Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 12 năm 2021 | 11:14

Mắc ca giúp người dân Điện Biên làm giàu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá: Mắc ca là loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề cây giống, chú trọng khâu chế biến và thị trường tiêu thụ.

mac-ca1.jpg
Cây mắc ca có thể giúp người dân Điện Biên thoát nghèo, làm giàu.

 

Tín hiệu tích cực từ Nà Khoa

Sau 1 năm trồng thử nghiệm, cây mắc ca được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại xã Nà Khoa (Nậm Pồ). Nhìn chung cây sinh trưởng và phát triển tốt, có triển vọng trở thành cây xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân xã Nà Khoa.

Gắn bó 14 năm với mảnh đất Nà Khoa, anh Trần Ngọc Phương nhận thấy nơi đây nhiều đất trống, có tiềm năng để phát triển cây trồng mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, anh tham gia Hợp tác xã Nông sản sạch xã Nà Khoa cùng 7 gia đình khác tìm hướng phát triển kinh tế. Qua nghiên cứu, anh Phương cùng các thành viên Hợp tác xã thống nhất lựa chọn cây mắc ca đưa về trồng thử nghiệm tại Nà Khoa với diện tích ban đầu khoảng 5ha.

Anh Phương cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng chỉ trồng ngô, sắn, sau đó mới chuyển đổi sang một số cây ăn quả khác. Trong quá trình vừa trồng vừa tìm hiểu tôi nhận thấy cây mắc ca có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định chuyển hướng sang giống cây này. Hơn 1 năm trồng thử nghiệm tôi thấy cây mắc ca dễ sống, khá phù hợp với thổ nhưỡng ở Nà Khoa. Không chỉ vậy, quá trình trồng khá đơn giản, mỗi năm chỉ làm cỏ và bón phân 3 tháng/lần với các loại NPK, phân gà Nhật Bản…

Cùng với anh Trần Ngọc Phương, anh Lý Văn Phượng, bản Nà Khoa cũng đang huy động vốn để trồng thử nghiệm khoảng 200 cây mắc ca. Ngoài chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả, anh Phượng còn sử dụng kỹ thuật, kinh nghiệm sau mấy năm làm việc với cây mắc ca ở huyện Mường Nhé. Anh Phượng chia sẻ: Gia đình tôi có nhiều diện tích đất trống nhưng càng trồng càng bạc màu, làm nương không mang lại hiệu quả kinh tế. Thấy Hợp tác xã Nông sản sạch xã Nà Khoa chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng mắc ca, tôi mới bàn với gia đình trồng thử nghiệm, nếu sinh trưởng, phát triển tốt mới mở rộng diện tích. Vì trồng cây này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Dẫu vậy tôi cũng rất tin tưởng dự án này sẽ thành công vì cây mắc ca nhìn chung hợp thổ nhưỡng, lớn nhanh, phát triển tốt… 

 

01.jpg

Thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch xã Nà Khoa chăm sóc cây mắc ca.

 

Ngoài gia đình anh Phương, anh Phượng, ở Nà Khoa cũng có nhiều hộ dân khác mạnh dạn trồng thử nghiệm cây mắc ca, như gia đình bà Lý Thị Đào, bản Nà Khoa trồng với diện tích 3,5ha; gia đình ông Thào A Sàng, bản Nậm Nhừ 2, trồng 1ha… Theo thống kê của UBND xã Nà Khoa, tổng diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn khoảng 9,5ha. Qua 1 năm trồng thử nghiệm cho thấy cây dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh hại và khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng; sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Hiện nay, cây đã cao khoảng 1m trở lên.

Ông Thùng Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Nà Khoa cho biết: Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra chỉ tiêu trồng 40ha cây mắc ca trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, diện tích mắc ca trên địa bàn xã đã được khoảng 9,5ha, đạt gần 24% so với chỉ tiêu đề ra. Trong thời gian tới, xã tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất nương kém hiệu quả, tận dụng diện tích đất trống để trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây mắc ca.

