Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019 | 15:5

Lời giải bài toán phát triển cây có múi ở Hà Tĩnh

Trong quá trình triển khai chính sách phát triển “tam nông”, Hà Tĩnh tạo nên bước ngoặc lớn về nông nghiệp thời hội nhập, trong đó, cây ăn quả có múi dần khẳng định vị thế trong ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nguy cơ “vỡ trận”, khủng hoảng thừa là điều rất dễ xảy ra.

 

cam10.JPG

Cam giòn Thượng Lộc có hương vị đặc trưng của vùng trà sơn Can Lộc.

 

Nguy cơ “vỡ trận”

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 6.725ha cam (trong đó, cam Chanh 5.533 ha, cam Bù 1.192 ha), tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2017 và gấp 2,7 lần so với năm 2008; diện tích trồng bưởi các loại toàn tỉnh cũng đạt 3.187 ha. Điều đáng nói, trong tổng diện tích trồng các loại cây có múi được mở rộng thời gian qua ở Hà Tĩnh, có tới 4.513ha là được trồng mới trên đất lâm nghiệp. Tình trạng “xé rào” nhiều nhất là Vũ Quang với 1.791ha, Hương Khê 408ha, Hương Sơn 484ha, Can Lộc 300ha,…

Đối với cây bưởi, ngoài đặc sản bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), Hà Tĩnh đang tập trung phát triển cây bưởi Đường (Hương Sơn); đồng thời, du nhập một số giống bưởi mới về trồng thử nghiệm như bưởi Diễn, bưởi da xanh,… Cây bưởi chủ yếu phát triển ở Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc…, diện tích cho sản phẩm đạt 1.863ha, sản lượng bình quân 17.898 tấn/năm

Mặc dù xác định cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực, tập trung phát triển gần 10 năm nay, song phải khẳng định, công tác quản lý chất lượng giống và quy trình sản xuất của Hà Tĩnh đang còn nhiều hạn chế, dẫn đến hầu hết diện tích cam, bưởi suy thoái trước tuổi, sâu bệnh hoành hành, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, tính đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có 13 cơ sở lớn sản xuất giống cây ăn quả có múi đặt tại 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Can Lộc. Tuy nhiên, chỉ có 4 cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống chất lượng cao gồm: Trại bảo tồn và nhân giống bưởi Phúc Trạch (trại giống Phúc Trạch); Khu bảo tồn, nhân giống và phát triển cam Bù (trại giống Hương Sơn); DNTN Tân Thanh Phong và Trại thực nghiệm, nhân giống cây ăn quả có múi, cây lâm nghiệp Truông Bát (trại giống Truông Bát).

Ông Võ Tá Phong, Trại trưởng trại Truông Bát (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh), cho hay, bình quân mỗi năm nhu cầu sản xuất của người dân Hà Tĩnh cần khoảng 7 vạn cây giống bưởi và 15 vạn cây giống cam. Tuy nhiên, số lượng cây giống 4 cơ sở trên chỉ đủ đáp ứng 35 - 45% nhu cầu; số còn lại do 9 cơ sở khác trên địa bàn sản xuất, cung ứng và mua từ các tỉnh khác về hoặc các hộ sản xuất tự chiết, ghép cây giống để phục vụ nhu cầu nông hộ. “Việc mua giống trôi nổi không chỉ tiềm ẩn rủi ro về tỷ lệ cây sống, sâu bệnh hại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và chất lượng sản phẩm”, ông Phong nói.

Thực tế, từ năm 2000, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ những cây đầu dòng cam, bưởi của hộ dân được bình tuyển định kỳ để bảo tồn nguồn gen. Trong những năm qua, việc bình tuyển cây đầu dòng cam, bưởi Hà Tĩnh để làm vật liệu nhân giống vẫn được Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện thường xuyên theo đúng quy định. Tuy nhiên, nahiều cơ sở sản xuất giống, do nhu cầu mắt ghép lớn, nên vẫn có tình trạng lấy mắt ghép từ những cây không phải đầu dòng để sản xuất giống.

