Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2019 | 12:20

Lò sấy cà phê nhà Chủ tịch xã Đắk Mol gây ô nhiễm môi trường

Tây Nguyên đang bước vào mua thu hoạch cà phê. Đây cũng là thời điểm nhiều gia đình ở xã Đắk Mol (Đắk Song - Đắk Nông) phản ánh bị ảnh hưởng bởi khói, mùi hôi phát sinh từ lò sấy của gia đình Chủ tịch UBND xã này.

Vi phạm khoảng cách an toàn

Người dân cho biết, gia đình ông Ngô Anh Nhượng, Chủ tịch UBND xã Đắk Mol, có một đại lý nông sản. Mỗi tuần, thu mua nhiều tấn cà phê tươi. Để đẩy nhanh quá trình sơ chế, đại lý này từ lâu đã xây dựng hệ thống lò sấy.

Do đặt trong khu dân cư, nên vào mùa thu hoạch cà phê, người dân ở đây thường hít phải khói và mùi hôi.  Người dân lo lắng, nếu lò sấy này tồn tại lâu dài, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, bệnh tật sẽ phát sinh. 

Có nhiều gia đình sinh sống xung quanh lò sấy nhà chủ tịch xã Đắk Mol.
Nhiều gia đình sinh sống xung quanh lò sấy nhà chủ tịch xã Đắk Mol.

 

Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế đã quy định: “Khoảng cách an toàn của cơ sở gia công cà phê đối với khu dân cư là 100m”. Đối chiếu với vị trí lò sấy cà phê của gia đình Chủ tịch xã Đắk Mol thì rõ ràng vi phạm quy định trên.

Cụ thể, lò sấy của gia đình ông Ngô Anh Nhượng nằm giữa khu dân cư đông đúc, sát vách nhà dân.

Chịu cảnh ô nhiễm đến bao giờ?

Có mặt gần khu vực lò sấy của gia đình ông Ngô Anh Nhượng vào đúng thời điểm đang hoạt động, chúng tôi cảm nhận được phần nào về ảnh hưởng mà nó gây ra. Cùng một lúc, người dân phải hứng chịu cả khói bụi xen lẫn mùi hôi.

“Ông ấy là cán bộ chủ chốt của xã mà để hoạt động kinh doanh của gia đình ảnh hưởng đến bà con như vậy là chưa phù hợp. Cơ quan chức năng cần kiểm tra hoạt động của lò sấy này, nếu ô nhiễm vượt mức cho phép phải xử lý, không nên có sự ưu ái hay ngoại lệ”, ông T., người dân xã Đắk Mol nói.

Lò sấy cà phê liên tục nhả khói ra môi trường.
Lò sấy cà phê liên tục nhả khói ra môi trường.

 

Tương tự, anh Nguyễn Văn Th., người dân xã Đắk Mol, cho rằng, hiện nay tỉnh Đắk Nông đang có chủ trương di dời các lò sấy ra khỏi khu dân cư, thế nhưng không hiểu vì sao gia đình Chủ tịch xã lại không đi đầu thực hiện. Nếu lò sấy này không di chuyển đến địa điểm phù hợp thì, đến hẹn lại lên, chúng tôi lại phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm

Trao đổi về vấn đề mà người dân phản ánh, ông Ngô Anh Nhượng, Chủ tịch UBND xã Đắk Mol, thừa nhận, quá trình lò sấy hoạt động ít nhiều gây ô nhiễm môi trường. So với trước đây, lò sấy  đã được gia đình cải tiến nhiều, hệ thống ống khói được đưa lên cao hơn, nên đã giảm thiểu được ô nhiễm.

“Lò sấy chủ yếu phục vụ gia đình là chính, thỉnh thoảng cũng sấy hộ cho một số hộ xung quanh. Một năm, nó cũng chỉ hoạt động khoảng 20-30 ngày. Để tránh ảnh hưởng đến bà con, gia đình cũng lựa chọn thời điểm phù hợp để sơ chế cà phê”, ông Nhượng nói.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Song  cho biết: “Lò sấy cà phê của gia đình ông Ngô Anh Nhượng đã được UBND huyện cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Muốn xác định được lò sấy này có ô nhiễm hay không, phải thuê đơn vị có chuyên môn về quan trắc môi trường. Trên cơ sở kết quả quan trắc, chúng tôi mới có cơ sở để xử lý. Nếu người dân có ý kiến về bất kỳ lò sấy nào trên địa bàn huyện gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương phải vào cuộc xử lý trước, vì vấn đề này cũng thuộc thẩm quyền của cấp xã”.

Các lò sấy cà phê gây ô nhiễm môi trường là nội dung được người dân đề cập ở nhiều đợt tiếp xúc cử tri. Để giải quyết dứt điểm các phản ánh này, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông cần phải xử lý mạnh tay  đối với các lò sấy không đảm bảo khoảng cách cũng như gây ô nhiễm môi trường.

 

 

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
Top