Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 2 năm 2019 | 16:1

Lưu giữ, phát triển giống lợn Ỉ bản địa ở Móng Cái

Lợn ỉ Móng Cái (Quảng Ninh) là giống bản địa, sức sống dẻo dai, kháng bệnh cao, ăn tạp, thịt thơm ngon, hiện, đang được địa phương lưu giữ, phát triển

Lợn ỉ Móng Cái là con nuôi nổi tiếng của Quảng Ninh, có sức sống dẻo dai, kháng bệnh cao, ăn tạp, sinh sản tốt, thịt ngon, lợn ở vùng khác không có được.

 

lon-66666.JPG

 Lợn Móng Cái, có khoang trắng ở vai, bung, không khac đàn lơn trong tranh Đông Hồ.

 

Hiện, giống lợn bản địa vùng biên giới này đang được nhiều HTX, doanh nghiệp lưu giữ, lai tạo, nhân giống, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.

Lợn ỉ Móng Cái không biết có từ khi nào, nhưng theo nông dân nơi đây, giống lợn này là vật nuôi truyền thống. Chị Lê Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, cho biết, vật nuôi này có nguồn gốc hoang dã, phân bố chủ yếu ở Đông Bắc, tiếp giáp Trung Quốc, được thuần hóa thành vật nuôi gia đình.

Điểm nổi bật của giống lợn ỉ này là sức kháng bệnh rất tốt, ít khi bị bệnh truyền nhiễm từ giống lợn khác, đặc biệt, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.

Do sống hoang dã nên lợn ỉ Móng Cái không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau vườn nhà. Ngoại hình rất dễ nhận: đầu đen, giữa trán có một điểm trắng hình tam giác kéo dài, cổ có khoang, chia thân lợn ra hai phần, nửa trước màu đen kéo dài đến mắt, nửa sau trắng kéo dài đến vai, làm thành một vành trắng đến bụng và bốn chân.

Đặc biệt, lợn ỉ Móng Cái rất mắn, có thể đẻ 25 con/lứa và rất khéo nuôi con. Vì thế, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên Quảng Ninh đã đi vào thành ngữ về sự sinh sôi, phồn thực.

Được chị Dung dẫn đi thăm đàn lợn, chúng tôi thấy 10 con như một. Con nào cũng hồng hào, mập mạp, không khác gì đàn lợn âm dương trong tranh Đông Hồ.

Ngoài vóc dáng, chất lượng thịt lợn ỉ Móng Cái không lẫn vào đâu được, ví như, da mỏng, thịt mềm, ngọt giòn, không ngấy; giàu dinh dưỡng

Tuy nhiên, gần 10 năm trước, lợn ỉ Móng Cái chủ yếu được người dân các xã Hải Đông, Bắc Sơn, Hải Tiến, Quảng Nghĩa... T.p Móng Cái nuôi, quy mô nhỏ lẻ. Nhiều hộ còn đưa lợn ỉ Móng Cái lai tạo với các giống lợn khác, dẫn đến nguy cơ mất giống lợn ỉ bản địa.

Vì vậy, năm 2010, chị Dung đã nghiên cứu để bảo tồn, phát triển với quy mô bài bản. Chị chia sẻ: "Mới đầu, gặp rất nhiều khó khăn, do người nuôi ít, tập trung ở trong dân, nên phải nghiên cứu đặc tính, để lựa chọn giống bố, mẹ chuẩn nhất, lai tạo thành giống thuần chủng.

Năm 2012, thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, nhằm hướng đến phát triển đàn lợn giống bố, mẹ, liên kết chuỗi sản xuất để xuất khẩu".

Hiện, Công ty có trang trại 1ha tại xã Hải Đông (TP Móng Cái), lợn ỉ giống 1 tháng tuổi trở lên được tách mẹ, nuôi riêng. Lợn bố mẹ được đánh số ở tai, ghi các thông số tại cửa chuồng, để tiện quản lý, tránh nhầm lẫn trong việc phối giống.