Hơn 1 năm bén rễ đất Nà Khoa, cây mắc ca đang mang lại những tín hiệu tích cực cho nông dân nơi đây về một tương lai thoát đói nghèo. Dẫu vậy vẫn cần thời gian để có thể đánh giá được chính xác hiệu quả cây mắc ca mang lại bằng những sản phẩm cụ thể. Thế nhưng, chỉ tính riêng công chăm sóc, bón phân 4 lần/năm với diện tích mắc ca ngày càng tăng như hiện nay cũng đã tạo việc làm cho không ít người dân ở xã Nà Khoa.

Hướng thoát nghèo cho người dân Tuần Giáo

Quài Nưa là xã tiên phong trong triển khai trồng cây mắc ca của huyện Tuần Giáo. Từ năm 2013 xã đã trồng thí điểm hơn 10ha; đến năm 2015 Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên đã trồng hơn 600ha mắc ca ở hầu hết các bản: Bó Giáng, bản Củ, Cang...

Ông Lù Văn Hiêng, Bí thư Đảng ủy xã Quài Nưa chia sẻ: “Trước đây, khi vận động bà con góp đất, trồng thử nghiệm cây mắc ca, tôi rất băn khoăn, lo ngại, vì sợ mắc ca cũng giống như một số cây trồng mới từng thử nghiệm rồi thất bại. Thế nhưng, hôm nay khi tận mắt chứng kiến mắc ca phát triển cho những lứa quả đầu tiên trĩu cành tôi rất vui mừng, phấn khởi. Hy vọng mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, giúp bà con cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống”.

Hiện, xã Quài Nưa đã có trên 150ha cây mắc ca của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên bắt đầu bói quả, sản lượng ước đạt từ 5kg/cây; riêng cây mắc ca trồng năm 2013 cho sản lượng ước đạt từ 10 - 15kg/cây.

Cách đây 8 năm, tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, bạc màu, ông Là Văn Tươi, bản Chăn (xã Quài Nưa) đã cải tạo trồng thử nghiệm gần 1ha cây mắc ca. Để phát triển thành công cây mắc ca, ông Tươi đã tham quan, học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh. Sau 5 năm cần cù chăm sóc, diện tích mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho lứa quả đầu tiên, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2020 trên diện tích gần 1ha, ông Tươi thu hoạch trên 4 tạ quả, xuất bán với giá 50 - 60 nghìn đồng/kg (quả tươi), mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng.

 

02-tuan-giao.jpg

Người dân xã Quài Nưa (Tuần Giáo) chăm sóc cây mắc ca.

 

Ông Là Văn Tươi phấn khởi nói: “Ngày mới trồng, tôi được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao, cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Cây không tốn nhiều công chăm sóc, đầu tư, công lao động ít lại sinh trưởng, phát triển tốt và đầu ra rất thoải mái”.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Qua quá trình theo dõi, cây mắc ca trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và khả năng phát triển tốt. Cây mắc ca là loài cây 3 trong 1 (công, nông, lâm) tuổi thọ hàng trăm năm, có thể trồng trên đất dốc, đất nương bạc màu. Đặc biệt, cây có khả năng hạn chế rửa trôi xói mòn đất, có thể trồng thành rừng phòng hộ với mật độ trên 400 cây/ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Hiện, tổng diện tích trồng cây mắc ca theo dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt 1.400ha. Trong đó, xã Quài Nưa 600ha; xã Quài Cang 800ha. Đánh giá cho thấy cây mắc ca trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai; tốc độ và khả năng sinh trưởng tốt; tỉ lệ cây sống đạt trên 98%. Hiện, có 47ha mắc ca trồng thí điểm từ năm 2015 tại xã Quài Nưa đã bắt đầu có quả với tỉ lệ đạt hơn 90% diện tích, sản lượng từ 3 - 4kg/cây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Ngoài ra, từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động mỗi năm để tham gia các hoạt động: Trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mắc ca. Với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Theo Đề án phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca, mật độ trồng 280 cây/ha. Năm 2021, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng mới 350ha cây mắc ca; trong đó xã Quài Nưa 250ha.

Tháo gỡ khó khăn các dự án mắc ca

Điện Biên hiện có 8 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư 8.812 tỷ đồng, quy mô thực hiện trồng 47.046ha mắc ca. Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai trồng mắc ca theo đúng hợp đồng ký kết; chính quyền các địa phương cũng tích cực hỗ trợ, song việc thực hiện các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết quý III, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đã trồng được 3.375ha, đạt 41% so với quy mô tiến độ phê duyệt đến năm 2021 (đạt 9% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt).