Hà Tĩnh có 38 cây bưởi Phúc Trạch, 44 cây cam chanh đầu dòng vừa được bình tuyển, công nhận lại, tập trung ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn; 34 cây cam Bù ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang đã được công nhận là cây đầu dòng. Các địa phương, cơ sở đang tiếp tục đề xuất công nhận 15 cây đầu dòng cam Khe Mây và 15 cây quýt Kỳ Anh.

 

cam1.jpg

“Số lượng cây đầu dòng trên đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuổi thọ bình quân của bưởi 14 - 18 năm, cam 7 - 12 năm và quýt 10 - 14 năm”, ông Phong nhấn mạnh.

Đừng vì “lượng” mà bỏ quên “chất”!

Cách đây hơn ba năm, người trồng cam ở Hà Tĩnh hết sức vui mừng vì giá cam bán được vào thời điểm chính vụ là từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg, thậm chí lên tới 140 - 155 nghìn đồng/kg. Nhưng vụ cam năm nay, ngoài những vùng cam chất lượng nổi tiếng có giá khoảng 25 - 35 nghìn đồng/kg, còn lại ước chỉ bán được với giá đại trà 15 - 20 nghìn đồng/kg; thị trường cam cũng phụ thuộc vào thương lái.

Bên cạnh đó, do trồng cam ồ ạt cho nên suốt một thời gian dài, nguồn giống được cung ứng khá tùy tiện. Giống được nhập từ các tỉnh, được chiết ghép từ các cây đầu dòng trong vườn; nhà nhà làm giống, người người làm giống…, khiến người nông dân đã không ít lần nhận “quả đắng” khi mua phải giống kém chất lượng.

 

cam11.JPG

“Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được cấp bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại khu vực địa lý thuộc 20 xã của huyện Hương Khê. Tuy vậy, hiện nay bưởi Phúc Trạch lại được trồng nhiều ở các địa phương nằm ngoài vùng chỉ dẫn địa lý, nơi không có tính chất đặc thù điều kiện địa lý, nên sản phẩm tạo ra không có sự tương đồng về hình thái, chất lượng đặc thù của bưởi Phúc Trạch. Vì vậy, mỗi mùa thu hoạch lại xảy ra hiện tượng trà trộn sản phẩm giữa các vùng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, uy tín của bưởi Phúc Trạch Hương Khê”, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Hương Khê Lê Quang Vinh lo lắng.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh, trước thực trạng phát triển ồ ạt diện tích cây ăn quả có múi, ngành nông nghiệp đã cảnh báo các địa phương cần quy hoạch để ổn định diện tích; có hướng phát triển gắn với liên kết trong sản xuất và quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần khẳng định: “Muốn phát triển bền vững cây ăn quả có múi, phải đi từ chất lượng. Các yếu tố giống, kỹ thuật thâm canh, chỉ dẫn địa lý, thương mại điện tử,… cũng phải xây dựng, vận hành theo chuỗi”. 

Tuy nhiên, thực tế ở Hà Tĩnh chỉ đang chú trọng đến việc phát triển được bao nhiêu diện tích, trồng mới mấy ngàn gốc, tăng được bao nhiêu hecta cho quả..., chứ chưa thực sự quan tâm đến việc những vùng đất nào phù hợp để trồng, chất lượng cây giống ra sao, áp dụng các biện pháp thâm canh sản xuất, đặc biệt là áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) vào sản xuất và nhiều vấn đề cần quan tâm khác. Điều này dẫn tới một số diện tích rừng nguyên liệu bị chặt phá, môi trường sinh thái bị tác động cả về trước mắt lẫn lâu dài. Bài học nhãn tiền về thất bại của cây dâu tằm, mía đường, dứa, cao su,... trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, các địa phương cần quy hoạch để ổn định diện tích và có hướng phát triển phù hợp; phát triển diện tích gắn với liên kết trong sản xuất và quan tâm hơn đến khâu thâm canh nâng cao chất lượng, khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Người làm vườn cũng cần tỉnh táo để không mở rộng diện tích một cách tràn lan, cần chú trọng chất lượng cây giống, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top