 

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế, Thành phố Móng Cái, cho biết, chúng tôi đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết lợn ỉ Móng Cái, từ khâu chế biến đến tiêu thụ. Hiện, đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước, cũng như quốc tế, để lợn ỉ Móng Cái ngày càng chiếm lĩnh thị trường, trở thành thế mạnh của Quảng Ninh.

Thăm trại lợn hiện đại nhất Hải Dương

Nhiều năm gắn bó với ngành chăn nuôi lợn, anh Nguyễn Đắc Viêm, sinh năm 1979, xã Cẩm Định, Cẩm Giàng, luôn ấp ủ dự định gây dựng mô hình nuôi lợn khép kín chuyên nghiệp.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, anh đã là chủ sở hữu trang trại lợn hiện đại nhất Hải Dương.

 

lon-3333-h-d.jpg
 Công nhân  phải sát khuẩn hằng ngày, tuyệt đối không được ra ngoài trong  khi  làm việc

 

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh làm cho một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương. “Chứng kiến nhiều hộ phá sản vì lợn, đa phần do chủ quan, lệ thuộc quá nhiều yếu tố bên ngoài, thiếu chủ động trong sản xuất. Vì vậy, mặc dù đang có công việc, thu nhập ổn định, tôi vẫn quyết định bỏ, vay 700 triệu đồng, thành lập Công ty kinh doanh giống” – Anh Viêm chia sẻ.

Anh thuê 6ha đất đồng trũng, xa khu dân cư ở xã Cẩm Định xây dựng trang trại. Thay vì nuôi lợn nái, anh gây giống từ đời ông bà, chọn lợn bố mẹ, tự sản xuất con giống.

Hiện, anh đã có trang trại lợn giống bố mẹ lớn nhất Hải Dương. Ngoài đáp ứng 40% lượng giống bố mẹ trong tỉnh, anh còn là bạn hàng tin cậy của các tỉnh, thành phố lớn phía Bắc.

Với 400 lợn giống ông bà nhập từ Mỹ, Bỉ, Canada, Đan Mạch… mỗi tháng anh có khoảng 250 lợn nái, 400 lợn thương phẩm.

Ngoài ra, còn xây dựng xưởng sản xuất thiết bị chăn nuôi tại xã Tân Trường, để tư vấn, lắp đặt vật dụng chăn nuôi phù hợp quy mô, điều kiện từng trang trại. Công ty CP Giống - thiết bị chăn nuôi Hưng Huy do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Năm 2019, dự định sẽ nhập thêm 500 lợn giống ông bà để đáp ứng nhu cầu người dân. Ngoài ra, còn gắn chip để theo dõi lợn giống.

Là cơ sở sản xuất VietGAP nên khách hàng vào giao dịch phải sát khuẩn từ cổng, nếu muốn thăm chuồng trại, phải ở lại ít nhất 2 ngày trong khu khử khuẩn, để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Công nhân phải sát khuẩn trước khi vào chuồng, và không được ra ngoài khi làm việc, để kiểm soát dịch bệnh, giảm rủi ro. Không chỉ khắt khe về kỹ thuật, anh còn đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ. Toàn bộ lợn giống đều gắn chip để xác định thể trạng từng con, và giúp phát hiện bệnh nhanh chóng.

Khâu cho lợn ăn, vệ sinh chuồng trại cũng hoàn toàn tự động. Lượng thức ăn được tính toán để không lãng phí. Quá trình sinh trưởng, phát triển được lưu giữ qua  camera xung quanh chuồng.

Cuộc khủng hoảng thừa năm 2016 càng thôi thúc anh khép kín chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Sau nhiều lần cân nhắc, anh đã xây dựng cơ sở chế biến tại xã Cẩm Định.

Bà Phạm Thị Đào, quyền Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp Hải Dương, nhận xét: "Trang trại lợn của anh Viêm là cơ sở hiện đại, thông minh và quy củ nhất Hải Dương hiện nay. Đây sẽ là nền tảng để ngành chăn nuôi của Tỉnh phát triển ổn định, bền vững".

