Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 1 năm 2019 | 15:5

Mô hình nông trại “độc, lạ” đầu tiên ở Việt Nam

Đó là trang trại tổng hợp vườn ao chuồng (VAC) 4.0, tự cung cấp thực phẩm sạch cho các hộ gia đình của Công ty CP Nông trại chia sẻ Sharefarm Hà Nội, ở xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ - Hà Nội).

1.JPG
Sản xuất rau sạch tại Nông trại Sharefarm Hà Nội.

Với cách làm năng động, sáng tạo, cùng góp vốn và cùng hưởng lợi, Sharefam đã cung cấp thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn cho các hộ gia đình ở Thủ đô. Họ là người tiêu dùng và cũng chính là chủ đầu tư.

Thực phẩm 4.0 từ nông trại đến bàn ăn

Đó là: cá tươi, gà mổ sẵn, thịt lợn xẻ, sữa thanh trùng, rau theo mùa, chuyển về nội thành từ trang trại của Sharefam, cách trung tâm Thủ đô 33km.

Công nghệ nuôi cá của Sharefam là sự kết hợp “3 trong 1”, chọn lọc những ưu điểm từ mô hình “sông trong ao” của Mỹ, tuần hoàn nước của Israel và mô hình rau - cá của Nhật Bản. Với lượng nước trong ao 3m3, có thể nuôi ở mật độ 20kg cá/m3, tương đương 6 tấn cá trắm, chép, rô phi, điêu hồng. Nước thải đậm đặc từ bể cá được tưới cho cỏ voi; còn lại chuyển vào hệ thống lọc sinh học, qua ao nuôi bèo để hút dinh dưỡng, làm sạch nước, bèo tấm sẽ theo nước sạch bơm lại hệ thống ao nuôi làm thức ăn cho cá. Lượng bèo tấm thừa để nuôi ốc bươu vàng, làm thức ăn chăn nuôi.

Nếu phải nuôi ngoài thiên nhiên, để có lượng cá sạch như thế, cần tới 5.000m2 ao hồ, hoặc phải có sông suối tự nhiên. Mô hình nuôi cá của Sharefam áp dụng cái hay của 3 mô hình trên, cá được vận động như trong sông tự nhiên, nguồn nước sạch 100% cách ly với ô nhiễm; thức ăn cho cá được chế biến tại trang trại, chất lượng đảm bảo. Mặt khác, còn giảm thiểu bệnh tật, thất thoát và có thể đánh bắt hàng tuần theo nhu cầu cổ đông.

Khu nuôi gà ta thả vườn được đặt giữa cánh đồng, xung quanh trồng ngô và cỏ VA06. Hiện, trang trại có 3.000 gà Ri lai Mía, bình quân 6 tháng/lứa, gà thịt có trọng lượng 1,7 - 2,0 kg/con; gà choai gối đầu 1.000 con/tháng. Thức ăn cho gà là cám ngô, gạo, bột cá, đỗ tương được chế biến tại xưởng của trang trại. Khu nuôi bò sữa có hệ thống chuồng trại thoáng đãng, có máy nghe nhạc, sân chơi rộng rãi. Sữa tươi sau khi vắt được thanh trùng tại xưởng và đưa vào kho lạnh.

Tương tự như khu nuôi bò, các dãy chuồng lợn cũng được bố trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh.     

Cuối cùng, khu trồng rau sạch theo mùa, có vùng đệm và nguồn nước tưới đảm bảo, mùa nào thức ấy. Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng thiên địch, bẫy bả để dẫn dụ côn trùng, phòng trừ sâu bệnh.

Xung quanh khu sản xuất của trang trại vừa trồng cỏ để làm đệm lót sinh học, vừa làm vùng đệm cách ly với bên ngoài. Nước thải từ ao cá, khu chăn nuôi được gom lại  trước khi tưới cho đồng cỏ, ngô. Khu nuôi trùn quế và “ruồi lính đen” đặt cuối khu chuồng bò để xử lý phân bò, lợn. Trùn quế và sâu canxi làm thức ăn cho lợn, gà; phân trùn bón cho rau hữu cơ.

