Để tạo điều kiện cho việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xây dựng nhiều phương án, tính toán đến các trường hợp có thể xảy ra.
Xây dựng phương án tiêu thụ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều của huyện đạt khoảng 15,5 nghìn hecta, trong đó 12,7 nghìn hecta sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Sản lượng ước đạt khoảng 120 nghìn tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn. Dự báo thời gian thu hoạch vải chín sớm bắt đầu từ khoảng 20/5/2021; vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch từ khoảng 10/6 đến cuối tháng 7/2021.
Để công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện diễn ra thuận lợi, UBND huyện đã xây dựng 2 phương án tiêu thụ vải thiều, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Phương án 1, nếu tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương trở lại bình thường, dự kiến có khoảng 51 nghìn tấn vải thiều tươi được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong đó, tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị như: Big C, SaiGon.Coop, Hapro, Vinmart và đẩy mạnh giao dịch và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn.
Đối với thị trường xuất khẩu, dự kiến khoảng 53 nghìn tấn, chủ yếu là thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80 - 85% và một số thị trường khác như: Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á,… Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều trên cơ sở chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Phương án 2, trong điều kiện, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, dự kiến sẽ có 95 nghìn tấn vải thiều tươi được tiêu thụ trong nước; trong đó khoảng 60 nghìn tấn được tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Chú trọng chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức: Đóng hộp, ép nước, sấy khô… Dự kiến xuất khẩu khoảng 35.000 tấn, chủ yếu là thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quản lý chặt chẽ và duy trì sản xuất tại các mã số vùng trồng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản.
Tổ chức cho các hộ tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ký cam kết thực hiện đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly.
Nâng cao chất lượng, mẫu mã
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), cho biết, năm nay, Bắc Giang có 28 nghìn hecta vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200ha vải đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật với 30 mã vùng; 218 ha xuất khẩu sang Mỹ, EU với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng. Tất cả diện tích này đều được hướng dẫn, kiểm soát quá trình chăm sóc, truy xuất nguồn gốc.
Để giúp các đơn vị thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt kinh phí, giao Sở Công Thương hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn làm tem, nhãn, bao bì sản phẩm. UBND huyện Lục Ngạn còn hỗ trợ 50% kinh phí làm tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX, DN tiêu thụ vải thiều đáp ứng đủ điều kiện.
Cùng với đó, Bắc Giang phối hợp với VNPT Bắc Giang thống nhất mẫu tem, nhãn, quy cách bao gói sản phẩm; thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử giúp thuận lợi cho người dân, khách hàng khi mua sản phẩm vải thiều thuận tiện kiểm tra, theo dõi qua điện thoại thông minh. Cùng đó, các HTX, DN chủ động giải pháp nâng chất lượng sản phẩm, các điều kiện để xuất khẩu. Tại Tân Yên, ngoài hỗ trợ của UBND huyện, các thành viên HTX, DN còn tự góp kinh phí làm tem, nhãn, bao bì đóng gói vải thiều.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang có hơn 40 tổ hợp tác, HTX sản xuất, tiêu thụ vải thiều và hàng trăm cơ sở đóng gói đã có tem nhãn đầy đủ. Vì vậy, ngoài việc quản lý, kiểm soát hướng dẫn các hộ dân sản xuất vải thiều bảo đảm quy trình, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, quản lý các cơ sở đóng gói hàng hóa, không để xảy ra tình trạng bán tem nhãn trôi nổi trên thị trường hoặc hàng một đằng, tem một nẻo, tạo điều kiện cho vải kém chất lượng trà trộn để trục lợi, làm mất uy tín vải thiều Bắc Giang.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Nguyên liệu - Công ty cổ phần Ameii Việt Nam (TP Hà Nội), cho biết, năm nay, chúng tôi đã ký hợp đồng với đối tác để xuất khẩu vải thiều sang Nhật với sản lượng khoảng 300 tấn và có thể cao hơn nếu chất lượng quả vải đáp ứng được yêu cầu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, cho rằng, huyện cần thăm dò ý kiến khách hàng, người tiêu dùng về chất lượng vải thiều để có giải pháp sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt nhất; thu thập, lưu giữ nhật ký sản xuất của nông dân để minh chứng cho các đối tác thu mua. Đồng thời yêu cầu nông dân chăm sóc vải đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, kiểm soát chặt chẽ thông tin chỉ dẫn địa lý trên bao bì sản phẩm.
Trong năm 2021 , Sở Công Thương Bắc Giang dự kiến tổ chức 5 sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều, trong đó có: Chương trình du lịch trải nghiệm vùng vải thiều; tổ chức các sự kiện tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng tại một số thành phố lớn trong nước; tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang tại phố đi bộ Hà Nội (dự kiến từ ngày 10/6 đến 17/6/2021).
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm nay huyện có một hoạt động mới như: xúc tiến tiêu thụ vải thiều qua sàn giao dịch thương mại điện tử; công tác xúc tiến làm rất sớm ngay từ khi vải đang ra hoa; chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến tiêu thụ; đặc biệt, sẽ tổ chức họp trực tuyến vào ngày 8/6/2021, ngoài 63 tỉnh thành và 4 điểm cầu ở Trung Quốc có thêm 3 điểm cầu tại Nhật Bản, Singapore, Australia… Cũng theo ông Thi, Bắc Giang đã gửi danh sách tới Bộ Công an duyệt 192 thương nhân Trung Quốc đến Lục Ngạn thu mua và giám sát thu mua vải thiều. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…