Do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, đa số diện tích đất trong vùng dự án (bao gồm cả đất quy hoạch lâm nghiệp) đang được người dân quản lý, sử dụng, canh tác nương. Diện tích đất “sạch” để cho doanh nghiệp thuê hầu như không có. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án trồng cây mắc ca đều triển khai trên địa bàn các xã khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động gặp khó khăn.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất vùng dự án, hỗ trợ công khai hoang, cải tạo đất đai theo cơ chế của tỉnh, quá trình thực hiện mất rất nhiều thời gian và vốn đầu tư cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Đối với những dự án mới được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa thực hiện trồng cây do chưa thực hiện được thủ tục về đất đai với người dân vùng dự án như: Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ và Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên.

 

03.jpg

Công nhân Công ty Cổ phần Maccadamia tỉnh Điện Biên chăm sóc cây mắc ca tại xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng).

 

Dự án Trồng cây mắc ca tại các xã Thanh An, Thanh Xương, huyện Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 với tổng mức đầu tư 127,165 tỷ đồng, quy mô trồng tập trung 505ha. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Công ty TNHH HL Điện Biên đã nhận chuyển nhượng 240ha đất để thực hiện hiện dự án, phần diện tích còn lại (khoảng 280ha) Công ty đang vận động người dân ký hợp đồng hợp tác liên kết hoặc hợp đồng góp vốn để thực hiện dự án. Đến nay, Công ty đã trồng được 152ha, đạt 30% so với quy mô theo tiến độ dự án được duyệt đến năm 2021.

Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc trong khâu tích tụ đất đai. Cụ thể, phần lớn diện tích đất của người dân trong vùng dự án đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ với diện tích, vị trí thửa đất trong Giấy chứng nhận không đúng với thực tế nên quá trình tích tụ đất đai của chủ đầu tư dự án gặp nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp phải giải quyết nhiều thủ tục về đất đai liên quan đến người dân để cấp đổi lại Giấy chứng nhận theo Nghị định số 163/1999/NĐ- CP. Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Công ty đã kiến nghị UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên hướng dẫn, giải quyết nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Ông Dương Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH HL Điện Biên cho biết: Công ty đã thuê đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đo đạc, quy chủ lại toàn bộ diện tích đất của người dân tham gia liên kết hoặc chuyển nhượng đất. Sau đó trình thẩm định tại UBND xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Công ty đã hoàn thành đo đạc, quy chủ đợt đầu với tổng diện tích 220ha tại xã Thanh Xương và Thanh An; hồ sơ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định xong; UBND 2 xã Thanh Xương và Thanh An đã đóng dấu bản đồ và đang trình phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của huyện quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc trình duyệt hồ sơ, thủ tục để sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Từ đó công ty có thể sớm ký hợp đồng liên kết hoặc chuyển nhượng với người dân để triển khai thực hiện dự án.

Bà Mai Hương, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các dự án để kịp thời xem xét, giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề nghị cấp có thẩm xem xét, tháo gỡ. Sở đã thành lập các Tổ công tác phối hợp rà soát, xác định hiện trạng rừng vùng dự án trồng cây mắc ca để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đất đai như: Hỗ trợ Công ty TNHH Mường Then xác định diện tích đất có rừng, không có rừng để làm thủ tục thuê đất; hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc xác định diện tích đất trống, chưa có rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé để làm cơ sở lập hồ sơ xin điều chỉnh dự án; hỗ trợ Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc khảo sát, xây dựng dự án tại huyện Điện Biên Đông...

Ngoài ra, Sở đã tổ chức Hội nghị triển khai thành lập thí điểm Hợp tác xã Mắc ca để phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp có dự án trồng mắc ca tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và đầu tư Phú Thịnh thuê 541,14ha tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên để trồng cây mắc ca. Đồng thời, cử cán bộ tham gia rà soát các diện tích đất đất trống, chưa có rừng để thực hiện dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với UBND huyện Điện Biên và UBND TP. Điện Biên Phủ tuyên truyền về thành lập Hợp tác xã Mắc ca tại xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ), Hua Thanh, Mường Pồn (huyện Điện Biên)…

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, UBND huyện đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã tích cực phối hợp với nhà đầu tư để sớm tháo gỡ khó khăn. Đối với các dự án mới được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thành lập thí điểm Hợp tác xã Mắc ca; thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Đến nay, các tổ công tác đã phối hợp với Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên đến từng thôn, bản nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và tuyên truyền chủ trương chính sách phát triển cây mắc ca của tỉnh, thông tin của dự án.

