghiệp từ năm 2013 với các loại cây củ cải, cà rốt... trồng ngoài trời, anh Nhung nhận không ít thất bại do: sâu bệnh, thời tiết... khiến năng suất giảm, lái buôn thu mua giá thấp hoặc không nhận.
Chính nhờ những lần thất bại ấy, anh đã mạnh dạn tích lũy kinh nghiệm, chu toàn hơn về cách làm cũng như chăm sóc cho những cây trồng về sau.
Năm 2016, được biết làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tiết kiệm và cho năng suất sản phẩm tốt hơn, dù chi phí đầu tư ban đầu gấp đôi, nhưng anh vẫn quyết định vay mượn, cộng với số vốn đang có để làm nhà kính, tưới tiêu tự động...
Vườn của anh lúc ấy chủ yếu trồng dưa leo baby để bán cho Hợp tác xã và Công ty ớt chuông Hoa ớt tại Đức Trọng. Ngày ấy, anh được chủ công ty ở Đức Trọng giới thiệu về ớt chuông, cây đang chiếm lợi thế và có giá trị cao.
“Lấy làm tò mò, tôi hỏi thăm nhưng họ bảo loại này chỉ những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và vốn lớn mới có thể thành công. Mãi sau này, khi tôi gặp được một người chú ở HTX Su Su Công Thành tại Nam Ban, chú đã khuyên tôi nên thay đổi cây trồng. Nghe rồi, tôi “đánh liều” dốc vốn liếng trồng ớt chuông trong nhà kính” - anh Nhung cho biết.
Từ chỗ đang trồng ngoài trời, chưa nắm được kĩ thuật, cách chăm sóc cây trong nhà kính, nên đã gặp nhiều sâu bệnh. Phải thường xuyên tìm đến bạn bè, hoặc tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện để có thêm kiến thức, cách làm hiệu quả. Sau những lần thất bại, vườn ớt chuông của anh đã sinh trưởng, phát triển tốt.
Nắm vững kiến thức làm ớt chuông và thấy giá trị cao, anh dần mở rộng khu nhà kính nhỏ lẻ thành diện tích lớn. Với cách đầu tư hiệu quả, hiện nhà kính hơn 1 ha, đã có 9.500 m2 trồng ớt chuông đỏ.
Với mức dao động từ 17 - 20 tấn/năm, trồng ớt cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/sào. Số còn lại để trồng rau ngắn ngày, hoặc dưa leo baby, sú tim, cà chua... thu nhập bình quân 1 ha nhà kính trên 1 tỷ đồng/năm.
Để đảm bảo chất lượng, số lượng, anh bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm, chủ yếu là lái buôn ở Đà Lạt, Sài Gòn. Đầu năm 2018, với mong muốn sản phẩm hoàn toàn sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, và hơn hết là để tránh sâu bệnh, anh chuyển qua giá thể, trồng chậu cây trong nhà kính.
Cụ thể, anh sử dụng phân bón tự nhiên, ủ men vi sinh, phân chuồng... sau đó trồng ớt chuông vào chậu để cây giảm sâu bệnh.
Được biết, bên cạnh là người tiên phong làm nhà kính tại xã Tân Hà, anh Nhung còn tạo điều kiện, công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương và 15 lao động thời vụ.
Ông Doãn Xuân Tưởng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hà cho hay: Anh Nhung là người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng sang nhà kính; đồng thời, anh cũng đưa các giống cây trồng mới để bà con học hỏi.
Từ mô hình của anh Nhung, đến nay xã có 14 ha rau, hoa trong nhà kính. Anh Nhung còn thành lập nhóm gồm những người trong và ngoài xã, thường xuyên tham quan vườn hộ gia đình, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phòng trừ sâu bệnh với bà con.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.