Thủ tướng biểu dương các Bộ đã “dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình” để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, đồng thời cảnh báo nếu “cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác vì quyền lợi của vụ mình, sở mình... là vấn đề nguy nan”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực theo đúng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Hơn 5.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa
Trong đó, nổi bật là công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức, thực hiện có nhiều tiến bộ cả ở cấp trung ương và địa phương. Các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong triển khai, đôn đốc, theo dõi, giám sát thực hiện Nghị quyết, kết quả thực hiện được cập nhật kịp thời, nhiều địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, có nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính hiệu quả.
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là thủ tục về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cơ chế một cửa quốc gia đảm nhiệm 41 thủ tục hành chính của 10 bộ, ngành đã thu hút được trên 15 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia, sử dụng; trong số hơn 5.000 thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa, đã có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được đơn giản hóa, 47 thủ tục hành chính về xây dựng được cắt giảm.
Triển khai rà soát 368 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; sửa đổi 66 văn bản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng triển khai dự thảo các Nghị định về sửa đổi, kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh...
Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2017, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp diễn ra sôi động, có sức lan tỏa mạnh từ Trung ương đến địa phương, được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ; đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia được triển khai tích cực; tổ chức khảo sát tình hình thực thi pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ cá nhân khởi nghiệp, kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia, tổ chức tư vấn...
Thứ tư, quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp được đảm bảo, với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua, Nghị định số 01/2017/NĐ-CPquy định cụ thể trình tự một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Thứ năm, với phương châm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính đã dự thảo, ban hành 8/17 thông tư, dự kiến bãi bỏ 10 và điều chỉnh giảm mức thu của 23 khoản phí và lệ phí; Bộ Giao thông vận tải triển khai làm việc cụ thể với các nhà đầu tư, triển khai giảm giá ở 38/73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ...
Thứ sáu, tăng cường các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra quá 1 lần/năm đối với mỗi doanh nghiệp. Thanh tra Chính phủ đã quán triệt và tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa…
Nhiều vấn đề cần cải thiện
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35. Cụ thể là chưa giải quyết triệt để được sự không thống nhất giữa các luật, nhất là về đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng. Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hiệu quả chưa cao.
Tiếp cận tín dụng, đất đai còn khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, chi phí logistic. Công tác thanh tra, kiểm tra ở cấp địa phương vẫn còn một số chồng chéo, trùng lắp về nội dung, phối hợp chưa hiệu quả giữa ngành thanh tra và ngành kiểm toán, chưa có sự kế thừa các kết luận thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan...
Mới chỉ có một số ít bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh; vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải thiện, như: danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành còn rộng và có xu hướng ngày càng tăng; vẫn còn sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toànchưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; quản lý chuyên ngành còn chồng chéo giữa các Bộ; thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn dài...
Thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện tích cực, nhưng vẫn thiếu tính bền vững và còn khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực. Vẫn còn một số chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực, như chỉ số Hiệu quả thị trường hàng hoá; Chất lượng cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển kinh doanh. Một số chỉ số về Môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng, như chỉ số Khởi sự kinh doanh (thứ 123); Giải quyết phá sản doanh nghiệp (thứ 129); Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại là tâm lý trì trệ, ngại cải cách, đổi mới cả trong tư duy, cách nghĩ, cách làm vẫn còn tồn tại phổ biến, chưa đáp ứng được tinh thần kiến tạo và sự phát triển của thực tiễn. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chậm được khắc phục, chỉ có một số ít địa phương triển khai quyết liệt thu được kết quả tích cực về đăng ký kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài…
“Bước sang năm 2018, các cấp, các ngành cần tập trung nỗ lực để cải cách và đổi mới hơn nữa cả về tư duy, phương pháp, cách làm, coi đó là yêu cầu cấp bách đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống nhằm đáp ứng xu thế tất yếu của hội nhập và phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất giải pháp để đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Lắng nghe tháo gỡ, chống bảo thủ, trì trệ
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã nâng nhiều bậc, nhưng vẫn còn có ngành, địa phương gây trở ngại cho kinh doanh, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chưa có giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Do đó, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 là yêu cầu quan trọng trong năm 2018. “Những vướng mắc nào, những công việc gì cần triển khai thì các đồng chí xác định cho rõ đây là nội dung công tác quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề, tại sao có tỉnh làm rất tốt về cải thiện môi trường đầu tư như mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp hay mô hình một cửa liên thông hiện đại nhưng còn địa phương ì ạch, vẫn còn tư duy bao cấp xin – cho.
Thủ tướng dẫn chứng con số Bộ trưởng Tư pháp nêu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2017, các bộ ngành, cơ quan Trung ương đã cắt giảm được hơn 5.000 thủ tục. Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng… đã làm tốt việc này, mỗi bộ cắt 1/3-1/2 thủ tục, đã dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để tạo môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, cho rằng hiện vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, Thủ tướng nêu rõ, “anh cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác vì quyền lợi của vụ mình, sở mình,... là vấn đề nguy nan”.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2018 cần tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính quyền các cấp có sự tương tác, phản hồi tích cực với người dân và doanh nghiệp.
“Mình phải lắng nghe, phải tháo gỡ, chứ cứ nói mình đúng rồi, mình bảo thủ, trì trệ trong khi thể chế là một điểm nghẽn mà Đảng ta đã xác định thì làm sao thành công được”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần ước đạt 35,6 tỷ USD, tăng 42,3%; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Đăng ký doanh nghiệp đạt cao nhất từ trước đến nay, cả nước có khoảng 153,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động với tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 3,16 triệu tỷ đồng. Xếp hạng môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127; tổ chức Moody’s và Fitch đã công bố nâng xếp hạng về triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực. |
Hà Chính/Chinhphu.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.