Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã có những kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và PTNT để có thể xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp.
Chiều 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã có những kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và PTNT để có thể xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, Tập đoàn Masan cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019.
Ông Nguyễn Đăng Quang Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan phát biểu tại Hội nghị.
Masan đặt mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu
Năm 2019, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cả nước đã thành lập mới 2.756 DN nông nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%.
Hưởng ứng lời kêu gọi doanh nghiệp tham gia cùng cơ quan nhà nước vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng số hóa để thay đổi và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn, Tập đoàn Masan đã đặt mục tiêu đầu tư vào nền nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chất lượng - xu hướng tối ưu nhất mà các cường quốc nông nghiệp trên thế giới đang áp dụng. Tập đoàn Masan là đơn vị tiên phong đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến thế giới vào mô hình nông nghiệp khép kín 3F “từ trang trại đến bàn ăn”, hoàn thiện chuỗi giá trị tích hợp, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối sản phẩm. Mục tiêu phục vụ các sản phẩm chất lượng cao cho gần 100 triệu người Việt Nam và tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Với việc sáp nhập VinCommerce và VinEco vào Tập đoàn Masan vừa qua, doanh nghiệp đã sở hữu thêm hệ thống 14 trang trại công nghệ cao, sản xuất, xây dựng và phát triển nông sản thương hiệu Việt, sẵn sàng tham gia hệ thống cung ứng toàn cầu. Cũng thông qua việc sáp nhập này, Masan đã tạo ra một nền tảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, giữ lại thị trường Việt cho chính các doanh nghiệp nội và giúp người tiêu dùng Việt hưởng lợi từ các kênh phân phối hiện đại.
Mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan đã thẳng thắn đưa ra những kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT để có thể xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần phải được điều chỉnh một số điểm để khuyến khích đông đảo doanh nghiệp tham gia và có nguồn lực đủ lớn để bứt phá.
Các tập thể và cá nhân vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng. Trong đó, Masan là Tập đoàn tư nhân duy nhất.
CEO của Masan Group cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp cho công tác xây dựng các chuỗi sản phẩm mà một mình doanh nghiệp không thể làm được. Cụ thể như: Truyền thông hướng dẫn, kết nối người nông dân, kết nối HTX, kết nối các doanh nghiệp sản xuất để đảm bảo các chuỗi cung cấp nông sản Việt…
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Chia sẻ với Thủ tướng, có doanh nghiệp cam kết tới đây đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD từ nông nghiệp. “Không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp đến đây đâu, sở dĩ như ông Nguyễn Đăng Quang (CEO của Masan Group) ngồi đây là nền kinh tế vĩ mô ổn định, doanh nghiệp mở sản xuất rất mạnh, kinh doanh thành công. Các doanh nghiệp ngồi đây cũng là như thế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều tra mới nhất tầng lớp trung lưu hiện nay tại Việt Nam khoảng 15 triệu người, chiếm 15% tổng dân số nhưng tương lai càng tăng lên trên 50%. Đó là xu hướng để các doanh nghiệp có động lực, đón đầu để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Tôi cũng rất trân trọng hướng phát triển của Masan như ông Nguyễn Đăng Quang nói, toàn tâm toàn sức đầu tư, trân trọng nông nghiệp Việt Nam, thị trường Việt Nam đây là hướng đi cần thiết, còn tương lai có xuất khẩu xì dầu sang nước khác thì rất đáng hoan nghênh thôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Với những thành tựu đã đạt được, tại Hội nghị, Tập đoàn Masan đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen vì đã có thành tích đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019.
Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh đánh giá cao mục tiêu phục vụ người tiêu dùng Việt của Masan. Đây là nguồn động viên to lớn đối với Tập đoàn Masan, cũng như lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Quyết tâm cùng nhau chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hiệu quả.
Ông Nguyễn Đăng Quang, CEO của Masan Group khẳng định cam kết của Lãnh đạo và hơn 40.000 cán bộ nhân viên Masan, sẽ dốc sức toàn tâm toàn lực vào ngành nông nghiệp, phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống người nông dân, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Masan luôn có khát vọng trở thành “Niềm tự hào Việt Nam” trên hành trình chinh phục các thị trường khó tính, vươn ra thế giới.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.