Đặc biệt, điểm “nhấn”của mô hình VAC trong trang trại Sharefarm là, có  nhiều vòng lặp sinh học được vận dụng như: chăn nuôi - phân - ruồi lính đen - trùn quế - thức ăn chăn nuôi; phân bón trồng trọt, phân cá - lọc sinh học - nuôi bèo, ốc - nước được bèo lọc sạch quay lại cấp cho nuôi cá. Đây chính là mô hình VAC 4.0, không có đối tượng nào là chất thải, là gánh nặng, mọi đối tượng, sản phẩm đều là tài nguyên và cần được khai thác hiệu quả. Hay nói cách khác, đây là mô hình nông trại đa canh, dựa trên việc xây dựng các hệ sinh thái lành mạnh, thuần thiên nhiên.   

Mặt khác, làm VAC 4.0 không phải là chỉ đi vào các sản phẩm cụ thể, mà chính là xây dựng hệ sinh thái hữu cơ thuần thiên nhiên một cách có chủ đích, có dẫn dắt, tính toán và có thiết kế bài bản. Vì vậy, mô hình VAC 4.0 của Sharefam có mật độ chăn nuôi, trồng trọt cân đối. Chuồng trại được bố trí giữa cánh đồng ngô và cỏ hữu cơ; ao bèo tấm, bèo hoa dâu phục vụ gia súc, gia cầm. Nước thải từ chăn nuôi được tưới phù hợp để ngô, cỏ, bèo đều hấp thụ hết.

Trong trang trại VAC Sharefam, không có chỗ cho khái niệm rác thải vứt đi, mọi thứ đều là năng lượng, đều được tận sử dụng hiệu quả.  

Lợi ích của các hộ thành viên

Đầu ra của trang trại là các cổ đông và khách hàng thân thiện nội thành Hà Nội. Hiện, sản phẩm của Sharefarm đã cung cấp cho 200 cổ đông đầu tư và cổ đông tiêu dùng, có cổ phần vốn gốc 46 triệu đồng/cổ đông; trong đó có 100 khách hàng mới đóng 1 phần tiền, song vẫn được hưởng ưu đãi như cổ đông. Các gói đầu tư gồm: 46.780.000 đồng, cho hộ 2 người; 67.890.000 đồng: 3 người; các hộ có thể lựa chọn gói thích hợp cho mình.

Mỗi tuần 2 lần, nông trại có xe lạnh đưa 5 mặt hàng kể trên đến tận nơi cho khách; các ngõ, ngách nhỏ có xe máy đưa vào nhà. Giá trung bình cá tươi 74.000 đồng/kg; gà mổ sẵn 135.000 đồng/kg; thịt lợn xẻ 94.000 đồng/kg; thịt bê 220.000 đồng/kg; sữa thanh trùng 26.500 đồng/lít; rau theo mùa 24.500/kg. Bình quân 1 hộ thành viên 2 người  phải thanh toán 1.600.000 đồng/tháng, để nhận được lượng thực phẩm sạch là 5kg cá, 3kg thịt gà, 3.5kg thịt lợn, 10kg rau, 10 lít sữa, tương đương với giá trung bình tại các siêu thị trên địa bàn 2.680.000 đồng, tiết kiệm được 1.080.000 đồng.

Ngoài ra, trang trại Sharefarm còn là công viên và xưởng thực nghiệm, để cộng đồng có thể hưởng thụ các giá trị du lịch và giáo dục theo các chương trình của Công ty.    

Chị Lê Phương Linh, ở Khu đô thị Trung Hòa, cho biết, chị đóng cổ phần gói 46 triệu đồng từ tháng 7/2018, đến tháng 10 bắt đầu có sản phẩm. Hàng tuần, vào thứ 3 và thứ 6, chị nhận hàng theo quy định của Sharefarm; thường trước ngày đưa hàng, người giao hàng sẽ thông báo cho khách. Nếu không có gì thay đổi, họ sẽ giao theo gói sản phẩm chị đã đăng ký, thực đơn mỗi lần gồm: 2,5kg thịt lợn, 1 con gà, rau theo mùa và sữa, do cá bây giờ mới lớn, nên mấy tháng qua chị chỉ chi phí hết 1 triệu đồng/tháng.

Ông Lý Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông trại chia sẻ Sharefarm, cho biết: “Mô hình khởi động năm 2017, chính thức đi vào hoạt động tháng 6/2018, đối tượng chăm sóc của công ty là các cổ đông và khách hàng (trả trước), sản xuất theo đơn đặt hàng. Hay nói cách khác, Sharefarm chính là nấc thang cao hơn của mô hình hợp tác xã kiểu mới, là mô hình VAC hiện đại.

