Sau 1 năm chính thức có hiệu lực với Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá tác động tích cực tới xuất khẩu hàng Việt,...
Đồng thời, giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất - nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chưa như kỳ vọng; nhiều doanh nghiệp (DN), địa phương chưa thật sự tập trung để tận dụng khai thác cơ hội.
Xuất khẩu tăng 3,9%
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, dù mới triển khai được một năm, song CPTPP đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường của các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng so với các năm trước. Xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; thủy sản, dệt, may.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.
Đáng chú ý, một số thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ FTA như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6%.
Tuy nhiên, có thị trường tăng không đáng kể, như Singapore (chỉ tăng 1,1%, đạt 3,231 tỷ USD). Thậm chí, xuất khẩu sang một số thị trường còn giảm, như Australia (giảm 12% so với năm trước, đạt 3,523 tỷ USD), Malaysia (giảm 3%, đạt 3,376 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường các nước đã thực thi CPTPP về cơ bản là giảm hoặc tăng không đáng kể. Do đó, tác động tới cán cân thương mại đến từ hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước đã thực thi CPTPP thặng dư 3,9 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ 2018.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau hơn 1 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, đã có 27/63 tỉnh, thành đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP. Trong đó đứng đầu là TP HCM, tiếp theo là Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Nhiều tỉnh, thành cũng cho biết, số lượng DN trong tỉnh quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn.
Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước CPTPP tương đối đa dạng, từ hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ cho đến hàng dệt may, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử… Tuy nhiên, trong số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang Canada, Mexico vẫn thiếu vắng một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông - thủy sản… “Đây là con số rất khiêm tốn và ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía DN”, Bộ Công Thương đánh giá.
Tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, để DN xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Canada cần phải qua các bước như nghiên cứu thị trường, xác định mã HS hàng hóa, từ đó biết mức thuế nhập khẩu cũng như các chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như xác định phương tiện vận tải.
Đặc biệt, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Canada cần áp dụng theo Luật An toàn thực phẩm mới có hiệu lực của Canada từ tháng 1/2019. Trong đó có thay đổi về quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa, theo hướng nhà nhập khẩu phải chịu toàn bộ trách nhiệm từ truy xuất nguồn gốc, nuôi trồng đến việc xuất khẩu, chế biến đóng gói và đưa sản phẩm vào Canada.
“Nhà xuất khẩu, nhà chế biến hay nhà nhập khẩu đều phải xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa rủi ro về an toàn thực phẩm, luật ghi nhãn đóng gói, luật phân bón do cơ quan kiểm dịch thực vật Canada chịu trách nhiệm quản lý. Các mặt hàng công nghiệp sẽ phải tuân thủ theo một số các quy định về hàng tiêu dùng của Tổng cục cạnh tranh Canada hoặc quy định của Bộ Y tế”, bà Hương lưu ý.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhìn vào cấu trúc cũng như cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, việc cắt giảm nhiều dòng thuế và mở cửa thị trường đầu tư và thương mại là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn của thế giới, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc khai thác lợi ích từ các FTA trong thời gian vừa qua cho thấy, DN Việt Nam thực sự chưa khai thác tốt, dù cơ hội từ các FTA đưa lại rất lớn về mở cửa thị trường nhưng số lượng DN khai thác có hiệu quả chỉ mới chiếm 30 – 40%, còn lại hầu như các DN trong nước chưa tận dụng để khai thác.
Chính vì thế, bà Nga cho rằng, đối với các DN sản xuất kinh doanh rất cần tìm hiểu thị trường đối tác trong FTA để sản xuất sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào và giá cả bao nhiêu, áp dụng quy tắc xuất xứ ra làm sao… bởi dù thuế suất có thể giảm về 0% nhưng không phải DN Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm gì cũng có thể bán được ở thị trường các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam…
“Quan trọng nhất là DN Việt Nam cần phải nắm vững quy tắc xuất xứ của các đối tác trong FTA mà Việt Nam đã thực thi đối với sản phẩm của chính DN mình. DN cũng phải phối hợp chặt chẽ với phía chính phủ để tháo gỡ các hàng rào kiểm dịch khi sản phẩm xuất khẩu bị vướng mắc”, bà Nga cho hay.
Nhằm giúp cộng đồng DN Việt Nam tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa thách thức từ CPTPP, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc đôn đốc, điều phối các bộ, ngành triển khai đầy đủ và đúng thời hạn các hoạt động đã đề ra trong Kế hoạch thực hiện CPTPP của Chính phủ và của từng bộ, ngành, địa phương.
Hiện tại, trong khuôn khổ hợp tác của CPTPP, Bộ Công Thương đang làm việc với Đại sứ quán Australia và Ngân hàng Thế giới nhằm xây dựng Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do (FTA Portal).
Đây sẽ là một cổng thông tin điện tử chính thức từ phía Bộ Công Thương để cung cấp thông tin về các FTA mà trước mắt là CPTPP một cách chính thống, hiệu quả và kịp thời tới cộng đồng DN trong và ngoài nước.
Cổng thông tin này sẽ là cửa ngõ toàn diện hướng dẫn DN và người dân tận dụng tối đa cơ hội do các FTA mang lại trên cơ sở công cụ tra cứu, hướng dẫn tiện ích cho người dùng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ rà soát, hoàn thiện lộ trình và triển khai xây dựng, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ phát triển DN, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.