Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 5 năm 2016 | 4:40

Mở hướng hợp tác nông nghiệp bền vững Nga – Việt

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng với Đại diện Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học và thực tiễn Công nghệ sinh mới của Liên bang Nga, ứng dụng cho Nông nghiệp Việt Nam, mở ra hướng hợp tác Nông nghiệp bền vững giữa 2 quốc gia Nga – Việt.

Cánh đồng lúa mì đang thu hoạch của Nga.

Được biết, phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ cao ở Việt Nam đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của nước nhà, để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Nhất là khi Việt Nam đang trên đường hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng, việc tạo ra những sản phẩm sạch phục vụ trong nước và xuất khẩu là hết sức cần thiết. Vì vậy, 2 nước Việt - Nga đang là những đối tác chất lượng, toàn diện, để thúc đẩy kinh tế hợp tác trong đó có khoa học công nghệ.

Hiện, Việt Nam đang hướng tới việc áp dụng những công nghệ sinh học mới của Nga vào ngành nông nghiệp. Trước mắt, nước bạn đã giới thiệu với chúng ta những sản phẩm thân thiện môi trường như: Các chế phẩm sinh học giúp nâng cao tính hiệu quả của ngành trồng trọt, chăn nuôi, thú y. Chẩn đoán bệnh ở vật nuôi và các chế phẩm chữa các bệnh do virus ở vật nuôi gây ra. Điều chế và sản xuất các sản phẩm sinh học từ nguồn nước tái chế. Các thiết bị phân tích, kiểm tra nông sản, thực phẩm; công nghệ sấy khô thực phẩm. Đặc biệt là các giải pháp của công ty “Công nghệ nước Sibiri” dành cho nông nghiệp như: tái sử dụng nguồn nước, xử lý nước thải trong chăn nuôi, chế biển thực phẩm; nhất là việc lọc mặn rất cần thiết cho ĐBSCL vào lúc này.

Tuy nhiên, để các sản phẩm trên đến được tay người tiêu dùng Việt Nam một cách nhanh chóng, dễ dàng và đúng luật thì còn nhiều việc phải làm. Viện Nghiên cứu châu Âu có thể giúp đỡ, tư vấn chính sách, định hướng trong việc nghiên cứu thị trường và giới thiệu sản phẩm. Đó chỉ mới là bước chuyển giao công nghệ, ngoài ra còn phải hợp tác giáo dục đào tạo; sở hữu trí tuệ… Có như vậy mới có thể thúc đẩy quan hệ trên một cách mạnh mẽ, thực chất và sống động hơn.

Là người chăn nuôi lớn của Việt Nam, có mặt trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Đăng Cường (Bắc Ninh) có ý kiến, hiện, chúng tôi muốn nhập các sản phẩm để ứng dụng trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản thì tiếp cận các sản phẩm ở đâu, giá cả như thế nào, hình thức chuyển giao công nghệ ra sao… Về vấn đề này, nước bạn trả lời, chúng tôi sẵn sàng làm việc này, tuy nhiên còn phải khảo sát nguồn nước, chất đất của địa phương bạn để cung cấp sản phẩm thích hợp cả về giá cả và chất lượng sản phẩm, không đơn thuần như việc chúng tôi bán cho bạn một cái điện thoại và bạn chỉ việc sử dụng…                    

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, ông Nguyễn An Hà, cho biết: “Đây mới chỉ là sự kiện bước đầu, nằm trong chuỗi sự kiện hợp tác 2 bên cùng có lợi của Liên bang Nga và các doanh nghiệp Việt, trong việc chuyển giao công nghệ sinh học. Không đơn thuần chỉ là việc bán sản phẩm mà còn là vấn đề kết hợp giáo dục và đào tạo để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Tương tự như việc liên kết giữa 4 nhà mà Việt Nam đang triển khai. Làm tốt vấn  đề này, không những doanh nghiệp Việt mà doanh nghiệp Nga cũng được hưởng lợi. Hy vọng, sau Hội thảo này chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ các đại biểu Nga và Việt để tiếp tục trao đổi, hợp tác tốt hơn”.

Dương An Như

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top