Hiện nay, ở các địa phương miền Trung đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu, nhiều địa phương tập trung phương tiện để thu hoạch nhanh nhất trước khi thời tiết có những diễn biến phức tạp. Vụ lúa hè thu này, nhiều địa phương có năng suất lúa rất cao.
Sau mưa lớn, nông dân Hà Tĩnh hối hả thu hoạch lúa
Do ảnh hưởng của những đợt mưa lớn trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, làm cho việc thu hoạch lúa hè thu của bà con nông dân ở đây phải dừng lại. Ngay sau khi trời có nắng bà con nông dân Hà Tĩnh lại hối hả ra đồng thu hoạch gọn số diện tích còn lại.
Trên những cánh đồng của huyện Can Lộc, sáng nay, hàng chục máy gặt đập liên hợp cũng nối nhau ra đồng. Hiện tại, một số xã như Xuân Lộc, Khánh Vĩnh Yên,... vẫn còn một số diện tích chưa thu hoạch.
Anh Phan Xuân Hạnh - chủ máy gặt ở xã Quang Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: “Xã Quang Lộc hoàn thành thu hoạch sớm, trước đợt mưa vừa rồi nên tôi được hợp đồng thuê xuống các xã vùng dưới để hỗ trợ. Tuy nhiên, vì sợ ảnh hưởng đến máy nên chúng tôi vẫn chủ yếu ưu tiên gặt vùng cao, ít ngập nước trước. Với lượng nước còn nhiều trong chân ruộng thì không thể tránh khỏi việc thời gian gặt sẽ lâu hơn”.
Tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, khi trời vừa hửng nắng vào sáng nay, nông dân đã hối hả xuống đồng. Theo chia sẻ của bà con, lúa đã chín vàng nhưng địa phương thuộc vùng trũng, thấp, máy gặt liên hợp cỡ lớn không thể vào được, vì thế xã phải huy động nhân lực, dùng máy gặt mini và gặt tay để tránh thiệt hại.
Theo ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, hiện nay, nước trong các chân ruộng đã bắt đầu rút, huyện thông báo đến các địa phương động viên bà con ra đồng thu hoạch lúa hè thu. Ngay từ sáng nay (11/9), bà con bắt đầu tập trung gặt trở lại”.
Ngoài huyện Can Lộc, Hương Sơn, các huyện khác có diện tích chưa thu hoạch lớn trên địa bàn tỉnh như TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, TX Hồng Lĩnh, vùng Tây Nam Thạch Hà, TX Kỳ Anh… cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đến năng suất, chất lượng vụ hè thu.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ sau ngày 12/9 trở đi sẽ có nắng, vì thế, các địa phương phối hợp chủ động vận hành hệ thống tiêu thoát nước để giảm lượng nước ở đồng ruộng. Bà con cần tập trung huy động nhân lực, máy móc để tiến hành thu hoạch số diện tích lúa còn lại, ưu tiên thu hoạch các vùng cao trước trong khi chờ nước ở vùng thấp hơn rút bớt. Đối với các vùng địa hình khó khăn, máy gặt đập liên hợp không vào được thì bố trí gặt tay nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng cho vụ lúa hè thu”.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 35.000 ha lúa hè thu, đạt hơn 76% diện tích gieo cấy; một số huyện có diện tích thu hoạch cao như: Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... Số diện còn lại hơn 9.000 ha tập trung chủ yếu tại các vùng Tây Nam Thạch Hà, Thượng Can Lộc, Hương Sơn, Lộc Hà, TX Hồng Lĩnh... Qua nắm tình hình tại các địa phương, nước đã cơ bản rút, không có diện tích bị ngập sâu. Bên cạnh đó, lúa giai đoạn này bước vào thời kỳ chín nên ít chịu ảnh hưởng của mưa lớn. |
Quảng Bình vụ hè thu thắng lợi
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Bình gieo cấy 14.305/14.609ha lúa, đạt 97,9% kế hoạch; trong đó, huyện Quảng Trạch 3.200ha; Quảng Ninh 3.060ha; TX. Ba Đồn 2.186ha; Bố Trạch 2.214ha; Lệ Thủy 1.177ha; Tuyên Hóa 1.173ha; TP. Đồng Hới 756ha; Minh Hoá 539ha. Nhiều giống lúa chủ lực đã được đưa vào gieo trồng là: PC6, HT1, ĐB6, ĐV108, HN6, Hà Phát 3, LTH31, ST24, ST25...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Vụ hè thu năm nay, huyện gieo cấy được 3.200/3.280ha lúa. Triển khai sản xuất đầu vụ, địa phương và bà con nông dân gặp một số khó khăn do giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa, như: Lân, đạm, giống quá cao; chi phí đầu tư cho vụ sản xuất vụ hè thu tăng khiến nông dân gặp nhiều lúng túng.
“Vụ sản xuất lúa hè thu năm 2022, huyện Quảng Trạch thắng lợi toàn diện cả về năng suất và sản lượng so với vụ trước. Năng suất lúa toàn huyện ước đạt 57,4/tạ/ha (năm 2021 đạt hơn 52 tạ/ha); sản lượng ước đạt 18.375 tấn. Các địa phương có năng suất lúa cao: Phù Hóa 60,5 tạ/ha; Quảng Lưu 60,2 tạ/ha, Quảng Phương 60 tạ/ha, Quảng Hưng 60 tạ/ha", ông Định nói.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Xuân Tứ cho biết, vụ hè thu năm nay được xem là một vụ mùa thắng lợi của bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày từ đầu vụ sản xuất, các địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân bám sát khung lịch thời vụ, sử dụng các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, như: PC6, HN6, DV 108, Khang dân 18, ST24, ST25… để gieo trồng, chăm sóc. Đặc biệt, vụ hè thu này, toàn tỉnh không thiếu nước để sản xuất lúa, tình hình sâu bệnh ổn định, không diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Tứ, trong vụ sản xuất này, người nông dân cũng gặp một số bất lợi, giá vật tư sản xuất nông nghiệp quá cao, nhất là phân bón, do vậy, ở một số địa phương người dân đầu tư vào cây lúa hạn chế. Hơn nữa, giá thành nông sản quá thấp và tại một số địa phương như huyện Bố Trạch, Quảng Ninh tình trạng nông dân bỏ ruộng xảy ra còn nhiều nên đã phần nào ảnh hưởng đến sản xuất…
“So với vụ hè thu năm trước, vụ này năng suất bình quân lúa toàn tỉnh ước đạt 53 tạ/ha. Các địa phương có năng suất lúa cao, đó là: Quảng Trạch đạt 57,4 tạ/ha; TP. Đồng Hới 56 tạ/ha; TX. Ba Đồn 57 tạ/ha; Bố Trạch 50 tạ/ha; Quảng Ninh 54 tạ/ha. Đối với lúa tái sinh năng suất đạt 19,71 tạ/ha, sản lượng 17.225 tấn…”, ông Tứ cho hay.
Đến thời điểm này, bà con nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch xong 13.773ha lúa vụ hè thu. Hiện, còn 602ha diện tích trà muộn chưa thu hoạch, trong đó: Quảng Ninh 200ha, Bố Trạch 200ha, Tuyên Hóa 142ha, TX. Ba Đồn 30ha, TP. Đồng Hới 30ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo các địa phương, bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/9 nhằm tránh thiệt hại do mưa bão bất thường…”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Xuân Tứ cho biết. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.