Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 13:54

Mở rộng chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học

Áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi, mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng vật nuôi.

t40.jpg
Mô hình chăn nuôi giống gà Lạc Thủy tại xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Ánh Nguyệt

 

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Những năm qua, số lượng gia cầm trung bình mỗi năm tăng 10%, sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt hơn 1,3 triệu tấn, trứng đạt trên 13 tỷ quả. Đạt được kết quả đó là do Việt Nam đang sở hữu bộ giống gia cầm phong phú, có năng suất, chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi gia cầm hiện nay cũng tiềm ẩn dịch bệnh, hạn chế trong liên kết sản xuất, đôi khi còn mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều. Do vậy, chăn nuôi gia cầm cần phải có định hướng và giải pháp để phát triển bền vũng.

Trước thực trạng đó, năm 2015, được sự hỗ trợ của Tổ chức  Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện dự án Giảm thiểu rủi ro và các mối đe doạ sức khoẻ con người theo chuỗi giá trị EPT2- OSRO/VEI/402/USA.

Sau nhiều năm thực hiện dự án cùng FAO, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án đến 29 tỉnh, thành và 10 trường, viện nghiên cứu, tổ chức hội đang sử dụng tài liệu chăn nuôi của FAO để tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi.

Đến nay, các mô hình tham gia chăn nuôi an toàn sinh học đạt được những kết quả nhất định. Theo Cục Chăn nuôi, trong 4 năm (2016 – 2020), tốc độ tăng trưởng 10,10%; đàn gà tăng trưởng 11,53%, trong đó gà thịt tăng 12,90%, gà đẻ tăng 6,77%; đàn thuỷ cầm tăng 5,25%, trong đó thuỷ cầm thịt tăng 4,65%, thuỷ cầm đẻ trứng tăng 6,94%.

Triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương

Tại Hà Nam, mô hình chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cho thấy đàn gà có tỷ lệ sống và khả năng tăng trọng cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống, đặc biệt dịch bệnh được kiểm soát nên giảm được chi phí thuốc thú y 1.000 - 3.000 đồng/con/lứa nuôi.

 

t41.JPG
Hội thảo chăn nuôi với chủ đề “Truyền thông tài liệu về thực hành quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm”.

 

Bên cạnh đó, đệm lót chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô giáo, giúp đàn gà khoẻ mạnh, hạn chế được dịch bệnh và không phải thay đệm lót thường xuyên. Khi tham gia dự án, các hộ chăn nuôi được tập huấn, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, yêu cầu các hộ phải đạt được tối thiểu 70% tiêu chí VietGAP, khuyến khích các hộ đạt được nhiều hơn. 100% số hộ tham gia đều đạt trên 70% số tiêu chí VietGAP.

Trong 3 năm (2018 – 2020) triển khai dự án, Thái Bình đã xây dựng được 3 mô hình, với 5 điểm trình diễn và 31 hộ tham gia dự án, quy mô 24.000 con gà giống lông màu nuôi chăn thả, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với gà Mía lai (chưa tính công lao động), khi nuôi 800 con trong mô hình, lãi 20,285 triệu đồng, tăng 3,225 triệu đồng so với ngoài mô hình.

Đối với mô hình gà Lương Phượng (chưa tính công lao động), nuôi 1.000 con thu lãi 18,924 triệu đồng, ngoài mô hình lãi 15,552 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng 17,81%.

Đối với mô hình gà Ri lai (chưa tính công lao động), khi nuôi 1.000 con, trong mô hình lãi 22,953 triệu đồng, tăng 3,612 triệu đồng so với ngoài mô hình.

Tại Hải Dương, các mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, nuôi trên nền đệm lót sinh học được triển khai tại các xã Thống Nhất (huyện Gia Lộc); Tân An, Tân Việt, Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà); An Bình, Hợp Tiến (huyện Nam Sách);  Nam Hưng (huyện Nam Sách)… Sau 3 tháng, trọng lượng gia cầm đạt  2,2 - 4,0kg/con, tỷ lệ sống trên 98%.

TS. Hà Thuý Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của FAO, dự án đã giúp giảm thiểu rủi ro và các mối đe doạ sức khoẻ con người. Các hoạt động phối hợp nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, giúp người chăn nuôi và cộng đồng nắm bắt thông tin và thay đổi nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia cầm một cách hiệu quả, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm truyền lây giữa người và động vật”.

 

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc” vừa diễn ra tại Hòa Bình, đến năm 2020, đàn gia cầm cả nước đạt 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà, chiếm 79,5%. Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 79,9%, gà đẻ chiếm 21,1%. Nhiều địa phương đã đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ những giống vật nuôi đặc sản như: gà Tiên Yên (Quảng Ninh), gà Yên Thế (Bắc Giang), gà Chí Linh (Hải Dương), gà Đông Tảo (Hưng Yên)... Nhiều sản phẩm sau khi tham gia OCOP đã có bứt phá mạnh cả về giá cả và quy mô sản lượng.

Tuy nhiên, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định, quy mô chăn nuôi các giống đặc sản chủ yếu ở hộ gia đình, do đó việc đầu tư công nghệ, chế biến sâu, mở rộng quy mô, xúc tiến thương mại, đăng ký sở hữu trí tuệ… bị hạn chế. Quy hoạch phát triển chăn nuôi các giống đặc sản của các địa phương thiếu hoạt động cụ thể, chưa lồng ghép sớm vào Chương trình OCOP để phát triển và đa dạng hóa sản phẩm OCOP từ chăn nuôi. Hoạt động xúc tiến thương mại còn chưa tập trung, bài bản, chưa truyền thông mạnh mẽ về các giống, con đặc sản các vùng quê.

Theo bà Hạnh, để đẩy mạnh Chương trình OCOP, mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao làm tiền đề trong quy hoạch, chiến lược phát triển trên cơ sở lợi thế, thế mạnh vùng, miền.

 

 

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top