Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona, cũng như cũng không phát hiện thêm trường hợp nghi ngờ mới.
Tuy nhiên, với tâm lý e ngại đến nơi đông người để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm khiến cho các điểm du lịch, các trung tâm thương mại, siêu thị tại Hà Tĩnh trở nên vắng vẻ.
Lượng khách giảm mạnh, doanh nghiệp gặp khó
Theo các công ty lữ hành ở Hà Tĩnh, đầu năm là mùa cao điểm của ngành du lịch, thường rất nhiều người có nhu cầu đi du xuân. Thế nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19, tên chính thức vừa được Tổ chức Y tế Thế giới - WHO công bố), các khu di tích, điểm du lịch lượng khách giảm sâu và nhiều khách hủy tour, hạn chế đặt tour mới khiến nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành “đau đầu” khi doanh số kinh doanh sụt giảm.
Ông Hoàng Minh Mạnh, Giám đốc Công ty CP Du lịch Quốc tế Đại Việt, cho hay: “Vì đang trong giai đoạn dịch Covid-19, không chỉ khách hủy tour đã đặt mà lượng khách hàng tiềm năng, các hợp đồng mới cũng ít. Thời điểm này, đáng ra là lúc làm hợp đồng mới, thì năm nay chủ yếu là nhận điện thoại hủy tour của khách và chúng tôi phải liên hệ hủy dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở các điểm đến đã đặt cho khách trước đó. Việc khách hủy tour và hạn chế du Xuân chắc chắn sẽ khiến doanh thu công ty sụt giảm đáng kể”.
Theo chị Đặng Hà Linh, bộ phận điều hành Công ty CP Lữ hành Thành Sen (TP Hà Tĩnh), dù chưa làm hợp đồng cứng nhưng có 20 đoàn với hơn 100 khách trước đó tham khảo tour du Xuân và lên kế hoạch đặt tour cũng báo hủy vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên chưa dám đi.
“Những năm trước, đầu năm thường có trên 10 đoàn đặt tour du Xuân các tỉnh nhưng năm nay vẫn chưa có đoàn nào đi. Hiện cũng chưa có khách đặt tour mới. Không chỉ tour đi ngoại tỉnh, các điểm du lịch trong tỉnh như Khu du lịch Đồng Nôi, chùa Hương Tích..., lượng khách năm nay cũng ít hơn”, chị Hà Linh nói.
Không chỉ những tour xa mà ngay cả Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, hồ Kẻ Gỗ, đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là những những địa chỉ đỏ được nhiều khách du lịch đưa vào kế hoạch du Xuân trong những ngày đầu năm thế nhưng năm nay chỉ lác đác vài gia đình hoặc những người đi qua dừng lại thắp hương.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cho biết: “Thời điểm này những năm trước khu di tích tấp nập người ra vào, mỗi ngày tiếp đón cả chục đoàn đến thắp hương và tham quan nhưng năm nay vẫn chưa có đoàn nào về đây. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm khoảng 95%, hầu hết những người đến thắp hương chỉ có hộ gia đình hoặc vài người đi qua đường. Dù vậy, đây là điểm du lịch tâm linh nên dù không có khách, BQL vẫn cắt cử nhân viên để phục vụ”.
Tìm giải pháp gỡ khó
Không chỉ khách hủy tour mà tại các Trung tâm thương mại Vincom, Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, các điểm vui chơi, giải trí vốn là nơi có lượng người tới vui chơi, mua sắm đông đúc, đặc biệt là vào cuối tuần và các buổi tối. Tuy nhiên, vào những ngày này, lượng người tới đây giảm hẳn, tạo nên không khí vắng vẻ, ảm đạm.
Theo anh Trần Đình Chung, phụ trách marketing, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, thường sau Tết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ít hơn nên siêu thị vắng khách hơn so với những thời điểm khác trong năm. Đặc biệt, thời điểm này, người dân không muốn đến những nơi đông người nhằm phòng tránh lây nhiễm virus corona nên lượng khách càng giảm mạnh. Siêu thị cũng đã có thêm nhiều chương trình ưu đãi nhằm kích cầu khách hàng đến mua sắm.
“Việc khách hủy tour sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của công ty khi doanh thu không có nhưng vẫn phải chi trả các khoản chi phí. Hiện công ty đang mở khóa tập huấn cho nhân viên để khi dịch đi qua sẽ tiếp tục công việc, phục vụ du khách tốt hơn. Đồng thời triển khai nhiều gói khuyến mãi, chương trình tri ân như tặng các phần quà, tour miễn phí cho khách hàng, đồng thời phối hợp với các nhà hàng, khách sạn, hãng hàng không... có chính sách tốt nhất để giữ chân du khách trong thị trường nội địa”, ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen (TP. Hà Tĩnh) chia sẻ.
Giám đốc Công ty CP Du lịch Quốc tế Đại Việt, ông Hoàng Minh Mạnh, cho biết: Phía công ty đang tìm kiếm đối tác có chất lượng, an toàn cho du khách ở cả nội địa và quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu. Liên kết với các doanh nghiệp du lịch như các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm… tạo thành chuỗi sản phẩm đồng bộ để kích cầu. Về lâu dài, rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, giảm nợ, khoanh nợ hoặc hỗ trợ lãi suất, thuế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19”.
Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết: Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019 thì đến đầu tháng 1/2020, ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh do virus corona (Covid-19) gây ra. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng. Theo Tổng cục Du lịch, hiện Việt Nam cùng các nước đang nỗ lực đối phó với những thách thức từ dịch Covid-19. Dự kiến nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3/2020, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4/2020. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.