Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thường xuyên không ổn định, nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh...
Theo ông Su De Mao, Hội trưởng Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường cho biết, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, đã tiêu thụ một lượng lớn hoa quả của Việt Nam, trong đó phải kể đến các loại trái cây như thanh long, dưa hấu và xoài.
Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường lý giải nguyên nhân nông sản Việt xuất sang Trung Quốc gặp khó. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ). |
"Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về ba loại trái cây này. Về dưa hấu, ở Trung Quốc cũng có trồng và thường vào mùa tháng 5 đến tháng 8. Trong khi đó, dưa hấu ở Việt Nam có từ tháng 11 đến tháng 5, cho nên khi trái vụ, hoa quả Việt Nam rất có tiềm năng khai thác thị trường Trung Quốc. Vấn đề ở đây là làm sao Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa", ông Su De Mao cho biết.
Cũng theo đại diện Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường, sản lượng nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc mỗi năm là hơn 4 triệu tấn, tương đương khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ. Riêng cửa khẩu Bằng Tường là 2,3 triệu tấn, trong đó thương hội của ông Su De Mao chiếm khoảng 80% lượng nhập khẩu hoa quả từ Bằng Tường.
Mặt khác, theo thông tin do ông Su De Mao đưa ra thì hiện nay, tỷ lệ hoa quả theo đường biên mậu (tiểu ngạch) ngày càng giảm xuống, chỉ còn 20%, đồng nghĩa 80% còn lại là chính ngạch.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thường xuyên không ổn định. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh.
"Một số hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang thì Trung Quốc cũng sản xuất, trồng trọt, ví như dưa hấu. Từ đó, thời điểm Trung Quốc vào mùa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của Việt Nam. Cho nên quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được thông tin từ thị trường Trung Quốc", ông Su De Mao nói.
Ông Su De Mao cũng cho rằng, để cải thiện tình hình xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải xây dựng những thương hiệu riêng, chất lượng đảm bảo để nâng cao sức cạnh tranh. Chỉ khi đó người tiêu dùng Trung Quốc mới ưa thích và lựa chọn sản phẩm Việt.
Song song với việc đánh giá về thực trạng xuất khẩu nông sản, các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường sản xuất kinh doanh.
Theo đó, mô hình liên kết, hợp tác, trao đổi giữa các hợp tác xã trên cả nước được cho là biện pháp hữu hiệu để tăng sức cạnh tranh, nâng cao thương hiệu sản phẩm Việt.
Thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao.
"Trong tình hình mới, mô hình hợp tác xã cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu", ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã Trung ương, nhận định.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên.
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động với doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng không ít hợp tác xã của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Từ đó, các chuyên gia đã cùng thảo luận các giải pháp để khắc phục những khó khăn này, giúp mô hình hợp tác xã phát triển bền vững hơn./.
Duyên Duyên
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.