Bình Thuân: Làng thuyền thúng được cá, được giá đầu năm mới       

“Đầu năm ít người đi biển, cá sẽ tăng giá. Không nắm lấy cơ hội đó, chờ lúc nào?”. 

 

ge-99991.jpg

  Niềm vui được mùa ghẹ biển của ngư dân thuyền thúng đầu Xuân mới

 

Phan Văn Hoài, một ngư dân ngoài ba mươi tuổi vừa gỡ cá vừa nói: Đầu năm, nhiều người đang vui Xuân mới, nhưng trên biển  thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, Thị xã La Gi, hàng chục chiếc thuyền thúng (loại có máy đuôi tôm) đang lần lượt vào bờ. Đón họ là vợ, con, cá được mùa, được giá…

Anh Phan Văn Hoài nói: “5 giờ sáng tôi ra biển và bây giờ quay vô nên cá không thể nói là không tươi”. Cũng theo Hoài, loại lưới anh đang gỡ là lưới 2, chuyên bắt cá nhỏ, được thả cách bờ chừng 3-5  hải lý, độ sâu khoảng 7 thước.

Nhiều người khác cũng thế, đây là cách ngư dân làng thuyền thúng Hiệp An  kiếm sống hơn 10 năm nay, sau khi xăng dầu tăng giá, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, nếu đánh bắt thuyền công suất lớn.

Mặt khác, nó phù hợp với những ngư dân năng lực tài chính có hạn. Cũng theo Hoài, ngoài việc đánh lưới 2, lưới 3, ngư dân còn thả rập, ngư cụ bằng lưới, hình dáng như con sâu, dài 20-30 m.

Bên ngoài rập bao lưới, trong lưới có những chiếc khung sắt hình vuông,  mỗi cạnh khoảng 15cm để khi thả xuống, không bị nước đè bẹp.

Trên mỗi rập, có cửa sổ không quá rộng, quá nhỏ. Bên trong rập, nếu bắt ốc hương, đặt vào đó xác cá ươn, vì ốc thích thịt ươn; còn bắt hải sản, không đặt mồi gì, chỉ thả xuống biển, làm thành bức tường vây để ghẹ, mực, cá nhỏ tự chui vào, và không thể nào ra được.

Vì thế, “chợ”hải sản Hiệp An sáng mùng 2 Tết, có rất nhiều loại cá, mực, ghẹ… Song, cá vẫn chiếm lượng lớn vì còn được ngư dân  đánh bắt bằng lưới. Một phụ nữ chuyên buôn hải sản tại chợ Tân Hải khoe rổ ghẹ vừa mua được.

Theo đó, ghẹ bằng nửa bàn tay, được bán gần 200 ngàn đồng/ 3 con, hơn ngày thường 50 ngàn đồng. Một ngư dân cười tươi với rỗ ghẹ, cho biết: sẽ không bán, để dành đãi khách mùng 3 Tết. “Con học đại học trong Sài Gòn. Bạn nó ra chơi mình phải có cái đặc biệt để đãi chớ”.

Anh Hoài cho biết:  “Chợ cá Hiệp An, diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ, từ 6-7 giờ sáng.  Cá dĩ nhiên rẻ hơn ở chợ một ít. 

Chẳng hạn, cá liệt 80 ngàn/ kg, cao hơn ngày thường 20 ngàn/ kg; nhưng nếu đưa đến chợ Tân Hải, dứt khoát gần 100 ngàn đồng/ kg.

Được biết, những người đánh cá ven bờ, sau khi trừ chi phí, thu nhập trên dưới 300 ngàn đồng (khoảng mấy giờ trên biển). Cả thôn Hiệp An có trên 200 thuyền thúng, tạo thành làng cá riêng của La Gi.

Lưu giữ, phát triển giống lợn ỉ bản địa; chăn nuôi lợn VietGap quy mô lớn; niềm vui được mùa hải sản đầu năm của ngư dân thuyền thúng, là tin tuần tại nhiều địa phương.

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top