Cần chú trọng khâu chế biến và thị trường tiêu thụ

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, tỉnh đã trồng được hơn 3.800 ha mắc ca ở các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng. Hiện, một số diện tích cây 4-5 tuổi đã cho thu hoạch quả với năng suất, chất lượng có triển vọng tích cực. Đến nay, tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cây mắc ca với diện tích hơn 47.000 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng.

Giai đoạn tới, Điện Biên xác định tập trung phát triển cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô khoảng 120.000 ha theo hướng thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân và hợp tác xã.

Vừa qua, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, thời gian tới, Điện Biên cần tập trung đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; quan tâm hướng dẫn đồng bào phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, có nguồn thu ổn định từ rừng.

Đối với dự án phát triển cây mắc ca, Bộ trưởng cho rằng, đây là loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề cây giống, chất lượng giống, chú trọng khâu chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân làm giàu.

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm phát triển Mắc ca Việt Nam tại thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), ngày 29/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, cây mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, những vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.

Vậy nên, để đẩy nhanh phát triển thị trường mắc ca, các cơ quan chức năng cần có những hướng đi bài bản và đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, là phối hợp công tác trồng mắc ca cùng người nông dân để hiệu quả sản lượng cao, đạt chất lượng xuất khẩu. Các đề án cần được nghiên cứu thấu tình đạt lý, chứ đừng để phát triển ồ ạt, theo trào lưu mà khiến thị trường "lợi bất cập hại".

 

Thị trường “nở rộ”

 

Theo số liệu của Hội đồng hạt quả khô thế giới (INC), trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành mắc ca phát triển tăng cả về sản lượng (từ hơn 27.500 tấn nhân vào năm 2009 lên hơn 60.000 tấn nhân vào năm 2019), cũng như nhu cầu tiêu thụ (tăng từ hơn 29.000 tấn nhân vào năm 2009 lên hơn 58.000 tấn nhân vào năm 2018). Trung bình, cứ 3kg hạt mắc ca tươi nguyên vỏ sản xuất được 1kg nhân mắc ca.

Sản xuất nhân mắc ca trên toàn cầu giữ tốc độ tăng trưởng qua nhiều năm. Tổng sản lượng nhân trong mùa vụ năm 2019 lên tới hơn 60.000 tấn, đứng đầu là Nam Phi và Australia chiếm tương ứng cho 29% và 22% thị phần thế giới năm 2019.

Giá hạt mắc ca thu mua tại vườn cũng có xu hướng tăng trong vòng 20 năm. Từ hơn 2 AUD/kg vào năm 1990 tăng lên hơn 6 AUD/kg vào năm 2020 tại thị trường Australia.

Tuy nhiên, sản lượng mắc ca dù liên tục tăng trong những năm qua nhưng chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới, điều này cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường cho hạt mắc ca còn rất lớn.

Theo nghiên cứu của Grand View Research (Mỹ), quy mô thị trường hạt mắc ca toàn cầu dự kiến sẽ đạt 24 tỷ USD vào năm 2027, mở rộng với tốc độ tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 9,2% từ năm 2020.

Tại thị trường Việt Nam, hạt mắc ca tươi bán tại vườn có giá khoảng từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg. Còn tại Australia - quốc gia xuất khẩu mắc ca lớn nhất thế giới, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá thu mua 1kg mắc ca đã giảm từ 6,2 AUD của năm 2020 xuống còn 5,1 AUD (khoảng 90.000 đồng/kg), ghi nhận vào tháng 4/2021.

Điều này cho thấy người trồng mắc ca tại Việt Nam đang được hưởng giá bán rất tốt. Và khi tới người tiêu dùng, giá thành 1kg mắc ca đã chế biến có thể dao động từ 200.000 - 600.000 đồng/kg tùy chất lượng hạt.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top