Tính xã hội của nó rất lớn, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, cổ đông được mua hàng rẻ hơn so với siêu thị trên 30%. Mặt khác, còn tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động khi phải đi mua hàng của người nội trợ. Đặc biệt, còn thỏa mãn ước mơ được sở hữu nông trại ngoại ô và không gian xanh cho cả nhà trong dịp lễ, Tết, hay ngày nghỉ cuối tuần”.

Cũng theo ông Hùng, Sharefarm còn nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp sạch. Khi nông trại phát triển lên mức cao hơn, sẽ liên kết tiêu thụ sản phẩm phong phú hơn với bà con, không gói gọn trong 5 mặt hàng ban đầu.   

Nông trại chia sẻ

Anh Nguyễn Đức Vượng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngọc Tảo, cho biết: “Xã cho Công ty Sharefarm thuê trên 4ha đất trồng lúa bấp bênh. Ban đầu, đã có 15-20 người địa phương được nhận vào làm việc ổn định như: bảo vệ, trồng rau, cỏ, chăm sóc gia súc, gia cầm, nuôi cá, với mức lương 6,6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, khi bà con nắm vững kiến thức sản xuất sạch, có thể liên kết với công ty để tiêu thụ sản phẩm”.

Ngoài ra, anh Vượng còn cho biết, công ty đã tổ chức tại địa phương 1 lớp học (35 người tham gia) về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, để thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Trước đây, bà con thường phụ thuộc vào thiên nhiên, ít chủ động sản xuất, chỉ biết cấy lúa là chính. Về cách chăm sóc thì lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học. Sản xuất manh mún, không đồng bộ mỗi hộ một quy trình. Sau khi học xong, nông dân biết chuyển đổi sản xuất, chú trọng cây trồng chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp sạch. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Có thể gọi mô hình VAC của Sharefarm là mô hình tự cung, tự cấp 4.0, hay nông trại chia sẻ cũng không sai, vì ở đó có hàng trăm hộ gia đình cùng tham gia góp vốn. Tự chi trả các phí hoạt động và nhận về phần lớn sản phẩm bằng giá gốc, được cắt giảm gần như tất cả các chi phí trung gian.

Là mô hình VAC vượt trội và bền vững so các mô hình khác, với chất lượng sản phẩm mà các cổ đông đã biết và giám sát. Ở đây, người tiêu dùng cũng chính là chủ đầu tư, còn người sản xuất là công nhân chuyên nghiệp. Về quy mô trang trại, đủ để cung cấp thực phẩm cho 300 hộ gia đình (4 người/hộ), tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, trên diện tích 9ha đất”. 

Theo ông Mỹ, vấn đề tham nhũng và thất thoát được giải quyết bằng biện pháp minh bạch 100%, các cổ đông được đấu thầu cung ứng nguyên liệu vật tư, dịch vụ. Các chỉ số kinh tế được tính toán thỏa thuận từ trước, toàn bộ chi phí hoạt động đã được khoán gọn trong giá thành phẩm, không phát sinh chi phí khác cho cổ đông. Duy nhất, các cổ đông có trách nhiệm giám sát để đảm bảo sản phẩm phải có chất lượng như cam kết, nhờ sự hỗ trợ tối đa bởi công nghệ.

Có thể nói, Sharefarm Hà Nội là mô hình trang trại đi từ đồng ruộng tới bàn ăn, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, trình độ quản lý, sản xuất cao, nhờ vậy, sản phẩm luôn tối ưu về giá thành và chất lượng, nhất là đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia.

Sharefam rộng 13.68ha, được thuê lại từ ruộng lúa kém hiệu quả của người dân 2 xã Ngọc Tảo và Tam Thuấn. Trước đây, khu đồng này 1 năm chỉ sản xuất được 2 - 3 tạ lúa/sào/vụ, trừ chi phí, có khi hòa vốn hoặc lãi khoảng 200.000 -300.000 đồng/sào, chỉ bằng công 1 người thợ xây/ngày. Nay, được công ty thuê lâu dài với giá 1,5 -1,7 triệu đồng/sào/năm, bà con rất phấn khởi.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top